Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Để Làng Thanh niên lập nghiệp Ninh Điền phát triển đúng mục tiêu, định hướng
Thứ hai: 05:40 ngày 26/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để LTNLN phát triển đúng hướng, mục tiêu, Tỉnh đoàn đã có kế hoạch, giải pháp quản lý, định hướng sản xuất trong thời gian tới. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quyết liệt xử lý đối với các hộ gia đình thực hiện không đúng mục tiêu ban đầu của dự án.

Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp (LTNLN) xã Ninh Điền được Trung ương đoàn phân bổ kinh phí và giao Tỉnh đoàn Tây Ninh tổ chức thực hiện vào năm 2010 với diện tích được phê duyệt là 232 ha, nằm trong khu vực biên giới giáp ranh với nước bạn Campuchia.

Dự án được kỳ vọng sẽ là mô hình về một khu dân cư biên giới kiểu mẫu, tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng khu vực biên giới.

Sau cơn mưa ngày 21.1, con đường vào Làng Thanh niên xã Ninh Điền ứ đọng nước, trơn trượt rất khó đi (ảnh: Minh Dương).

Theo báo cáo của Tỉnh đoàn, đến nay, dự án LTNLN mới chỉ nhận và triển khai được 178 ha, với 99 hộ gia đình là các cặp vợ chồng thanh niên tham gia dự án từ năm 2010.

Anh Nguyễn Văn Dự, Phó Ban quản lý LTNLN, cũng là một trong những hộ gia đình thanh niên tham gia lập nghiệp từ những ngày đầu tiên cho biết, được sự quan tâm tạo điều kiện về nhà ở và đất sản xuất, nhiều hộ gia đình ở làng chăm chỉ làm ăn, tạo được cuộc sống khá giả. Hiện nay, thu nhập bình quân ở làng trên 100 triệu đồng/hộ/năm.

Còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, sau gần 8 năm thực hiện, dự án đã bộc lộ không ít bất cập, tồn tại. Một trong những tồn tại là sự xuống cấp nghiêm trọng của hệ thống đường giao thông. Con đường nối từ tỉnh lộ 796 dẫn vào làng chỉ hơn 10km, nhưng để đi hết đoạn đường này là một cực hình đối với người tham gia giao thông.

Đường đầy ổ gà, hư hỏng khắp nơi, “nắng bụi, mưa lầy”, là nỗi bức xúc của người dân địa phương. Đường hư không những gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân mà còn là nguyên nhân khiến chi phí vật tư nông nghiệp tăng lên, nông sản  còn bị thương thái “ép giá” khi mua với cái cớ “khó vận chuyển”.

Hiện ở làng có không ít hộ không tham gia sản xuất nông nghiệp mà đi làm công nhân ở xa. Theo anh Dự, có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là, việc phân chia đất đai sản xuất không đồng đều, có hộ chỉ được chưa đầy 1 ha, mặc dù trước đây theo đề án, mỗi hộ khi đến ở làng sẽ được cấp 1,5 ha. Trong khi đó, có những hộ được cấp 1,5 ha nhưng lại phân tán, manh mún khiến việc sản xuất gặp khó khăn.

Thứ hai là, trong những năm qua, hiệu quả từ việc canh tác một số cây trồng chính như mía, mì không ổn định khiến nhiều hộ sản xuất thua lỗ, hết vốn. Thứ ba là, việc không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đang canh tác khiến các hộ dân không an tâm đầu tư sản xuất vì lo ngại sẽ bị đổi chỗ khác.

Đồng thời, trong lúc “đói vốn” tái sản xuất do thua lỗ, việc đất không được cấp giấy khiến các hộ thanh niên trong làng không thể tiếp cận được với ngồn vốn của ngân hàng. Vì quá khó khăn, nhiều hộ phải cho thuê lại đất, đi làm ăn xa.

Anh Nguyễn Tất Linh (sinh năm 1988), một thanh niên của làng đang làm công nhân tại khu công nghiệp Chà Là cho biết: “Mỗi ngày tôi và vợ phải thức từ 4 giờ sáng để đi làm. Những ngày mưa gió còn khổ hơn.  Nhưng nếu ở làng lấy gì sống, lấy gì lo cho con ăn học? Tôi cũng phải tích cóp ít vốn để vài năm nữa quay về tái sản xuất”.

Ông Châu Quốc Tuấn, Bí thư Đảng uỷ xã Ninh Điền nhận định, thời gian qua, làng thanh niên đã phát huy hiệu quả tinh thần xung kích của tuổi trẻ, phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh vùng biên giới. Nhiều hộ gia đình thanh niên chí thú làm ăn, chịu thương chịu khó nên đời sống từng bước nâng lên rõ rệt. Với trách nhiệm của địa phương, Đảng uỷ, UBND xã luôn tạo những điều kiện tốt nhất để thanh niên trong làng yên tâm lao động, xây dựng cuộc sống.

Tuy nhiên, cũng còn không ít vấn đề địa phương hết sức lo lắng, đó là tình trạng ly hôn ở làng ngày càng nhiều, nhiều hộ bỏ đi làm xa. Tình hình an ninh trật tự cũng diễn biến phức tạp như tệ nạn cờ bạc, đánh nhau, gây rối trật tự… mà một trong những nguyên nhân là do sự chồng chéo trong công tác quản lý. Làng thanh niên thuộc sự quản lý của Tỉnh đoàn nhưng lại nằm trên địa bàn quản lý của địa phương, nên khi có sự việc xảy ra, địa phương rất khó xử lý.

Tỉnh đoàn: do khách quan

Trước những vấn đề đặt ra ở LTNLN, Tỉnh đoàn có ý kiến phản hồi như sau:

Thứ nhất, về tình trạng xuống cấp của con đường dẫn vào LTNLN. Ban đầu, con đường từ ngã ba Xóm Mía tới LTNLN dài khoảng 8km là đường sỏi đỏ. Đường do UBND huyện Châu Thành đầu tư trước đó. Khi triển khai thực hiện dự án LTNLN, Tỉnh đoàn chỉ đầu tư xây dựng đường nội bộ và làm mới đoạn kéo dài từ đất Dự án 134 đến giáp địa phận xã Long Phước.

Hiện nay, đường từ ngã ba Xóm Mía tới LTNLN cũng như đoạn đường từ đất Dự án 134 đến giáp địa phận xã Long Phước bị xuống cấp, do đây là con đường chính để vận chuyển mía của xã Ninh Điền và hơn 1.000 ha mía của các doanh nghiệp trồng bên Campuchia. Tình trạng xe chở mía, mì với tải trọng lớn, nhất là trong mùa mưa khiến đường xuống cấp nghiêm trọng. Riêng đường nội bộ do Ban quản lý dự án phụ trách vẫn sử dụng tốt.

Thứ hai, về tình trạng phân chia đất sản xuất không đồng đều, do tổng diện tích ban đầu của dự án là 232 ha nhưng thực tế chỉ có 178 ha. Trong đó, đất sản xuất khoảng 150 ha. Vì còn 54 ha của dự án chưa thể thu hồi theo phương án giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt, nên trong quá trình đưa các hộ gia đình lên tham gia dự án, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ tạm giao đất sản xuất cho các hộ trên cơ sở bản đồ hiện trạng chưa đo đạc, phân lô cắm mốc, lập trích lục thửa đất riêng cho từng hộ gia đình (chia theo thửa).

Để xử lý 54 ha đất không thu hồi được, từ năm 2014-2017, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tiến hành thanh tra những vấn đề có liên quan đến quá trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở 54 ha nêu trên.

Đến nay đã có kết luận thanh tra, và UBND tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình tham mưu cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với diện tích đất trên. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát lập thiết kế kỹ thuật dự toán việc đo đạc, phân lô, cắm mốc, lập trích lục đất sản xuất cho các hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai, và hiện đang trình văn phòng UBND tỉnh thẩm định trước khi trình lãnh đạo UBND tỉnh cho ý kiến.

Thứ ba, về tình hình sản xuất khó khăn, kém hiệu quả ở LTNLN, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với các cá nhân, tổ chức triển khai một số mô hình sản xuất tập trung, như phối hợp với Vinamilk trồng bắp bán cho trang trại bò sữa tại Long Khánh; triển khai trồng mía theo cánh đồng mẫu lớn với Công ty mía đường Biên Hoà; thành lập HTX thanh niên; trồng nha đam...

Tuy nhiên, do một số hộ gia đình chưa đồng thuận với phương án lợi nhuận doanh nghiệp đưa ra, chưa đồng ý với quy trình kỹ thuật sản xuất do doanh nghiệp yêu cầu hoặc điều kiện thổ nhưỡng chưa phù hợp nên các phương án sản xuất chưa được triển khai.

Thứ tư là về việc các hộ gia đình ở LTNLN chưa được cấp giấy CNQSDĐ, do từ năm 2010-2017, việc phối hợp xử lý 54 ha đất chưa thu hồi được gặp nhiều khó khăn nên UBND tỉnh chưa thể ra quyết định điều chỉnh diện tích cho dự án.

Vì vậy, BTV Tỉnh đoàn chưa có cơ sở pháp lý để đo đạc, phân lô, cắm mốc, lập trích lục thửa đất sản xuất cho các hộ gia đình. Mặt khác, theo quy chế quản lý, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất ở tại các khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh (thuộc Đề án 407 và Làng Thanh niên lập nghiệp tỉnh Tây Ninh được ban hành kèm theo Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND, ngày 20.6.2011 của UBND tỉnh) đã quy định rõ, trong thời hạn 10 năm kể từ ngày ban hành quyết định giao đất, các hộ gia đình, cá nhân chỉ được quyền sử dụng đất, không được: chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Thứ năm, về tình trạng ly hôn và an ninh trật tự ở LTNLN, LTNLN hiện có 15 hộ ly hôn. Ở làng có tình trạng đánh bài nhưng chỉ có vài hộ “chơi vui” trong thời điểm nông nhàn hoặc cá độ nhỏ.

Sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất

Để LTNLN phát triển đúng hướng, mục tiêu, Tỉnh đoàn đã có kế hoạch, giải pháp quản lý, định hướng sản xuất trong thời gian tới. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quyết liệt xử lý đối với các hộ gia đình thực hiện không đúng mục tiêu ban đầu của dự án.

Ban Quản lý dự án đã thông báo đến các hộ gia đình đến hết ngày 31.3.2018 chấn chỉnh thực hiện một số nội dung như: hộ gia đình nào đang cho thuê đất phải trao đổi, thoả thuận với bên thuê đất để chấm dứt hợp đồng, khôi phục lại hiện trạng ban đầu của dự án.

 Hộ gia đình thường xuyên bỏ làng, đi làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp không trực tiếp ở làng (để người thân ở làng quản lý nhà cửa đất đai) phải  thực hiện nghiêm túc nội quy hoạt động của LTNLN và trực tiếp sản xuất trên đất được giao đúng quy định sử dụng đất của dự án. 

Sau ngày 31.3.2018, những hộ gia đình không thực hiện theo thông báo trên, hoặc không sản xuất trên đất đã được bố trí tại làng theo mục tiêu ban đầu của dự án, Ban Quản lý dự án sẽ thu hồi, đồng thời tuyển chọn mới hộ gia đình đoàn viên thanh niên lên tham gia dự án.

Đối với những hộ thực hiện tốt quy chế, có nhu cầu sản xuất, Ban Quản lý dự án đồng ý hợp tác trồng mía với Công ty TNHH Hưng Thịnh (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) với diện tích mỗi hộ là 1 ha, thời gian hợp tác từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2020. Đồng thời, Tỉnh đoàn cũng dự kiến hỗ trợ cho các hộ gia đình có điều kiện sản xuất theo phương thức ứng dụng công nghệ cao. Trước mắt, sẽ thực hiện thí điểm, nếu hiệu quả sẽ triển khai rộng rãi.

ĐÌNH CHUNG - MINH DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục