Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý:
Đề nghị bỏ quy định lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện
Thứ sáu: 11:30 ngày 23/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mới đây, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thuý – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã có văn bản góp ý gửi Tổng Thư ký Quốc hội, nội dung liên quan đến kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện và phương pháp định giá đất.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý trong buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu.

Tại khoản 2 Điều 27 về Quyền chung của người sử dụng đất quy định “Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất sử dụng hợp pháp”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thuý cho rằng cụm từ “hưởng thành quả lao động” còn mang tính chất chung chung, chưa cụ thể; Ban soạn thảo quy định chi tiết hơn thế nào là thành quả lao động và tiêu chí để tính thành quả lao động. Thực tế, khi phát sinh tranh chấp, việc xác định thành quả lao động và cơ sở để tính thành quả lao động hiện chưa có quy định hướng dẫn.

Cũng tại khoản 8 điều này, đại biểu Thuý đề nghị bổ sung cụm từ “phản ánh, kiến nghị” trước cụm từ “khởi kiện”. Do dự thảo Luật không quy định quyền phản ánh, kiến nghị về đất đai trong khi thực tế hiện nay, công dân thực hiện kiến nghị, phản ánh khá nhiều.

Đại biểu Thuý cho rằng việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong lĩnh vực đất đai diễn ra thường xuyên nhưng Luật không điều chỉnh thì không có cơ sở để xem xét giải quyết, trong khi các khái niệm kiến nghị, phản ánh với khiếu nại, tố cáo, khởi kiện là hoàn toàn khác nhau và phản ánh, kiến nghị về đất đai cũng là quyền của công dân thực hiện quyền giám sát của mình. Do đó, đại biểu Thuý đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung “quyền tiếp cận thông tin đất đai” vào quyền chung của người sử dụng đất, vì đây là một trong những quyền của công dân đối với đất đai.

Tại điểm d khoản 2 Điều 34, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị bổ sung “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” được nhận tài sản thế chấp để cho vay.

Về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79, đại biểu Thuý đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại nội dung quy định tại điểm i khoản 2 “Xây dựng cơ sở tôn giáo”. Tổ chức tôn giáo là tập hợp những người có cùng tín ngưỡng, có giáo lý, giáo luật, lễ nghi không trái với thuần phong, mỹ tục, lợi ích của dân tộc. Cơ sở tôn giáo là các cơ sở hoạt động cho mục đích tôn giáo, gồm: chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh Nếu các tổ chức tôn giáo muốn xây dựng cơ sở thì tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất với người sử dụng đất để thực hiện.

Tại khoản 7 Điều 79 quy định “Đất trồng cây hằng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng”.

Theo đại biểu Thuý, quy định này không nói rõ thời gian “không được sử dụng” từ lúc nào, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền xử lý, dễ gây khiếu kiện phức tạp; hoặc sử dụng có tính chất đối phó với cơ quan có thẩm quyền như trồng một vài bụi chuối, một số cây tràm trên diện tích đất nông nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng… Vì vậy, để quy định pháp luật được thực hiện, tránh bị lợi dụng, đại biểu Thuý đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định chặt chẽ hơn.

Về Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được quy định tại Điều 67, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cho biết mặc dù cơ quan soạn thảo có lý giải về việc quy định nội dung này trong luật, nhưng khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh lấy ý kiến các địa phương cấp huyện, hầu hết đều không đồng thuận, vì vậy, đại biểu Thuý đề nghị tiếp tục xem xét lại. Đại biểu Thuý đồng thuận việc lập Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện là căn cứ pháp lý quan trọng để địa phương thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên, thực tế tính khả thi của Kế hoạch chưa cao, do kết quả thực hiện các chỉ tiêu Kế hoạch sử dụng đất hằng năm được duyệt đạt thấp, phần lớn các công trình có quy mô lớn, tổng số vốn đầu tư lớn cần nhiều năm mới triển khai thực hiện được nhưng lại đăng ký danh mục công trình thực hiện trong năm kế hoạch, dẫn đến không thể triển khai thực hiện xong trong thời gian 1 năm.

Trường hợp kéo dài thời gian triển khai thực hiện thì phải chuyển sang năm sau của Kế hoạch sử dụng đất. Các khâu chuẩn bị và phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hằng năm, trong đó có quy trình, trình tự, thủ tục đầu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập Kế hoạch sử dụng đất hằng năm chiếm mất một phần thời gian trong năm kế hoạch, chưa tính thời gian chờ phân khai vốn.

Có một số địa phương khi chọn được đơn vị tư vấn phải thông qua Cấp uỷ hoặc HĐND cấp huyện thẩm định, cho ý kiến trước khi trình phê duyệt vì Kế hoạch sử dụng hàng năm là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, thực tế nội dung này tốn nhiều thời gian thực hiện và gần như không đảm bảo hoàn thành, công bố vào đúng ngày 31.12 hằng năm theo quy định.

Sau khi Kế hoạch được phê duyệt, vẫn xảy ra tình trạng một số dự án mới phát sinh trong năm chưa có trong Kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt dẫn đến việc phải điều chỉnh Kế hoạch mới có căn cứ để làm cơ sở cho việc quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, việc lập Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, đại biểu Thuý kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định lập Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, đồng thời điều chỉnh thời gian lập Kế hoạch là 5 năm và được phép điều chỉnh, bổ sung hằng năm. Các căn cứ để địa phương quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là một trong các quy hoạch: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt (đúng như quy định của Luật Đất đai) là đảm bảo đủ căn cứ pháp lý.

Khoản 4 Điều 158, có 4 phương pháp định giá đất và tại khoản 7 Điều 158 có nêu: “Chính phủ quy định chi tiết việc xác định giá đất, nội dung, điều kiện áp dụng, phương pháp định giá đất, xây dựng và áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tư vấn định giá đất”.

Nhưng theo đại biểu Thuý, hiện nay các phương pháp xác định giá đất theo hướng dẫn tại các Nghị định, Thông tư hiện hành còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, chưa phù hợp với tình hình thực tế nên địa phương thực hiện còn nhiều vướng mắc. Đa số các trường hợp khi áp dụng mỗi phương pháp thì cho ra kết quả giá đất khác nhau, đây là nguyên nhân gây ra sự không thống nhất giữa cơ quan định giá và cơ quan kiểm tra, hậu kiểm.

Đại biểu Thuý cho biết thêm từ điều kiện thực tế của Tây Ninh, chủ yếu sử dụng 2 phương pháp xác định giá đất là so sánh trực tiếp và thặng dư; 3 phương pháp còn lại là chiết trừ, thu nhập và hệ số điều chỉnh giá đất ít được sử dụng và chỉ mang tính chất đối chiếu, tham khảo kết quả để lựa chọn khi đơn vị tư vấn thực hiện định giá đất.

Mỗi phương pháp có những ưu điểm và hạn chế riêng. Qua đó, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉ quy định 1 phương pháp định giá đất là hệ số điều chỉnh giá đất (với hệ số K, không khống chế mức 20%) trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và khi đó thì không nhất thiết giao cho Chính phủ quy định phương pháp định giá đất.

Về Quy định Bảng giá đất tại khoản 1 Điều 159, đại biểu Thuý kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định phân cấp thẩm quyền xây dựng Bảng giá đất cho cấp huyện, thực hiện theo địa bàn cấp huyện để phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay và có tính khả thi cao.

Việc tách thửa đất, hợp thửa đất tại điểm c khoản 1 Điều 218 quy định “Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án mà việc phân chia không đảm bảo các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa, trừ trường hợp phân chia quyền sử dụng đất của hộ gia đình hoặc của vợ chồng khi ly hôn theo bản án hoặc quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật”.

Đại biểu Thuý nhận định rằng nếu chỉ áp dụng cho 2 trường hợp như dự thảo thì các bản án, quyết định khác không thi hành được. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định như sau: “Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án mà việc phân chia không đảm bảo các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa, trừ trường hợp được quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Toà án”.

Do việc giải quyết tranh chấp bằng bản án, quyết định của Toà án không chỉ là chia đất của hộ gia đình, của vợ chồng khi ly hôn mà còn có nhiều quan hệ tranh chấp khác như tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp phát sinh từ các giao dịch về đất.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu cũng cho biết thêm thực tế thời gian qua có rất nhiều trường hợp Người sử dụng đất được tách thửa theo phán quyết của Toà án nhưng diện tích được sử dụng không đủ diện tích tách thửa theo quy định, tuy họ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng về sau không thực hiện được các giao dịch khác vì không đủ diện tích tối thiểu của 1 thửa đất hoặc không đủ điều kiện về kích thước chiều ngang mặt tiền giáp lộ. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung rõ thêm quy định đối với trường hợp này để tránh trường hợp bị hạn chế quyền của người sử dụng đất.

Thanh Trung

(lược ghi)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục