Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng với 9 loại trái cây, gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn, dưa hấu và măng cụt.
Bưởi da xanh xuất khẩu. Ảnh: Dương Ðức Kiên
Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái thay thế nhiều diện tích cây trồng truyền thống có hiệu quả kinh tế thấp. Ðây là bước đi phù hợp xu thế phát triển nông nghiệp trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần thận trọng, phân tích yếu tố thị trường đầu ra, hướng tới chất lượng sản phẩm... để bảo đảm phát triển bền vững.
Những năm qua, cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự dịch chuyển mạnh mẽ, một số nhóm cây trồng như lúa, mía, cao su giảm diện tích. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh chuyển đổi trên 10.000 ha lúa, cao su, mía… sang trồng cây ăn trái, rau màu khác.
Sản xuất rau, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng rau màu trong nhà kính, nhà màng cũng phát triển mạnh mẽ, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Ðến cuối năm 2020, giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt của người dân trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 100 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, chỉ có một số diện tích trồng cây ăn trái của nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hành nông nghiệp tốt. Còn đa số người dân vẫn trồng trọt theo phương thức truyền thống. Ông Võ Văn Võ, ngụ xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh cho biết, thời gian trước gia đình ông được hỗ trợ để thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, sau 2 năm, ông Võ quyết định không tái đăng ký VietGAP vì quy trình sản xuất yêu cầu nhiều công đoạn, kỹ thuật, mà giá bán vẫn không cao hơn.
Ông Võ chia sẻ: "Mãng cầu làm theo tiêu chuẩn VietGAP bán được 10 đồng thì mãng cầu sản xuất truyền thống cũng bán được 10 đồng. Do đó, tôi quay lại sản xuất theo phương thức truyền thống, không bao trái. Nhưng để bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng, tôi hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu phải sử dụng thì dùng những loại trong danh mục được Nhà nước cho phép".
Thực tế, phần lớn diện tích trồng cây ăn trái hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chưa có sự liên kết nhóm hộ, hợp tác xã hay liên kết doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký hợp đồng với các trang trại, vùng sản xuất có sản lượng lớn...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tây Ninh đang rà soát để có định hướng về các vùng chuyển đổi cây trồng- nhất là cây trồng có giá trị gia tăng, phát triển những sản phẩm có nhu cầu lớn trong nước và xuất khẩu với diện tích trên 16.700 ha.
Tỉnh tập trung vốn đầu tư công để phát triển hạ tầng cho các vùng chuyển đổi sản xuất, nhất là hệ thống tưới, tiêu, đê bao. Thực hiện tốt việc cấp mã số vùng trồng cây ăn trái, nhằm tạo thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm; giúp sản phẩm trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tiêu thụ, bày bán tại các siêu thị, kênh thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi tại nước nhập khẩu; hợp đồng mua bán xuất khẩu được ký kết với số lượng lớn, bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp trong nước.
Ðến nay, Sở NN&PTNT đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và được cấp 95 mã số vùng trồng cây ăn trái, gồm: chuối (20 mã số vùng trồng), thanh long (12 mã số vùng trồng), mít (15 mã số vùng trồng), nhãn (25 mã số vùng trồng), xoài (6 mã số vùng trồng), chôm chôm (14 mã số vùng trồng), dưa hấu (3 mã số vùng trồng) và 21 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng với 9 loại trái cây, gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn, dưa hấu và măng cụt.
Thu hoạch chôm chôm. Ảnh: Nguyễn Nhựt Tường
Sở NN&PTNT định hướng đến năm 2025 diện tích cây ăn trái toàn tỉnh sẽ tăng khoảng 36.900 ha, sản lượng 486.800 tấn/năm; tập trung phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, chú trọng cây ăn trái nhiệt đới là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: mãng cầu, sầu riêng, nhãn, chuối… Mở rộng liên kết vùng, rải vụ thu hoạch; phát triển mạnh các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn với phát triển các nhà máy chế biến.
Ðể thực hiện có hiệu quả mục tiêu, các sở, ngành, đơn vị có liên quan, các địa phương đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các mô hình sản xuất mới trong lĩnh vực nông nghiệp, từng bước liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất lớn, nâng tầm trái cây Tây Ninh trên thị trường, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Vũ Nguyệt