Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ, chính quyền Tây Ninh đã đánh giá, đúc kết nhiều vấn đề, nội dung quan trọng về công tác huy động nguồn lực để đầu tư phát triển địa phương. Đây là yếu tố quan trọng để tỉnh phát huy nội lực, tăng cường nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Thi công một tuyến đường (ảnh minh hoạ, chụp năm 2020).
Kinh tế phát triển nhanh, toàn diện
Theo UBND tỉnh, vốn đầu tư phát triển được xem là nhân tố quan trọng để tăng trưởng và phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, môi trường và phát triển bền vững. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin… Từ đó, kinh tế có nhiều khởi sắc, phát triển vượt bậc so với giai đoạn 2011-2015, đời sống của nhân dân về vật chất, tinh thần được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, kinh tế tỉnh chưa phát huy được hết nội lực, tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên sẵn có. So với 6 tỉnh khu vực Đông Nam bộ thì kinh tế Tây Ninh còn nhiều khoảng cách so với TP. Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, để phát triển kinh tế, kéo giảm khoảng cách với các tỉnh, thành trong Vùng, Tây Ninh cần có giải pháp huy động nguồn lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế bền vững.
Giai đoạn 2016-2020, kinh tế tỉnh Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện và đi vào chiều sâu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,3%/năm. Huy động thu ngân sách nhà nước (NSNN) so với tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá hiện hành) đạt 11,4%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016 – 2020 bằng 38,9% GRDP, tăng 1,3% so kế hoạch; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 3.210 USD, năng suất lao động tăng bình quân 6,3%/năm; giải quyết việc làm vượt kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm là 0,7%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 63,4%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới lũy kế là 45/71 xã.
Những đột phá về phát triển kinh tế đã giúp thu ngân sách nhà nước có những chuyển biến tích cực, tăng vượt bậc so với giai đoạn trước. Trong giai đoạn, thu ngân sách nhà nước đạt 41.530,9 tỷ đồng, tăng 58% so với giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng bình quân là 10,2%/năm, vượt nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Trong đó, thu nội địa đạt 36.278,8 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân là 12,6%/năm.
Trong giai đoạn này, tỉnh quan tâm chi cho đầu tư phát triển nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Về cơ bản, đã đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, đảm bảo các nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, y tế, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, nông thôn mới.
Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp FDI ở Khu công nghiệp Phước Đông (ảnh minh hoạ, chụp tháng 9.2020).
Nguồn lực chi đầu tư phát triển tăng đáng kể
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 141.060 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 38,9% so với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), tốc độ tăng vốn bình quân 13,6%/năm, tăng 61% so giai đoạn 2011-2015. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước thực hiện đạt 20.884 tỷ đồng, tăng bình quân 16,5%/năm.
Trong giai đoạn này, tỉnh đã tập trung thực hiện các biện pháp tái cơ cấu đầu tư công theo hướng sửa đổi quy chế phân cấp quản lý, bảo đảm nguyên tắc chỉ quyết định đầu tư đối với dự án đã đủ thủ tục theo quy định và khi đã xác định rõ nguồn, mức vốn và khả năng cân đối nguồn vốn, tăng cường nguồn lực ngân sách cho đầu tư; tập trung bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật có sức lan tỏa lớn, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn lực chi đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đã tăng rất đáng kể so giai đoạn 2011-2015 (tăng 63,5%), chiếm tỷ trọng 38,6% trong tổng chi ngân sách địa phương, đạt cao so với chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18.11.2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Giai đoạn này, khu vực dân doanh thực hiện đạt 71.866 tỷ đồng, tăng bình quân 9,3%/năm. Trong đó, vốn của doanh nghiệp đạt 23.185 tỷ đồng, tăng bình quân 13,6%/năm; vốn của dân cư đạt 48.681 tỷ đồng, tăng bình quân 5,6%/năm.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, thu hút đầu tư trong nước đạt 52.272 tỷ đồng, trong đó cấp mới 253 dự án với vốn đăng ký là 42.984 tỷ đồng. Lũy kế có 581 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 85.615 tỷ đồng. Lĩnh vực thu hút dự án trong nước chủ yếu là chăn nuôi, chế biến, bảo quản nông sản, trung tâm thương mại, dịch vụ, đô thị, khu du lịch, trường học, bệnh viện tư nhân. Có 3.138 doanh nghiệp đăng ký mới.
Khu vực đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 48.310 tỷ đồng, tăng bình quân 20,1%/năm. Với chính sách thu hút đầu tư có hướng dịch chuyển tập trung vào các ngành ít thâm dụng lao động, nhà đầu tư lớn, uy tín, cơ cấu thu hút vốn đầu tư đi vào chiều sâu, chú trọng vào giá trị tăng thêm, tiết kiệm đất đai, giai đoạn qua, tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 4 tỷ 435 triệu USD, trong đó cấp mới 131 dự án với vốn đăng ký là 2 tỷ 722 triệu USD, có 14 dự án có vốn đầu tư lớn từ 50 triệu USD trở lên.
Sản xuất gạch bằng thiết bị tiên tiến (ảnh minh hoạ, chụp năm 2022).
Trong thời gian qua, Tây Ninh luôn nằm trong nhóm các địa phương khá về thu hút đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến 2020, FDI trên địa bàn có 331 dự án, vốn đầu tư đạt 7.662 triệu USD. Chia theo đối tác đầu tư thì Trung Quốc vẫn là quốc gia có vốn đầu tư cao nhất 4.346 triệu USD, chiếm 56,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp đó là Hàn Quốc 875 triệu USD, còn lại là các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Nhìn chung, cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm mạnh tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước, tăng mạnh tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Vốn đầu tư khu vực nhà nước thể hiện tốt vai trò dẫn dắt, là “vốn mồi” để thu hút các nguồn vốn trong xã hội.
Tuy nhiên, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR theo giá so sánh 2010) còn cao, từ 5,7 năm 2016 tăng lên 5,94 năm 2017; 6,14 năm 2018 và 5,83 năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR đạt 5,9, thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước trong cùng giai đoạn là 6,1.
Năm 2020, dù có nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho phát triển kinh tế, hệ số ICOR tăng cao do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, hiệu quả đầu tư không cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực nên ICOR năm 2020 ở mức 13,05 (cả nước 14,28) dẫn đến cả giai đoạn 2016 – 2020, ICOR của tỉnh ở mức 6,8 (cả nước 7,04).
Nguồn vốn khu vực dân doanh và FDI ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu vốn, thể hiện sự khởi sắc rõ nét về phát triển kinh tế của địa phương. Chương trình hành động cải cách hành chính được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt thực hiện từ giai đoạn trước đến nay đạt nhiều kết quả tích cực đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế được phát triển, bình đẳng trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.
An Khang