Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Thứ năm: 11:03 ngày 04/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 3.7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 và sơ kết phong trào thi đua “Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025”.

Đại biểu dự hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, sâu bệnh gây hại chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, ngành Nông nghiệp kịp thời hỗ trợ nông dân chăm sóc và phòng trừ dịch hại. Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, trung tâm trong việc thực hiện các mô hình khoai mì có tính kháng khảm trên địa bàn tỉnh.

Chăn nuôi được duy trì phát triển ổn định, ước số lượng đàn vật nuôi đạt trên 504.000 con gia súc và 9,9 triệu gia cầm, tăng 10% so với cùng kỳ. Công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ được quản lý, giám sát chặt chẽ, bảo đảm vệ sinh thú y; đã hoàn thành xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle tại huyện Tân Châu.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, các đơn vị chủ rừng đang rà soát và chuẩn bị trồng mới 707,8 ha (tăng khoảng 270 ha so với cùng kỳ ). Số vụ vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp 59 vụ (giảm 7 vụ so cùng kỳ). Các chủ rừng phối hợp chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời ngăn chặn các đối tượng vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán, sử dụng lâm sản trái pháp luật trên địa bàn quản lý.

Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chính của ngành đến 6 tháng đầu năm 2024: giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 110 triệu đồng/ha/năm, đạt 98,2% so kế hoạch; lũy kế có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, đạt 75% so kế hoạch; 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 76,5% so kế hoạch; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 100%; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 75% so kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng 16,3%, đạt 100%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn quốc gia 69%, đạt 100% so kế hoạch.

Theo Sở NN&PTNT, phong trào thi đua thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân về cơ cấu lại nông nghiệp; thu hút sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội vào quá trình cơ cấu lại nông nghiệp. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Giám đốc Sở NN&PTNT trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, phát triển nông nghiệp sạch, theo tiêu chuẩn ngày càng được chú trọng, giai đoạn 2021 – 2025, ngành Nông nghiệp hỗ trợ cho 120 cơ sở chứng nhận GAP với trên 9.000 ha. Các tiến bộ, khoa học kỹ thuật được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất như: hệ thống nhà lưới, nhà màng kết hợp các kỹ thuật tưới tiết kiệm, điều tiết ẩm độ, ánh sáng; ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh... với trên 120.000 ha. Từ năm 2019 đến nay, ngành Nông nghiệp hỗ trợ thực hiện cài đặt phần mềm cho gần 250 cơ sở sản xuất với tổng diện tích khoảng 1.700 ha, hỗ trợ in 130.500 tem truy xuất nguồn gốc cho 5 loại sản phẩm: xoài, bưởi da xanh, dưa lưới, mãng cầu ta, mãng cầu thái (na Hoàng Hậu).

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nổi bật là việc thu hút mạnh các nhà đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đã có 148 dự án xin chủ trương đầu tư và 112 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương với tổng vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng, trong đó có: 34 dự án chăn nuôi gà với gần 9,5 triệu con; 72 dự án chăn nuôi heo với gần 955.000 con... Hệ thống cơ sở giết mổ được quy hoạch cụ thể, từng bước xóa bỏ, di dời các cơ sở nằm trong khu dân cư, không bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tại Hoàng Xuân Farm, thị xã Trảng Bàng.

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp tập trung hoàn thành đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu chủ yếu của ngành; thực hiện công tác quản lý mã vùng trồng hiện có, hướng dẫn cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Trong chăn nuôi, Sở NN&PTNT tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm dịch vận chuyển tại các đầu mối giao thông và biên giới, các điểm giết mổ và điểm tập kết gia súc; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch có hiệu quả; tiếp tục triển khai phòng, chống bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản, bệnh dại và bắt chó thả rông, quản lý giống vật nuôi.

Đơn vị tiếp tục đôn đốc đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 20.7.2022 của HĐND tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh...

Dịp này, Sở NN&PTNT trao bằng khen của UBND tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục