Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, chiều 6.5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, chiều 6.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương– Phó Bí thư chuyên trách Đảng uỷ các cơ quan Đảng tỉnh tham gia góp ý đối với dự án Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Về cơ bản, đại biểu thống nhất với dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu có một số ý kiến góp ý cụ thể:
Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu thống nhất với tờ trình của Chính phủ, vì đây là lĩnh vực đặc thù, bởi lẽ vai trò của khoa học, công nghệ và sáng tạo giữ vai trò quyết định đến sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước và muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2026-2030, tất yếu phải có sự bứt phá nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, xoá bỏ các rào cản, quy định cứng nhắc không phù hợp, tạo động lực khuyến khích nghiên cứu khám phá sáng tạo để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao là thật sự cần thiết.
Thứ hai, về tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được quy định từ Điều 60 đến Điều 68 dự thảo Luật, đại biểu Phương đồng ý với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, các thủ tục liên quan còn nặng, thiếu tính khả thi, chưa hài hoà mặt lợi ích, đặc biệt là việc thiết lập, duy trì 5 loại quỹ trong dự thảo Luật.
Đại biểu Phương cũng đề nghị rà soát cơ chế vận hành, tính phù hợp, cơ chế quản lý, nguồn ngân sách chi cho các quỹ; có cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu tiệm cận trình độ tiên tiến của thế giới. Theo đại biểu Phương, đây là việc làm đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nên cần có lộ trình thích hợp, chọn những vấn đề có tính trọng tâm, trọng điểm phù hợp với khả năng tài chính từng thời điểm.
Thứ ba, về phát triển nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quy định từ Điều 47 đến Điều 55 dự thảo Luật, đại biểu Phương đề nghị cần có chính sách để thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước kể cả học sinh, sinh viên được đào tạo trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu theo cơ chế, cơ hữu tại các cơ sở nghiên cứu và hợp tác với nhiều hình thức.
Tuy nhiên, đại biểu Phương có 2 lưu ý: trong hợp tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo dễ rò rỉ thành quả nghiên cứu và mất bản quyền, độc quyền với thành tựu và kết quả nghiên cứu, đề nghị cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này; khuyến khích nhà hoạt động thực tiễn đam mê nghiên cứu, chế tạo cải tiến các sản phẩm để phục vụ sản xuất, vì thực tế có những trường hợp đam mê nghiên cứu sản xuất máy móc để nâng cao chất lượng hàng hoá, mặc dù họ không phải là nhà khoa học và trình độ học vấn thấp.
Đại biểu Phương ví dụ điển hình trường hợp 20 năm trước, có 2 nông dân ở Tây Ninh nghiên cứu chế tạo máy bay, nhưng lúc đó ta chưa có cơ chế khuyến khích để truyền cảm hứng sáng tạo cho các nhà hoạt động thực tiễn.
Thứ tư, về chuyển giao kết quả nghiên cứu được quy định tại Điều 27, đại biểu Phương đề nghị cần có cơ chế để kết quả nghiên cứu đó được chuyển giao ngay cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và để đưa thành tựu nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, bảo đảm cho khoa học công nghệ nhanh chóng trở thành lực lượng sản xuất mới.
Thứ năm, về xử lý rủi ro quy định tại Điều 9, đại biểu Phương đề nghị phải dựa trên những cơ sở, minh chứng khoa học cụ thể, không quy định chung chung để tránh khuynh hướng: một là quá trói buộc, hạn chế sức sáng tạo; hai là, quá thả lỏng dễ dẫn đến lợi dụng chính sách.
Thứ sáu, vấn đề vinh danh các giải thưởng khoa học công nghệ được quy định ở các điều 51, 53 nhưng chưa đầy đủ; đại biểu Phương đề nghị quy định rõ hình thức, nội dung vinh danh, khen thưởng nhằm tận dụng được các phát minh sáng chế của các nhà khoa học nước ngoài và tránh “chảy máu” các phát minh, sáng chế của các nhà khoa học Việt Nam.
Thứ bảy, đại biểu Phương nhận thấy dự thảo Luật chưa có quy định việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phục vụ lĩnh vực quốc phòng an ninh, đại biểu đề nghị cần có quy định về mặt nguyên tắc để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trên lĩnh vực quốc phòng an ninh vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng an ninh.
KC (lược ghi)