Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:
Đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển
Chủ nhật: 23:35 ngày 09/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh vừa ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Hiện ngành Y tế đang thiếu nhân lực. Ảnh minh hoạ: Tâm Giang

Tổng kinh phí thực hiện Đề án đến năm 2025 là 93.460.000.000 đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian triển khai thực hiện từ năm 2022.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cần thiết

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định “phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá… Đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp…”. Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” là cần thiết, nhằm tạo nguồn CBCCVC có trình độ cao, có khả năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chiến lược và đề ra các giải pháp khai thác mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tây Ninh luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công, quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đào tạo sau đại học và thu hút nhân tài. Nhìn chung, thời gian qua đạt được một số kết quả nhất định, bổ sung dần đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ chuyên môn, đủ năng lực thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Việc sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC được thực hiện bảo đảm theo quy định; từng bước sắp xếp gắn với chức danh, nghề nghiệp và gắn với vị trí việc làm; hầu hết đã được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

Công tác tuyển dụng thông qua thi tuyển theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định pháp luật, bảo đảm tính cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, phát huy được sở trường công tác. Tuyển mới được 3.079 công chức, viên chức (510 công chức; 2.569 viên chức).

Công tác đào tạo sau đại học và thu hút nhân tài đạt được kết quả bước đầu: có 470 CBCCVC được hỗ trợ chính sách đào tạo sau đại học (chiếm 45,85% so với đội ngũ CBCCVC có trình độ sau đại học hiện nay) và thu hút nhân tài được 59 trường hợp (33 bác sĩ, 12 trường hợp tốt nghiệp đại học loại giỏi, 14 trường hợp thạc sĩ).

Công tác cán bộ đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp; quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn, bước đầu khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín. Chủ trương luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Những hạn chế của nguồn nhân lực

Xét về tổng thể, đội ngũ CBCCVC chưa đủ mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Tỷ lệ CBCCVC có trình độ sau đại học, cao cấp lý luận chính trị trở lên còn thấp.

Chất lượng nguồn nhân lực khu vực công vẫn còn hạn chế, chưa ngang tầm nhiệm vụ; một bộ phận thiếu tính chuyên nghiệp, tính năng động, sáng tạo, kỹ năng và phương pháp giải quyết vấn đề không cao; thiếu cán bộ có khả năng dự báo, tham mưu giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC còn mang tính dàn trải, chưa tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, có lúc, có nơi chưa gắn với quy hoạch và nhu cầu sử dụng cán bộ, việc cử CBCCVC tham gia đào tạo, bồi dưỡng mới chỉ quan tâm đến số lượng, chưa quan tâm đến cơ cấu chuyên môn đào tạo. Tình trạng thiếu hụt đội ngũ bác sĩ, giáo viên chưa được kéo giảm. Một số CBCCVC năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhưng chậm thay thế; không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện, nghiên cứu, trau dồi năng lực chuyên môn.

Chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ chưa thực sự khuyến khích CBCCVC tận tâm với công việc, ảnh hưởng tới mức độ phát huy năng lực. Các chính sách thu hút nguồn nhân lực chưa đủ mạnh, việc trọng dụng nhân tài, đãi ngộ chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi thiếu đồng bộ, mang tính bình quân, chưa tạo được động lực mạnh mẽ, chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác.

Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành, lĩnh vực. Việc sắp xếp, bố trí CBCCVC có nơi chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, cùng một vị trí nhiệm vụ, người thì nhiều việc, người thì ít việc làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Việc xây dựng vị trí việc làm, bản mô tả công việc chưa phù hợp, không đúng với thực tế.

Nguồn nhân lực chất lượng cao quyết định lớn tới sự phát triển ổn định

Đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” được áp dụng tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng là CBCCVC đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, CBCC cấp xã, tài năng trẻ, sinh viên đã tốt nghiệp đại học chính quy tập trung loại giỏi hoặc có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đồng thời có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước hoặc các cơ sở đào tạo trong danh sách 500 cơ sở đào tạo đại học hàng đầu thế giới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: đào tạo từ 1 đến 2 tiến sĩ, 100 thạc sĩ trong nước có liên kết nước ngoài hoặc ở nước ngoài; đào tạo 200 thạc sĩ trong nước; tập trung các ngành, lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, khoa học công nghệ, kinh tế, quản lý công, chính sách công, tài nguyên - môi trường, khoa học xã hội và nhân văn hoặc khoa học chính trị.

Phấn đấu thu hút 80 người có trình độ cao, chuyên gia về công tác, hỗ trợ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với các ngành: y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp. Tổ chức ít nhất 30 khoá bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề, hội thảo… nhằm nâng cao năng lực quản lý, kiến thức, kỹ năng, giải quyết vấn đề… Tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 95%, trong đó có trình độ sau đại học đạt 15%. Tỷ lệ viên chức có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 70%, trong đó có trình độ sau đại học đạt 5%.

Sinh viên tốt nghiệp đạt loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ được thu hút theo Đề án này được bổ sung tăng thêm biên chế vào tổng biên chế của các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCCVC của tỉnh được chi từ kinh phí đào tạo của tỉnh; các trường hợp được đào tạo theo Đề án nhưng tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; hoặc không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; hoặc đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định phải thực hiện nghĩa vụ đền bù chi phí đào tạo theo quy định.

Tính đến ngày 31.12.2021, tổng số CBCCVC toàn tỉnh là 20.789 người (giảm 2.337 người so với năm 2015), trong đó, cán bộ, công chức có 2.443 người, chiếm 11,75% so với CBCCVC. Khối các cơ quan Đảng, đoàn thể có 832 người, khối các cơ quan hành chính nhà nước có 1.611 người. Cán bộ, công chức cấp xã có 1.905 người, chiếm 9,16% so với CBCCVC. Tổng số viên chức có 16.441 người, chiếm 79,08% so với CBCCVC, trong đó, viên chức sự nghiệp y tế có 2.263 người (tỷ lệ 13,76%), viên chức sự nghiệp giáo dục 12.673 người (tỷ lệ 77,08%).

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục