Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Để du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thứ năm: 23:52 ngày 08/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền hình, truyền thông trong và ngoài nước để quảng bá du lịch Tây Ninh sâu rộng ra bên ngoài, trong đó tập trung phối hợp với tạp chí Heritage để viết bài quảng bá về du lịch Tây Ninh. Tây Ninh sẽ mời gọi và tạo điều kiện cho các hãng sản xuất phim nổi tiếng trong và ngoài nước đến Tây Ninh quay ngoại cảnh, nhằm góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh thông qua các bộ phim.

Toà thánh đạo Cao Đài (tháng Giêng năm 2018).

Tháng 12.2017, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Các nghị quyết, chương trình, kế hoạch nêu trên được ra đời với mục đích đưa Nghị quyết số 08.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch vào cuộc sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch của UBND tỉnh vừa có tính tổng thể vừa có tính chi tiết, liên quan đến ngành kinh tế gắn liền với văn hoá mà tỉnh đang dốc sức tạo bước đột phá để phát triển.

NĂM 2020: ĐÓN 4 TRIỆU LƯỢT KHÁCH DU LỊCH

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh (kèm theo Quyết định số 3026), trong những năm tới đây, Tây Ninh sẽ nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế có tính chuyên nghiệp, có hệ thống, có cơ sở kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại.

Du lịch Tây Ninh sẽ có sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh. Đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Đầu tư cho Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen để quần thể danh thắng này trở thành khu du lịch đặc sắc, mang tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò trung tâm, có sức lan toả lớn, dẫn dắt phát triển du lịch của tỉnh. Phát triển và kết nối đồng bộ Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trở thành điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của du lịch địa phương.

Thành phố Tây Ninh sẽ là đô thị du lịch, sinh thái, là trung tâm vui chơi, giải trí, mua sắm cho khách du lịch. Tỉnh sẽ xây dựng chiến lược marketing chuyên nghiệp, hiệu quả; kết nối đồng bộ các tuyến, tour du lịch trong và ngoài nước, đưa Tây Ninh trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, các chỉ tiêu cơ bản được nêu ra, gồm: Đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân từ 17%/năm trở lên. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt từ 2.500 tỷ đồng; thu nhập du lịch (GDP du lịch) đạt từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

Năm 2020, Tây Ninh dự kiến đón khoảng 4 triệu lượt khách tham quan; khách lưu trú tăng bình quân từ 15-16% trở lên, trong đó khách quốc tế tăng 15%, khách nội địa tăng 16% và khách tham quan tăng 15%. Ngày lưu trú đối với khách du lịch quốc tế đạt bình quân 2 ngày/khách, khách du lịch nội địa là 1,6 ngày/khách. Năm 2020 phát triển thêm từ 2 đến 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Đến thời điểm này, các hoạt động du lịch sẽ giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp khoảng 2.500 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng 4.800 người. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Tây Ninh thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 7% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác.

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục đầu tư phát triển, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo nét đặc sắc, độc đáo riêng có của địa phương. Kêu gọi và tạo điều kiện cho nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển Khu du lịch núi Bà Đen thành khu du lịch đặc sắc, hấp dẫn, đa dạng sản phẩm, loại hình du lịch gồm du lịch truyền thống, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn, lan toả cho du lịch Tây Ninh.

Đầu tư và tạo điều kiện phát triển thành phố Tây Ninh thành đô thị du lịch, sinh thái, là trung tâm vui chơi, giải trí, mua sắm cho khách du lịch. Trong đó tập trung phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, các trung tâm mua sắm, ẩm thực tập trung với quy mô lớn, chất lượng.

Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch. Đồng thời quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng...

Phát triển đồng bộ, kết nối và khai thác hiệu quả du lịch về nguồn: di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Khu di tích căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời, Địa đạo An Thới; Căn cứ động Kim Quang, di tích chiến thắng Junction City, Tua Hai...

Kêu gọi đầu tư phát triển và kết nối các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc gia, khu vực: Khu du lịch Ma Thiên Lãnh, Long Điền Sơn; Bàu Cà Na; Khu du lịch sinh thái đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La, hồ Nước Trong; Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; các du lịch sinh thái dọc sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn. Phát huy giá trị các công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo của các dân tộc, tôn giáo: Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, chùa Gò Kén, nhà thờ Tây Ninh, đền thờ Hồi giáo; các di chỉ khảo cổ học: tháp cổ Bình Thạnh, tháp cổ Chót Mạt.

Quy hoạch và phát triển du lịch miệt vườn, nông nghiệp công nghệ cao và mô hình du lịch cộng đồng. Chú trọng phát triển loại hình du lịch “homestay” tìm hiểu những nét độc đáo của tôn giáo Cao Đài, các làng nghề truyền thống, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; “farmstay” gắn với miệt vườn, đồng lúa, sông nước.

Xây dựng thương hiệu “Ngày (tuần lễ) văn hoá Tây Ninh” tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hằng năm để giới thiệu, quảng bá và xúc tiến du lịch của địa phương. Tây Ninh sẽ đăng cai tổ chức các hội nghị, cuộc thi, chương trình nghệ thuật, giải thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế có uy tín. Kêu gọi đầu tư một số khu du lịch mạo hiểm, trường đua ngựa; phát triển các vườn dược thảo gắn với sản phẩm du lịch sức khoẻ, spa làm đẹp.

Phát triển nhanh, đồng bộ, có chất lượng các dịch vụ phục vụ du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở lưu trú. Khuyến khích, đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú du lịch hiện có theo tiêu chuẩn quốc gia; khuyến khích, ưu tiên phát triển cơ sở lưu trú có chất lượng, đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Về chất lượng dịch vụ ăn uống, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn; phát triển và xây dựng thương hiệu ẩm thực truyền thống đặc sắc của địa phương như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, các món chay của tôn giáo Cao Đài, bò tơ Tây Ninh, gỏi chuối núi Bà, ốc núi, thằn lằn núi...

Tăng cường đào tạo, huấn luyện đội ngũ phục vụ trong cơ sở ăn uống chuyên nghiệp, có kỹ năng giao tiếp và chăm sóc khách hàng, am hiểu văn hoá ẩm thực địa phương để tư vấn, giới thiệu cho du khách.

Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Nhân lực dành cho ngành du lịch được phát triển theo hai hướng, gồm đội ngũ nhân lực chuyên môn và nguồn nhân lực cộng đồng.

Khách du lịch nghỉ ngơi trong vườn trái cây ở Hoà Thành.

QUẢNG CÁO DU LỊCH TRÊN “XA LỘ THÔNG TIN”

Một trong những giải pháp để thu hút khách du lịch là đầu tư quảng bá, quảng cáo. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ xây dựng chiến lược marketing du lịch chuyên nghiệp; đẩy mạnh tính chuyên nghiệp trong công tác thông tin, quảng bá xúc tiến du lịch. Nghiên cứu, khảo sát thị trường tạo dữ liệu cho các thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến, quảng bá du lịch, trong đó vận hành hiệu quả cổng thông tin điện tử đa ngôn ngữ, bổ sung thêm ngôn ngữ Nhật, Nga, Hàn, Thái, Campuchia... Quảng bá thông qua các công cụ mạng xã hội Facebook, fanpage và mạng chia sẻ Youtube, Twitter, Instagram theo hướng thị hiếu sử dụng của từng thị trường. Tăng cường quảng bá trên các trang marketing online, Bản tin điện tử du lịch (E-Newsletter) và bộ ấn phẩm marketing du lịch đa ngôn ngữ.

Hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên blogger du lịch Tây Ninh tại các thị trường trọng điểm. Phát triển đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch Tây Ninh trên các công cụ quảng bá, xúc tiến du lịch. Xúc tiến đề cử các đại diện du lịch Tây Ninh tại các thị trường trọng điểm quốc tế để tiến tới thành lập các văn phòng đại diện du lịch Tây Ninh tại các thị trường trọng điểm nước ngoài.

Định kỳ quảng bá hình ảnh du lịch địa phương trên các kênh truyền hình có uy tín trong nước (VTV4, HTV7...) và quốc tế (CNN). Tổ chức các hoạt động quảng bá điểm đến chuyên nghiệp: xây dựng cơ sở dữ liệu đối tác du lịch Tây Ninh để duy trì và phát triển mối quan hệ với các tổ chức, đối tác du lịch Tây Ninh trong nước và quốc tế.

Phối hợp với các doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch và thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Tây Ninh tại các thị trường tiềm năng mà ngành du lịch Tây Ninh đang hướng đến. Đẩy mạnh xúc tiến du lịch tại chỗ: tổ chức và truyền thông cho các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch quy mô lớn, hướng tới sự tham gia của cộng đồng.

Xây dựng Tây Ninh trở thành “tỉnh sự kiện”, tổ chức các sự kiện giao lưu văn hoá, du !ịch với các quốc gia khác tại Tây Ninh. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền hình, truyền thông trong và ngoài nước để quảng bá du lịch Tây Ninh sâu rộng ra bên ngoài, trong đó tập trung phối hợp với tạp chí Heritage để viết bài quảng bá về du lịch Tây Ninh. Tây Ninh sẽ mời gọi và tạo điều kiện cho các hãng sản xuất phim nổi tiếng trong và ngoài nước đến Tây Ninh quay ngoại cảnh, nhằm góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh thông qua các bộ phim.

Du lịch là ngành kinh tế gắn liền với văn hoá, nhưng cũng không thể không chú ý đến ý kiến bình luận, việc để ngành du lịch nằm trong cấu trúc của ngành văn hoá, thể thao (Bộ, Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch) là không khoa học. Hơn nữa là một ngành kinh tế mang tính tổng hợp, tính xã hội sâu rộng và hiệu quả của nó không thể tính toán một cách đơn giản.

Trong một cuộc họp cách nay chưa lâu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã bình luận: thu hút thêm một khách du lịch có hiệu quả hơn hút được một thùng dầu thô.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh