Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi:
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất
Thứ hai: 16:27 ngày 14/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt phong trào nông dân SXKDG, giúp nông dân nắm vững các quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất.

Nông dân chăm sóc ruộng khóm.

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong những phong trào được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện sâu rộng trong những năm qua, tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu trong hội viên, nông dân.

Theo Hội Nông dân tỉnh, thực hiện Quy định số 944-QĐ/HNDTW ngày 4.9.2014 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tiêu chuẩn hộ nông dân SXKDG các cấp, giai đoạn 2017- 2021, Hội đã bình xét và công nhận 224.184 lượt nông dân SXKDG các cấp. Chất lượng phong trào ngày càng được nâng lên, nhiều hộ nông dân từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong việc phát triển nông nghiệp bền vững.

Năm 2021, ông Trần Công Vinh (ấp Bàu Tép, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi với mô hình bầu hồ lô mỹ nghệ. “Tôi luôn tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mang lại chất lượng cho sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao”- ông Vinh chia sẻ.

Thời gian qua, mô hình thủ công mỹ nghệ bầu hồ lô thu hút được sự quan tâm của những người đam mê nghệ thuật và các nghệ nhân trong, ngoài tỉnh. Họ tìm đến để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, qua đó từng bước nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Theo ông Vinh, nguyên liệu bầu hồ lô do gia đình trồng, mỗi năm tiêu thụ khoảng 1.000 trái. Một sản phẩm hoàn thành có giá từ 250.000 - 500.000 đồng tuỳ kích cỡ trái bầu và theo yêu cầu của khách hàng.

Hằng năm, gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng. “Trước đây, tôi thực hiện công đoạn sấy bầu hồ lô bằng than củi. Năm 2021, tôi chuyển đổi sang sấy bầu bằng điện, vừa tiết kiệm chi phí vừa góp phần bảo vệ môi trường”- ông Vinh cho biết thêm.

Chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt phong trào nông dân SXKDG, giúp nông dân nắm vững các quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất.

Ông Đặng Văn Hùng (ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên), nông dân đạt chứng nhận SXKDG 5 năm chia sẻ, muốn sản xuất hiệu quả thì phải có phương án thích hợp với mô hình mình đã chọn; phải sản xuất theo quy hoạch, nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường và tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất.

Gia đình ông Hùng có 80 ha đất trồng cao su, mía, mì và bắp kết hợp xây dựng trang trại nuôi trâu sinh sản và bò sữa, giải quyết được việc làm ổn định cho 40 lao động tại địa phương và khoảng 150 lao động theo thời vụ với mức lương ổn định bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Nhận thấy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào năng suất, chi phí đầu vào, giá cả của thị trường, ông Hùng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Phong trào nông dân SXKDG góp phần thay đổi tập quán sản xuất của hội viên, nông dân theo hướng tích cực. Từ sản xuất nhỏ lẻ và thủ công, đến nay, có nhiều hộ áp dụng công nghệ và tăng dần quy mô sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu.

Năm 2021, ông Nguyễn Văn Sáu (ngụ ấp Bình Hoà, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) được công nhận đạt nông dân SXKDG. Ông cho biết: “Gia đình tôi có 10 ha đất trồng khóm. Những năm đầu khóm bị ngập gây chết cây, sau nhờ có đê bao chống lũ, vườn khóm của tôi phát triển tốt, bán giá cao, thu nhập năm đầu tiên trên 100 triệu đồng/ha.

Thấy được hiệu quả kinh tế cao do cây khóm mang lại, tôi mạnh dạn đầu tư thêm 20 ha và thuê thêm 30 ha của những hộ xung quanh để trồng khóm. Bên cạnh việc trồng khóm, tôi còn tận dụng diện tích mặt nước nuôi cá các loại để tăng thêm thu nhập”.

Phong trào nông dân SXKDG đã tạo động lực để nhiều hội viên nông dân phát huy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhân rộng sản xuất các mô hình trồng dưa lưới, sầu riêng, bưởi da xanh an toàn sinh học, nuôi cá chạch lấu, nuôi vịt trên sàn, trồng nấm mối đen..., từng bước đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gắn liên kết sản xuất hàng hoá với bảo quản tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trần Công Vinh với những sản phẩm đèn bầu hồ lô mỹ nghệ được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh sự liên kết giữa các mô hình sản xuất kinh doanh, hộ nông dân SXKDG để đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển hàng hoá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thông tin sản xuất và thị trường.

Bên cạnh đó, gắn phong trào nông dân SXKDG với việc đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội các cấp ngày càng vững mạnh. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội; tăng cường tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân. Kiến nghị với Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách phù hợp, ổn định để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhất là về chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục