Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước tăng mạnh, đạt 10,8 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Mặc dù là quốc gia xuất khẩu nông sản đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới, song cho đến nay, 90% nông sản của nước ta vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.
Bên cạnh đó, điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" luôn diễn ra. Thậm chí, thời gian gần đây liên tục xuất hiện những đợt "giải cứu" nông sản.
Mới đây nhất, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp và kêu gọi các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn là một thí dụ.
Mỗi lần nông sản được mùa mất giá, các đơn vị, tổ chức xã hội và nhiều cá nhân lại chung tay giúp nông dân tiêu thụ nông sản ế. Và nhiều nguyên nhân được chỉ ra như giá xuất khẩu thấp, việc tiêu thụ chậm và sản lượng nông sản thừa quá lớn.
Những năm gần đây, việc liên tiếp các ngành hàng nông sản lúc thừa lúc thiếu, như hải sản, muối, đường, thịt lợn,... cho thấy việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch chưa đạt mục tiêu đề ra.
Một số địa phương tuy đã xác định được địa chỉ các vùng chuyên canh cho các sản phẩm thế mạnh nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đồng nhất, chưa thật sự có được vùng chuyên canh đúng nghĩa.
Đặc biệt, liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng, miền hiện nay còn yếu. Hệ thống thông tin thị trường chưa đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, trong khi năng lực phân tích, dự báo, nắm bắt xu hướng thị trường còn hạn chế, kênh chia sẻ thông tin thị trường đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn yếu và thiếu, việc tổ chức sản xuất chưa xuất phát từ dự báo cung cầu thị trường hoặc chưa lường hết rủi ro từ thị trường...
Để đầu ra cho nông sản ổn định, không còn điệp khúc được mùa mất giá và các cuộc "giải cứu" nông sản, không còn cách nào khác ngoài khắc phục các nguyên nhân nêu trên. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch sản xuất mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra theo các đề án tái cơ cấu ngành; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.
Do các hộ dân riêng lẻ thiếu thông tin thị trường, đất đai manh mún, các lĩnh vực ngành hàng cần phải được tổ chức theo mô hình hợp tác xã, từ đó giúp cơ quan chức năng điều phối thị trường. Ngược lại, thông qua các hợp tác xã, người dân sẽ có được thông tin về thị trường cần gì, cần bao nhiêu, để từ đó tổ chức sản xuất phù hợp nhu cầu tiêu thụ.
Nguồn Báo Nhân dân