Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bài dự thi cuộc thi viết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Tây Ninh năm 2018:
Để điều tốt đẹp lan toả
Thứ hai: 07:46 ngày 10/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Câu chuyện dưới đây sẽ kể về những tấm gương hết sức bình dị trong đời sống, những người đã dành tâm huyết và sức lực của mình để góp phần xây dựng cộng đồng, xây dựng cuộc sống văn minh hơn, đẹp hơn...

Hiến đất xây nhà

Sinh ra và lớn lên ở huyện Hoà Thành nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh theo cha về huyện Tân Châu lập nghiệp và bỏ qua giấc mơ vào đại học để bắt đầu xây dựng sự nghiệp ở vùng đất biên giới này. Ðó là trường hợp của anh Nguyễn Khắc Tú, sinh năm 1973, một người kinh doanh xăng dầu ở ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu.

Anh Tú trên con đường do anh hiến đất vào tổ 6, ấp Trảng Ba Chân.

Xuất thân từ nghèo khó, nên anh Tú cảm thông sâu sắc với người nghèo. Kinh tế gia đình ổn định, anh Tú tích cực tham gia công tác từ thiện, xã hội ở địa phương để góp phần giúp đỡ cho những gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống. Anh thường xuyên giúp đỡ các gia đình bị thiên tai, đóng góp cho Quỹ “Vì người nghèo” của địa phương. Vào mỗi dịp lễ, tết, anh còn tặng hàng trăm phần quà cho các hộ nghèo.

Thấy những gia đình nghèo không có nơi ở ổn định, anh Tú đề nghị với lãnh đạo địa phương được hiến tặng 2.200m2 đất và hỗ trợ vật tư xây nhà ở cho 22 hộ nghèo trên địa bàn xã. Có nhà ở nhưng bà con còn quá khó khăn, chưa có điện thắp sáng, anh tiếp tục hỗ trợ cho mỗi hộ một “chân điện” cùng với hàng trụ xi măng kéo dây điện đến tận hộ gia đình, người dân chỉ việc trả tiền điện sử dụng hằng tháng. Ngoài ra, anh Tú còn cho đất, hỗ trợ vật tư xây nhà cho một hộ Việt kiều Campuchia nghèo (có 8 nhân khẩu) đã nhiều năm sinh sống ở Campuchia trở về địa phương lập nghiệp. Ðến nay, gia đình này đã có nơi ở ổn định.

Ðể góp phần cùng địa phương thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, anh Tú hiến 1.200m2 đất làm đường tổ 6, ấp Trảng Ba Chân giúp cho người dân trong tổ đi lại thuận tiện hơn. Thấy khu vực này về đêm chưa có đèn đường, anh ủng hộ 5 cột điện thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” tại ấp Trảng Ba Chân.

Năm 2018, anh Tú tiếp tục hỗ trợ 3 phần đất (mỗi phần 100m2) cho hộ nghèo không có đất để xây nhà đại đoàn kết.

Tình người lan toả

Có những cá nhân luôn sẵn sàng cho đi phần thu nhập ít ỏi của mình, chia một phần tài sản của gia đình cho người nghèo. Trước hết phải kể đến ông Nguyễn Quốc Hùng- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp A4, xã Phước Minh, Dương Minh Châu.

Mặc dù phụ cấp hằng tháng của Trưởng Ban công tác Mặt trận không nhiều, nhưng ông Hùng đã dùng hết số tiền phụ cấp hằng tháng của mình và vận động thêm người thân trong gia đình để hỗ trợ 4 hộ nghèo của xã. Mỗi tháng, gia đình ông Hùng hỗ trợ cho mỗi hộ 1 phần quà trị giá 300.000 đồng. Bên cạnh đó, ông Hùng còn đóng góp cho bếp ăn từ thiện của MTTQVN xã hằng tháng 1 triệu đồng.

Gia đình ông Hùng trước đây cũng thuộc diện hộ khó khăn, chỉ buôn bán nhỏ tại địa phương. Ông từng là công an viên của ấp nhưng do kinh tế gia đình quá khó khăn, ông xin thôi việc để buôn bán phụ giúp gia đình. Ðến năm 2016, ông Hùng được bầu làm Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp A4. Qua thực tế công tác, sâu sát với đời sống người dân trong ấp, ông nhận thấy địa bàn còn có nhiều hộ nghèo khó.  Với tinh thần chia sẻ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ông Hùng trao đổi thống nhất với gia đình dành phần thu nhập của mình vào công tác an sinh xã hội ở địa phương.

Trên địa bàn xã Phước Minh có một gương điển hình nữa vì người nghèo. Ông Lê Thanh Hùng, sinh năm 1955, ngụ ấp A2. Tuy gia đình không giàu có, vợ mất sớm, có một người con, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào thu nhập từ vườn tre với diện tích 3.000m2, lại thường xuyên đau ốm, nhưng ông Thanh Hùng vẫn quyết định cắt một phần đất của gia đình tặng cho một gia đình nghèo không đất để xây nhà.

Người được ông cho đất là anh Nguyễn Thanh Phong, một hộ nghèo cùng ấp không có đất, đang ở đậu. Ông Thanh Hùng đã tặng 50m2 đất để xây nhà đại đoàn kết cho anh Phong. Không biết thủ tục hiến đất như thế nào, ông đến nhờ Trưởng Ban CTMT ấp đưa đến MTTQVN xã Phước Minh nhờ hướng dẫn. Nói về hoàn cảnh của anh Phong, ông Thanh Hùng chia sẻ: “Thấy anh Phong khổ quá, mẹ mới mất, vợ ở tù, cả nhà đang ở nhờ đất của người khác. Tôi cũng còn đất nên cho một phần, mong sao nó cố gắng làm ăn để thoát được cái nghèo, chờ vợ mãn hạn tù để gia đình đoàn tụ”.

Có thể giá trị của những phần quà hay miếng đất được cho đó chưa phải là lớn, nhưng điều quý giá là tình người đang lan toả. Những tấm lòng ấy thật sự rất quý báu và đáng trân trọng, thắp lên những hy vọng cho người nghèo và làm cho bức tranh xã hội ngày càng tươi đẹp hơn.

Và những người “vác tù và hàng tổng”

Ðó là câu chuyện về “ông già diệt rác” Nguyễn Văn Kia, ngụ ấp Long Thành, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành. Ông Kia đã có hơn 39 năm đóng góp cho hoạt động phong trào của Mặt trận cũng như các hoạt động xã hội tại địa phương. Người dân xã Long Thành Trung đều quý mến, kính trọng người tổ trưởng tổ tự quản gương mẫu, tận tuỵ, dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì cộng đồng. Tham gia công tác xã hội ở ấp từ năm 1978 đến nay, ông Kia được nhân dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ tự quản, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp và là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi.

 Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, năm 2010, xã Long Thành Trung được chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Hằng ngày, ông Kia nhìn thấy cảnh người dân chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung, còn vứt rác, xác súc vật ra đường, có nơi gần như tập trung thành điểm đen vứt rác gây mùi hôi, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, làm mất mỹ quan xóm làng. Ông Kia luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để thay đổi được nhận thức, thói quen đó của người dân.

Thế là, bên cạnh việc tuyên truyền vận động, ông âm thầm “xử lý” bằng cách mua dầu lửa về đốt rác. Ban đầu, tại những điểm vứt rác này, buổi chiều tối ông đốt hết, đến sáng đống rác mới lại “mọc lên”. Ông không phiền hà, trách móc gì ai mà tiếp tục kiên trì thực hiện, hết tiền mua dầu lửa, ông chuyển sang đốt rác bằng củi. Thấy tấm lòng, việc làm ý nghĩa của ông, Ban cai quản Ðiện thờ Phật mẫu xã Long Thành Trung hỗ trợ một lượng lớn củi. Hằng ngày, ông đến các “điểm đen” rác để đốt hết số rác tồn đọng. Sự kiên trì của ông Kia đã làm cho nhiều người suy nghĩ về hành vi của mình. Người dân ở ấp cũng thay đổi dần ý thức, mọi người không còn vứt rác bừa bãi mà thu gom gọn về một chỗ để xử lý. Từ đó, mọi người hay gọi ông Kia là “ông già diệt rác”.

Thấy việc làm của mình mang lại hiệu quả, ông Kia có động lực để tiếp tục công việc xử lý triệt để các điểm vứt rác ven đường. Hằng ngày, với chiếc xe đạp cũ kỹ, ông Kia rong ruổi khắp đường làng, ngõ xóm, đi đến đâu thấy có rác là ông dừng lại và cặm cụi gom đốt cho sạch sẽ. Không những thế, ông còn vận động 100% hộ gia đình đang sinh sống tại tổ số 18 đăng ký dịch vụ thu gom rác thải.

Việc làm của ông Kia không chỉ tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp mà còn nâng cao được ý thức của người dân. Ông Kia tâm sự: “Tôi rất vui và cảm thấy được an ủi vì việc làm của mình có hiệu quả”.

Khi đến ấp Long Hoà 2, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, tôi hỏi đến ông lão “vá đường” ai cũng biết. Ðó là ông Quách Văn Mên, sinh năm 1932. Mặc dù ông Mên đã nhiều tuổi, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng ông vẫn lặng lẽ “vá đường” cho trẻ nhỏ đến trường, cho người dân đi lại được thuận tiện. Ông Mên chia sẻ: “Thấy đường trong xóm bị hư, trời mưa đọng nước, sình lầy, nhiều khi người ta đi về trời tối dễ bị tai nạn nên tui đắp lại”.

Nhiều năm qua, ông Mên đã “vá” hàng trăm ổ voi, ổ gà lớn nhỏ trên các tuyến đường, hẻm trong xã. Riêng đoạn đường đi ngang qua nhà ông Mên khoảng 500m, ông đã “vá” không biết bao nhiêu chỗ hư hỏng. Lúc đầu, nhiều người cho rằng ông làm chuyện “bao đồng”, vì với họ, đường sá là chuyện của xã hội, có chính quyền lo. Nhưng lâu dần, nhiều người thấy được ý nghĩa và tấm lòng vì cộng đồng của ông Mên nên rất kính trọng, quý mến ông. 

Có thể nói, những việc làm tốt, những hành động đẹp, những con người biết sống vì người khác như ông Quách Văn Mên, ông Nguyễn Văn Kia, anh Nguyễn Khắc Tú... đã và đang góp phần làm lan toả những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, với môi trường tự nhiên và xã hội, xây dựng một môi trường văn hoá thật sự ở khu dân cư.

Nguyễn Tiến Hưng

 

Tin cùng chuyên mục