Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
ĐBQH Trần Hữu Hậu: “Khoáng sản như miếng mỡ ngon đặt trước miệng mèo”
Thứ bảy: 08:23 ngày 29/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đại biểu Trần Hữu Hậu- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh ví “khoáng sản như là miếng mỡ ngon đặt trước miệng mèo, cần phải đậy kỹ, khóa chặt".

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 28.6

Chiều 28.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Địa chất và Khoáng sản; luật này sẽ thay thế Luật Khoáng sản 2010 hiện hành.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hữu Hậu – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết, Báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010 cho thấy việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho ngân sách Nhà nước nhưng tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá là rất thấp.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hữu Hậu ngày 4.6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết: tỷ lệ đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản thấp là vì Bộ thực hiện theo đúng Nghị định 158/2016, theo đó quy định 7 trường hợp không đấu giá. “Sẽ thực hiện tối đa việc đấu giá quyền khai thác khoảng sản”- Bộ trưởng cho biết.

Điều 104, dự thảo Luật Địa chất khoáng sản đã lấy lại 3/7 nội dung của Nghị định 158, có quy định rộng hơn và khái quát hơn; giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và quyết định. Đại biểu chưa biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định và quyết định thế nào? nhưng nếu không có sự thay đổi căn bản các quy định tại Nghị định 158 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương sẽ khó chuyển sang “Đấu giá quyền khai thác khoáng sản” hoặc có hình thức thực hiện phù hợp nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoảng sản của quốc gia.

Đại biểu ví dụ: khoản b, Điều 104 quy định khu vực không đấu giá quyền khai thác là: “Khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Đại biểu cho rằng quy định như thế là đúng, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các Dự án chế biến nhưng nếu chỉ quy định như thế thì chưa đủ. Theo đại biểu, quyền khai thác khoáng sản ở khu vực này cần được định giá phù hợp và đưa vào giá dự toán để tổ chức đấu thầu thực hiện dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp. Như vậy, mặc dù không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng ngân sách nhà nước sẽ giảm bớt thất thoát.

Cũng theo quy định hiện hành, “các khu vực khoáng sản đã được cấp giấy phép thăm dò hoặc giấy phép khai thác khoáng sản” sẽ không phải “đấu giá quyền khai thác”. Đại biểu Hậu cho rằng quy định như vậy là có lý, có tình, có trước, có sau- nhất là trong điều kiện thăm dò khoảng sản hết sức khó khăn như trước đây. Tuy nhiên, nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 4.6 về trường hợp:

Các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã thăm dò xong, có giấy phép khai thác nhưng không tự triển khai các dự án khai thác được do nhiều nguyên nhân thì “có thể thực hiện việc đấu giá các mỏ này để huy động các nguồn lực xã hội vào khai thác” không? Bộ trưởng cho biết: Có thể đưa ra đấu giá khi xác định doanh nghiệp không thể thực hiện tổ chức khai thác.

Đại biểu Trần Hữu Hậu thảo luận góp ý Luật Địa chất và Khoáng sản.

Đại biểu cho rằng, trong thực tế, với trường hợp này có nhiều tình huống cần được lưu ý và quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực. Ví dụ: Doanh nghiệp không tự triển khai các dự án khai thác nhưng có thể dùng quyền khai thác để liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư với doanh nghiệp khác để triển khai, khai thác. Theo đại biểu, đây là cách làm đúng, mở hướng ra cho doanh nghiệp và huy động được nguồn lực xã hội vào khai thác, chế biến khoáng sản. Nhưng, như vậy, doanh nghiệp khác sẽ không cần đấu giá vẫn đương nhiên được khai thác. Với trường hợp này, đại biểu cho rằng: Cần phải định giá quyền khai thác khoáng sản khi đưa vào góp vốn để tránh thất thoát tài sản của nhà nước. 

“Việc định giá quyền khai thác khoáng sản là rất cần thiết nhưng khá phức tạp, cần được nghiên cứu và quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong luật phục vụ cho các hoạt động liên quan. Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung 1 điều để quy định về định giá quyền khai thác khoáng sản”- đại biểu Hậu nêu.

Theo đại biểu, khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không thể tái tạo, bồi đắp; đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp tương xứng với giá trị của nó vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển đất nước. 

Tố Tuấn - Thanh Trung (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục