Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và lao động có kỹ năng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thi công một tuyến giao thông quan trọng. Ảnh minh hoạ
Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, huy động mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước nhằm đưa kinh tế tỉnh Tây Ninh phát triển lên tầm cao mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tạo bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn; thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị; xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… là những mục tiêu mà Tây Ninh phấn đấu đạt được từ nay đến năm 2025.
Quy mô thu ngân sách nhà nước còn rất thấp
Giai đoạn 2016-2020, Tây Ninh đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng nguồn vốn chi đầu tư phát triển từ ngân sách chưa đáp ứng so với nhu cầu chi đầu tư phát triển của địa phương. Hiện tại, Tây Ninh mới chỉ trong giai đoạn đột phá, đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, kiến tạo nền móng để thu hút các nguồn lực đầu tư. Nhiều dự án, công trình vượt quá khả năng bố trí vốn của ngân sách địa phương nên phải kéo dài thời gian thực hiện. Hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dẫn tới hạn chế trong khai thác tiềm năng, thế mạnh, chưa hấp dẫn để thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Quy mô thu ngân sách nhà nước vẫn còn rất thấp so với 6 tỉnh miền Đông Nam bộ; thu ngân sách chưa bảo đảm tự cân đối chi ngân sách địa phương. Thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, nguồn thu từ xổ số kiến thiết và thu tiền sử dụng đất còn chiếm tỷ trọng cao (tổng 2 khoản thu chiếm tỷ trọng 24,4% so tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 27,9% trong tổng thu nội địa).
Các Quỹ Tài chính ngoài ngân sách như: Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất,… chưa được phát huy hiệu quả triệt để. Huy động vốn từ nguồn vay ưu đãi tín dụng trong nước và từ nguồn vay lại vốn Chính phủ vay ưu đãi ngoài nước còn rất thấp so với kế hoạch đã đề ra.
Nguồn vốn thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng với những lợi thế về vị trí địa lý, tiềm lực sẵn có của địa phương. Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt kinh tế phát triển, thiếu nhà đầu tư vào các ngành, lĩnh vực sản xuất chuyên sâu, mang lại giá trị lợi ích lớn cho phát triển kinh tế địa phương.
Nền kinh tế còn “trẻ”
Quy mô kinh tế của tỉnh nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao; các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực tiếp nhận công nghệ mới còn hạn chế.
Việc huy động nguồn vay ưu đãi tín dụng trong nước (vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam) với đối tượng sử dụng vốn chủ yếu là các dự án, công trình nhỏ, lẻ phục vụ kiên cố hóa kênh mương, phát triển hạ tầng làng nghề nuôi trồng thủy sản, làng nghề nông thôn…
Trong khi đó, nhu cầu nguồn vốn của địa phương chủ yếu thực hiện các dự án lớn, dự án trọng điểm nhằm mục tiêu kiến thiết kinh tế, thu hút nhà đầu tư lớn. Đối với vốn vay lại nguồn Chính phủ vay ngoài nước: Quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư thường phức tạp và kéo dài dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.
Trang trại bò sữa hiện đại ở Bến Cầu (ảnh minh hoạ)
Nguồn vốn ngân sách bố trí cho Quỹ Đầu tư phát triển còn hạn chế (hầu hết là bổ sung vào cuối năm khi tiết kiệm được chi ngân sách cấp tỉnh) nên chưa đủ lực để cho vay, ứng vốn đối với các dự án có quy mô lớn. Việc ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất tỉnh để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch chủ yếu là các dự án công trình cấp tỉnh hoặc một số ít huyện, thị xã, thành phố có nguồn vốn đầu tư phát triển tương đối khá như thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành.
Công tác quy hoạch chưa đồng bộ, thống nhất; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chậm do một số hộ dân còn khiếu nại về giá bồi thường; một số chủ đầu tư còn chậm trong việc triển khai thực hiện dự án được giao.
Vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ là lĩnh vực còn khá mới nên các cơ quan được giao thực hiện dự án gặp không ít khó khăn về năng lực quản lý, năng thực thực hiện dự án, đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nợ công chưa được hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng về quản lý.
Nguồn vốn thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân (ngoài nhà nước) còn hạn chế do: Công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về đô thị, hạ tầng, xây dựng, giao thông,… chưa nhất quán, đồng bộ, phải điều chỉnh nhiều lần. Công tác thông tin, quảng bá, giới thiệu, kêu gọi đầu tư tuy đã được cải thiện nhưng hiệu quả chưa cao, quy mô nhỏ, lẻ, chưa thực hiện thường xuyên, liên tục.
Chính sách thu hút chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Môi trường đầu tư, cải cách hành chính kết quả chưa toàn diện. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu nhân lực tay nghề cao; mất cân đối giữa các ngành, nghề, trình độ đào tạo. Thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành để phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.
Quyết liệt bứt phá
Trước thực trạng trên, tỉnh đã đề ra một số giải pháp để huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2025. Tỉnh phấn đấu huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 205.845 tỷ đồng, chiếm 36,5% trở lên so với GRDP (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh: 36% trở lên). Nâng cao chất lượng, hiệu quả các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và lao động có kỹ năng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả nhân tài; thu hút người tài và người Tây Ninh thành đạt ở trong và ngoài nước về đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. Tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm, dự án có sức lan tỏa, dẫn dắt sự phát triển các ngành, lĩnh vực.
Một nông trường mía được ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất (ảnh minh hoạ)
Tỉnh sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung hai khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát theo hướng tổng hợp nhiều chức năng. Lập đề án bổ sung 3 khu công nghiệp mới và quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Thành Thành Công. Trên cơ sở đó, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, triển khai xây dựng các khu công nghiệp đúng tiến độ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tiếp tục thu hút nhà đầu tư lớn…
Tỉnh cũng tích cực phối hợp để triển khai dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao. Tổ chức lập nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (giai đoạn 1: đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh).
Hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án Trung tâm logistic, cảng cạn và cảng tổng hợp Tây Ninh nhằm hình thành hệ thống hạ tầng, mạng lưới kết nối giao thông đồng bộ, giảm thời gian luân chuyển hàng hóa, chi phí logistics trong chuỗi cung ứng.
Du lịch được xác định là một trong những trọng tâm đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các dịch vụ du lịch đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách; nhất là các dịch vụ du lịch chất lượng cao, dịch vụ mua sắm, ăn uống gắn với sản phẩm đặc sản của tỉnh; thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư Khu du lịch núi Bà Đen đúng quy hoạch và tiến độ, đến năm 2025 sẽ đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và cả nước.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu ngân sách nhà nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu, các nguồn vay ưu đãi, viện trợ của các tổ chức quốc tế; kiểm soát, điều hành chi tiêu ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án hạ tầng, phát triển khu, cụm công nghiệp; doanh nghiệp FDI; dự án khu đô thị mới, khu dân cư; các dự án phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Chủ động nắm bắt, tận dụng tối đa xu hướng dịch chuyển ngành, nghề gắn với dịch chuyển nguồn lực đang diễn ra để nâng cao năng lực thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực bên ngoài, hấp thu và chuyển hóa ngoại lực thành nội lực.
Việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI sẽ chuyển trọng điểm từ nhấn mạnh số lượng sang coi trọng hơn nữa chất lượng; ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ và mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng; lấy chất lượng, hiệu quả công nghệ và bảo vệ tài nguyên môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
An Khang