Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch, đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường khách quốc tế lớn.
Sáng 15.3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề: “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch và các hãng hàng không. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.
Du lịch Việt Nam đi trước nhưng về chậm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngày 15.3.2022, dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động du lịch mở lại, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm. Đây là những bước chuyển có ý nghĩa bước ngoặt, trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là đúng đắn.
Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch. Do đó, hội nghị được tổ chức nhằm nhìn lại công tác phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, đồng thời, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận, tìm hiểu và làm rõ những nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại “đi trước về chậm”. Đồng thời, đề xuất các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá du lịch, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa…
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân phải chung tay phát triển ngành du lịch, tìm hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc.
Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế… Thủ tướng mong các đại biểu hiến kế để chọn việc trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó.
Năm 2022, “bùng nổ” du lịch nội địa
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngày 15.3.2023 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, sau thời gian dài “ngủ đông” do dịch Covid-19. Đến nay, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là “bùng nổ” du lịch nội địa.
Năm 2022 lượng khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 (trước khi đại dịch bùng phát). Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ du lịch đạt 495.000 tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022).
Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.
Trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85.600 tỷ đồng.
Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, năm 2023 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Du lịch thế giới tiếp tục phục hồi nhưng chưa trở về mức như năm 2019.
Trong bối cảnh trên, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra các mục tiêu phấn đấu đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ du lịch: đạt khoảng 650.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, ngành du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch.
Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, đóng góp trực tiếp từ 6% - 8% trong GDP.
Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13% - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4% - 5%/năm, đóng góp trực tiếp từ 10% - 13% trong GDP.
Cần thay đổi tư duy làm du lịch
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện, trình ban hành nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, chuyển từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần”; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch “một mùa” sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.
Tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch.
Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.
Tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch, đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường khách quốc tế lớn. Kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí góp phần phát triển du lịch.
Bộ Ngoại giao tích cực chủ động phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hoá và du lịch Việt Nam ở nước nước ngoài. Giải quyết thủ tục visa thuận tiện theo quy định, chống tiêu cực, tham nhũng. Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế.
Bộ Công Thương lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt, cánh tay đắc lực của cơ quan quản lý nhà nước. Tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch.
Các doanh nghiệp hoạt động du lịch tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp; thực hiện tốt văn hoá doanh nhân, nói không với tiêu cực.
Đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hoà, bền vững, nhân viên cởi mở, thân thiện; góp phần đào tạo nhân lực thông qua hợp tác công tư.
Minh Dương