Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sư đoàn 5 luôn duy trì hoạt động rất hiệu quả 4 trạm chế biến, giết mổ tập trung. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho 4 trạm chế biến, giết mổ tập trung của Sư đoàn 5 từ các đơn vị là chính.
Một khu trồng rau theo kỹ thuật công nghệ cao tại Sư đoàn 5.
Những năm gần đây, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường luôn biến động theo hướng tăng; thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp; dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra nhiều nơi... Nhằm bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, Sư đoàn 5 đã chủ động phát huy truyền thống “Tự lực, tự cường”. Trong đó, đẩy mạnh tăng gia sản xuất là cách làm đã và đang ngày càng được phát huy.
Thượng tá Lưu Văn Dũng- Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 5 cho biết, Sư đoàn quy hoạch thống nhất quy trình tăng gia sản xuất (TGSX) khép kín, bền vững, hiệu quả theo mô hình: Vườn, ao, chuồng, giàn, trạm chế biến cơ bản. Cụ thể, cấp tiểu đoàn gắn khu TGSX với bếp ăn; cấp trung đoàn gắn khu TGSX với trạm chế biến, giết mổ tập trung.
Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển TGSX ở cấp tiểu đoàn. Xây dựng mô hình “Vườn, ao, chuồng, giàn, trạm chế biến cơ bản”, hiện nay, toàn Sư đoàn 5 có 23 ha trồng cây ăn trái đã cho thu hoạch, trên 43 ha chuyên canh trồng rau, củ quả các loại, gần 50 ha mặt nước được quy hoạch để nuôi cá, gần 11 ha chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Số lượng duy trì gối đầu thường xuyên tại các khu TGSX tập trung hằng năm bình quân có gần 3.000 con heo thịt, 150 heo nái, 150 con trâu, bò, dê và 10.000 con gia cầm. Sản lượng thu hoạch TGSX năm 2017 đạt gần 560 tấn thịt, 350 tấn cá, gần 1.000 tấn rau, củ, quả và 62 tấn trái cây; thu lợi cả năm đạt 13,7 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt gần 270 tấn thịt, 200 tấn cá, trên 500 tấn rau, củ, quả và 43,5 tấn trái cây; lợi nhuận đạt gần 9 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, ở Sư đoàn 5 hiện nay, 100% giàn cây dây leo được làm bằng cột bê tông, lưới chuyên dụng và hệ thống tưới nước tự động và bán tự động; các loại rau, củ quả được bố trí trồng tập trung từng khu vực, có phân lô, thửa để tiện chăm sóc và thu hoạch.
Về cơ cấu cây trồng, các đơn vị duy trì trên 70% diện tích vườn trồng các loại rau ăn lá theo mùa vụ, 30% diện tích trồng các loại cây leo giàn lấy quả như bí xanh, bí đỏ, bầu, su su, mướp và trồng cây lấy củ như: khoai mỡ, khoai sọ... để dự trữ dài ngày phục vụ bữa ăn khi huấn luyện dã ngoại, hoặc sử dụng trong thời điểm giáp vụ. Nhiều tiểu đoàn đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và đẩy mạnh các hoạt động thâm canh, xen canh, đa dạng hoá vật nuôi, cây trồng theo hướng sản xuất sản phẩm sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2017, 2018, Sư đoàn tiếp tục đầu tư gần 5 tỷ đồng mở rộng, năng cấp hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới bán tự động. Hiện nay, bình quân mỗi tiểu đoàn có 2.000m2 nhà lưới có hệ thống tưới nước tự động chuyên trồng các loại rau trái vụ như: cải xanh, cải bẹ, cải củ, cà chua, dưa chuột; vườn rau ngoài trời có diện tích 4.000m2 được lắp đặt hệ thống tưới nước bán tự động, chuyên trồng các loại rau chính vụ như: rau dền, rau đay, mồng tơi, cà tím, khoai sọ… và các loại leo giàn.
Ðặc biệt, năm 2017, Sư đoàn 5 đã đầu tư phát triển khu trồng rau, củ, quả công nghệ cao với diện tích 1.500m2, tạo sự đột phá về ứng dụng công nghệ trong TGSX. Với mô hình VAC, các tiểu đoàn còn tổ chức tận dụng, cải tạo diện tích mặt nước sẵn có tại khu tăng gia để nuôi cá, làm hệ thống chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm.
Từ năm 2017 đến nay, nhiều tiểu đoàn còn mạnh dạn tìm hướng đi mới trong tăng gia sản xuất. Các mô hình nuôi cá lóc, cá rô đầu vuông, nuôi ếch, thỏ; cá lồng bè như: cá leo, cá lăng, cá lóc, cá diêu hồng, cá trê vàng có áp dụng khoa học kỹ thuật ngày càng được nhân rộng. Qua đó, tạo thêm nhiều loại thực phẩm ngon, giàu dinh dưỡng đưa vào bữa ăn bộ đội.
Cùng với đầu tư phát triển khu TGSX, Sư đoàn 5 còn chú trọng mở rộng diện tích trồng thêm các loại cây ăn quả như: thanh long, ổi, đu đủ, mít, xoài, chuối, mía… tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả trên 300 ha cây cao su.
Ðáng chú ý, Sư đoàn 5 luôn duy trì hoạt động rất hiệu quả 4 trạm chế biến, giết mổ tập trung. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho 4 trạm chế biến, giết mổ tập trung của Sư đoàn 5 từ các đơn vị là chính. Giá sản phẩm từ trạm chế biến, giết mổ tập trung luôn thấp hơn khung giá trong mức tiền ăn quy định và rẻ hơn giá thị trường.
Cụ thể, mức giá hiện nay so với thị trường là: thịt rẻ hơn từ 5-7%, cá rẻ hơn từ 12-15%, rau củ quả rẻ hơn từ 15-22%. Mỗi trạm chế biến, giết mổ tập trung còn có nhiệm vụ sản xuất đậu phụ; ngâm ủ giá đỗ; muối nén rau, củ quả; chế biến giò, chả, bánh mì; giết mổ gia súc, gia cầm, cá... cung cấp cho các bếp ăn. Trong đó, việc chế biến sản phẩm sử dụng bằng thiết bị máy móc, vừa tăng năng suất, giảm công sức bộ đội, vừa bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mới đây, cuối tháng 9.2018, Sư đoàn 5 vừa lắp đặt thêm thiết bị và bắt đầu sản xuất đồ hộp tại khu chế biến, giết mổ tập trung. Các sản phẩm đồ hộp gồm: thịt heo, thịt bò, cá… không chỉ thuận tiện cho việc bảo đảm thực phẩm phục vụ bộ đội trong huấn luyện dã ngoại, diễn tập, tham gia phòng, chống cứu nạn, cứu hộ mà còn thêm sự phong phú, đa dạng và bảo đảm an toàn vệ sinh các món ăn của bộ đội tại đơn vị.
Gắn với mỗi khu chế biến, giết mổ tập trung là khu tăng gia sản xuất có diện tích từ 3.000 đến 3.500m2 thường xuyên nuôi từ 250 đến 300 con heo thịt, 50 đến 60 con heo nái, 2.000 đến 2.500 con gà, vịt thả vườn, 500 con vịt đẻ và gần 10 ha ao, hồ nuôi các loại cá có năng suất, chất lượng cao như: cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính, cá tra....
XUÂN THU