Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh Tây Ninh vừa ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.
Công trình dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp; đồng thời cấp nước sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, chăn nuôi cho người dân 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu.
Hồ Dầu Tiếng- Ảnh minh hoạ. |
Tổng nguồn vốn đầu tư cho công trình này đạt gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương (vốn trái phiếu Chính phủ) đầu tư 650 tỷ đồng, còn lại sử dụng vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Công trình gồm kênh chuyển nước từ hồ Dầu Tiếng đưa sang có chiều dài 16,67 km, lưu lượng thiết kế đầu kênh Q = 14,81 m3/s. Trong đó, công trình vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,361 km, kết cấu bằng ống thép đường kính 2D 2,4 mét, đặt trên các trụ bằng bê tông cốt thép. Tại vị trí vượt sông có khẩu độ thông thuyền lớn hơn 30 mét, chiều cao tĩnh không 6 mét, kết cấu cầu máng là ống thép đặt trong kết cấu giàn thép. Hai bên cầu máng có bố trí đường giao thông cho xe thô sơ, phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân trong vùng và công tác quản lý, vận hành.
Nối với con kênh chuyển nước là kênh tưới chính dài 29,41 km, lưu lượng thiết kế đầu kênh Q = 12,14 m3/s và kênh cấp 1 có tổng chiều dài 71,70 km đưa nước về các vùng sản xuất của 2 huyện Bến Cầu và Châu Thành.
Trên các kênh chuyển nước, kênh tưới chính và kênh cấp 1 còn có các công trình như: Cầu máng, cống qua đường, cầu qua kênh, cống điều tiết, cống tiêu luồn, tràn bên, cống lấy nước, tràn cuối kênh.
Dự kiến dự án được thực hiện từ năm 2018- 2022.
Công trình vượt sông Vàm Cỏ Đông, cung cấp nước cho 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu- Ảnh minh hoạ. |
Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết, do điều kiện tự nhiên, vùng đất phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc 2 huyện biên giới trên rất khô cằn, thường thiếu nước tưới vào mùa khô và ngập úng cục bộ vào mùa mưa, nên sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây từ trước đến nay rất khó khăn.
Cùng với đó là dự án có nhu cầu nguồn vốn rất lớn (gần 1.000 tỷ đồng); còn phải dùng công nghệ cầu máng bằng ống thép hơn 2 km, đòi hỏi kỹ thuật phải cao để đưa nguồn nước thủy lợi vượt sông Vàm Cỏ Đông vào đồng ruộng nên phải chờ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương. Dự án đã được Quốc hội đưa vào đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 -2020.
Theo ông Võ Đức Trong, sau khi công trình hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ dân nghèo vùng nông thôn, biên giới của 2 huyện Bến Cầu, Châu Thành chủ động hơn nguồn nước cho sản xuất vào mùa khô, từng bước làm thay đổi cuộc sống của vùng nông thôn nơi đây.
Lê Đức Hoảnh