Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững
Thứ tư: 22:31 ngày 16/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 15.8, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Du khách tham quan tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan.

Hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ- CP của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

7 tháng, hơn 6,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đoàn Văn Việt- Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, trong 7 tháng năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt, lượng khách du lịch nội địa vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ước đạt khoảng 76,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 7.2023, Việt Nam đã đón và phục vụ 1,04 triệu lượt khách, đây là tháng đầu tiên trong năm 2023 chúng ta đón được trên 1 triệu lượt khách quốc tế.

Bên cạnh đó, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là 1 trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng cao nhất thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có những đột phá, chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến du lịch chưa được kịp thời điều chỉnh trước những biến động của du lịch thế giới và khu vực.

Sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng, chưa phát huy được các giá trị tài nguyên văn hoá, thiên nhiên đặc sắc, thiếu sản phẩm du lịch mang thương hiệu của quốc gia, bản sắc của từng vùng, từng địa phương. Các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ; thiếu liên kết trong phát triển các sản phẩm du lịch của các địa phương.

Ông Đoàn Văn Việt cho biết, để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, ngày 18.5.2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Theo đó, nghị quyết đã xác định 7 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể như: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng bền vững; Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Trong thời gian qua, Chính phủ ban hành Quyết định số 440 về chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, nhằm quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Ông Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm sẽ phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chỉ tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Để đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, ông Đoàn Văn Việt đề nghị toàn ngành tập trung thực hiện nghiêm túc một số nội dung các văn bản mới; thực hiện cơ chế, chính sách, đề án, dự án có tính khả thi cao; tăng tốc thực hiện quyết liệt bằng hành động, tạo sự đột phá của các điểm du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng phát triển du lịch mới; Kịp thời nắm bắt cơ hội giúp ngành du lịch phát triển vượt bậc; Phát huy tính năng động, sáng tạo, đẩy mạnh kết nối giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nhờ sự khẩn trương vào cuộc ngay từ đầu, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh đã gặt hái kết quả khả quan. Năm 2022, tổng lượt khách tham quan đạt 4,5 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 1.465 tỷ đồng. Chỉ trong 11 ngày Tết Quý Mão 2023, tỉnh thu hút hơn 1 triệu lượt khách đến tham quan; đến hết tháng Giêng, tỉnh đón khoảng 2 triệu lượt khách, tăng 13% so cùng kỳ năm 2022. Trong 7 tháng năm 2023, tỉnh thu hút 3,7 triệu lượt khách tham quan, tăng 10,1% so cùng kỳ, đạt 74% so với kế hoạch; với tổng doanh thu du lịch 1.575 tỷ đồng, tăng 66% so cùng kỳ, đạt 87,5% so kế hoạch năm 2023.

Khách du lịch trải nghiệm nướng bánh tráng tại một cơ sở sản xuất bánh tráng phơi sương trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh tập trung đẩy mạnh hoạt động thông tin quảng bá thương hiệu, gắn việc xúc tiến du lịch với kêu gọi nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các tour, tuyến, điểm du lịch.

Phát triển đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đặc biệt là khai thác, phát huy lợi thế các hoạt động dịch vụ ban đêm gắn với phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Tây Ninh nhằm thu hút khách du lịch lưu trú tại Tây Ninh dài ngày hơn, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ công chức quản lý du lịch các cấp theo hướng đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đổi mới nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, thúc đẩy phát triển ngành khác; khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng hành xử văn minh, bảo vệ môi trường.

Tiếp tục thực hiện các chính sách, chiến lược nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác du lịch với các sản phẩm du lịch văn hoá đặc sắc, riêng có là thế mạnh của tỉnh; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, có sức cạnh tranh cao.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục