Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong phiên họp chiều 6.6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh vệ, với 11 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận.
Trong phiên họp, Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh và Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt cho cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phát biểu giải trình làm rõ thêm một số vấn đề của dự thảo luật.
Quốc hội làm việc tại hội trường- Ảnh: ĐCSVN |
Về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9, các đại biểu thống nhất quy định dự thảo luật tại Điểm 5, Điều 9 có quy định hành vi cấm làm giả, mua, bán, sử dụng trái phép các loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ.
Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm là “hủy hoại hoặc làm sai lệch các loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ”. Để hoàn chỉnh lại Điểm 5, Điều 9, đại biểu đề nghị nên viết lại là: “Làm giả, mua, bán, sử dụng trái phép, hủy hoại hoặc làm sai lệch các loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ”, sẽ đầy đủ ý này hơn.
Về đối tượng cảnh vệ, Điều 10, các đại biểu cho rằng dự thảo luật chỉ quy định chung về đối tượng cảnh vệ, không quy định riêng và cũng không giao cho Chính phủ hay Bộ Quốc phòng quy định về đối tượng cảnh vệ do quân đội bảo vệ.
Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối tượng cảnh vệ do quân đội bảo vệ hoặc giao cho Chính phủ hay Bộ Quốc phòng quy định cụ thể đối tượng cảnh vệ do quân đội bảo vệ để thống nhất. Đồng thời, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để đảm bảo sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với vị trí, vai trò của Tòa án.
Các đại biểu nhất trí với Khoản 2, Điều 5 của dự thảo quy định nguyên tắc cảnh vệ được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là nguyên tắc cơ bản xuyên suốt đối với lực lượng cảnh vệ, quy định như vậy là xác định tầm quan trọng của công tác cảnh vệ, đồng thời nhằm xây dựng lực lượng cảnh vệ ngày càng tinh nhuệ, chính quy hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ trong mọi tình huống được quy định tại Điều 4 của dự thảo luật.
Đối với chế độ cảnh vệ với người giữ chức vụ tại Điểm c, Khoản 1, Điều 1, có nội dung kiểm nghiệm thức ăn nước uống trước khi sử dụng, có ý kiến đại biểu cho rằng quy định như vậy sẽ khó thực hiện vì sau khi kiểm nghiệm sẽ chưa có kết quả ngay.
Về lực lượng cảnh vệ, các đại biểu nhất trí với dự thảo là không quy định lực lượng cảnh vệ ở các tỉnh/ thành cũng như các quân khu, quân chủng và Bộ Tư lệnh Biên phòng. Khi có đối tượng cảnh vệ hoạt động tại địa phương thì giao Công an và Quân sự cùng các lực lượng khác cùng phối hợp tham gia bảo vệ là phù hợp.
Điều 21 về sử dụng vũ khí trang bị khi thi hành nhiệm vụ, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định rõ hơn về hành vi tấn công trực tiếp đối với đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ để có cơ sở vô hiệu hóa đối tượng vi phạm. Quy định như vậy cũng là tránh tình trạng lạm dụng trong việc nổ súng hoặc người làm nhiệm vụ cảnh vệ do dự khi xử lý tình huống có thể ảnh hưởng tới sự an toàn cho đối tượng cảnh vệ.
Về huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ, các đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa nói rõ trường hợp nào là cấp bách, thực tế sẽ rất khó hiểu dẫn đến những cách hiểu thiếu thống nhất, thậm chí có thể không chặt chẽ, tùy tiện, do đó, đại biểu đề nghị giao cho Chính phủ hướng dẫn rõ.
Các đại biểu cũng đồng tình với việc có chế độ, chính sách ưu đãi và phụ cấp đặc thù, trợ cấp hỗ trợ đối với lực lượng cảnh vệ cho tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ như nội dung Điều 23 của dự thảo luật.
Hôm nay (7.6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và Dự án Luật thủy sản (sửa đổi).
Kim Chi