Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 1.4 vừa mới qua. Ðó là ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi lại nhớ đến câu hát của ông: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Ðể làm gì, em biết không?/ Ðể… gió cuốn đi!” Chỉ đơn giản vậy thôi. Mà nhớ.
Tây Ninh đã lại vào mùa gió. Gió thả diều. Các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em đã treo đầy những con diều nylon đủ sắc màu, hình dáng. Gió cuốn đi không chỉ những tấm lòng thảo thơm chia sẻ với nhân gian. Gió còn nâng những cánh diều bay, đem theo niềm mơ ước trẻ con. Và có thể, của cả rất nhiều người lớn. Ai mà không mơ lấy một điều gì? Và cánh diều ấy có thể rơi đúng vào tay một cậu bé nghèo đang thèm thuồng ngắm con diều chưa mua được…
Bạn có thấy thiên nhiên kỳ diệu hay không? Thì hãy nhìn lên các hàng cây dọc phố. Những tán cây sao trĩu bông hôm nọ, nay đã trĩu những chùm trái non xanh như nõn lá. Ðể dăm bữa nửa tháng nữa chúng sẽ trở thành những trái sao có hai cái đuôi cánh màu nâu. Cũng là gió sẽ cuốn chúng đi, đôi cánh ấy sẽ xoay tít trong gió để đưa cái mầm sống trong hạt trở về với đất. Ðất đâu nữa mà về! Phố hiện đại bây giờ chỉ toàn những bê tông và mặt nhựa. Nhưng có lẽ cũng không sao. Chỉ đơn giản là, những mầm sống ấy đã được gió cuốn đi. Còn có được thành tựu gì không, đấy lại là chuyện khác.
Sống giữa thiên nhiên kỳ diệu ấy là rất nhiều những con người kỳ diệu. Mà kỳ diệu nhất là những người chẳng bao giờ thấy việc mình làm là kỳ diệu. Như hai người đàn bà mà tôi gặp tình cờ ở một ngôi miếu nhỏ xã Thanh Ðiền. Các bà đang băm, chặt những cây thuốc nam. Miếu vắng. Một bà than:- Sáng giờ cũng buồn vì chưa thấy ai đến xin cây thuốc.
Vậy thì, dù xương khớp chưa đến nỗi nào và cột sống còn chưa “vôi hoá” tôi cũng xin hai bà cho bịch thuốc. Ðem về nấu nước uống thôi! Không bổ âm thì cũng bổ dương. Bà lớn tuổi nay đã 79, còn bà ít tuổi hơn cũng đã 61 kể nguyên do. Rằng họ cũng nhờ cây thuốc này mà hết bệnh. Thế là đem hết mấy công đất vườn nhà để trồng cây thuốc. Rồi băm chặt, phơi khô dành tặng cho người.
Chợt nhớ, Tây Ninh mình có biết bao con người như hai bà tôi mới gặp. Dường như xã, phường nào cũng có những cơ sở thuốc nam từ thiện. Thế là bất kể sang hèn, ai cũng tìm được cho mình vị thuốc trị bệnh mỗi khi đau yếu. Theo đúng phương châm của thầy Tuệ Tĩnh là: “Nam dược trị Nam nhân”. Xem ra cái “mạng lưới y tế” này mới thật sự là toàn dân. Khởi đầu của sự kỳ diệu này hẳn cũng là do những tấm lòng luôn muốn cho đi không tính toán. Cũng là “để gió cuốn đi” như lời bài hát của người nghệ sĩ tài hoa.
VTV đầu tuần có đưa tin một trường đại học ở Mỹ mở lớp ngoại khoá cho sinh viên về đề tài hạnh phúc. Họ cho rằng “Hạnh phúc là báu vật khó nắm bắt nhất của đời người”. Ở ta á? Ngay từ những năm chiến tranh ác liệt nhất đã vang lên nhiều khúc ca hạnh phúc. Những tác phẩm của Trịnh Công Sơn là một ví dụ. Ví dụ nữa là Dương Hương Ly với Bài thơ về Hạnh phúc, ông viết xong tháng 6.1969, ngay khi người vợ yêu quý của ông là nhà báo Dương Thị Xuân Quý hy sinh.
Hạnh phúc cũng chính là sự cho đi, là đem lại nhiều niềm vui sống cho nhiều người khác. Ðôi khi, giản dị hơn là lúc ta gặp những niềm vui bé nhỏ và bình dị trên đường. Giữa chiến trường ác liệt Quảng Nam năm 1969, nhà báo nữ Dương Thị Xuân Quý chỉ cần:
“Trong một góc vườn cháy khét lửa Na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc:
Và em gọi đó là Hạnh phúc”.
Còn tôi, một sáng mùa khô khét nắng ở Tây Ninh trên chặng đường đi thì gặp niềm hạnh phúc long lanh trong hai cặp mắt các bà vừa mới cho đi hai bịch thuốc nam đầy ắp. Và trên chặng về, một niềm vui còn giản dị hơn nữa khi tôi gặp một cánh đồng vừa gặt, chỉ còn trở lại màu vàng xám rạ rơm. Một mùi hương rơm rạ đầy tràn. Cái mùi hương rất quen thuộc trong ký ức này, sao hôm nay bỗng nhiên thơm lạ.
Về vắt tay lên trán nghĩ căng. Thì ra cả mấy tuần nay cứ quanh quẩn giữa phố phường. Quen nhìn ngắm và ngửi những hoa thơm nở đầy trên các phố. Ðể quên phứt mất một mùa hương đồng ngào ngạt các ấp làng xa sau vụ lúa chiêm xuân.
NGUYỄN