Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đề nghị giãn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp, người dân
Thứ hai: 21:18 ngày 11/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 11.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tây Ninh có buổi làm việc với các sở, ngành trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu ý kiến .

Đến dự có các ĐBQH Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh, Huỳnh Thanh Phương- Bí thư huyện uỷ Gò Dầu và Trần Hữu Hậu- hội viên Hội Luật gia tỉnh. 

Xem xét giảm giá điện, kích cầu sản xuất

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu: một năm qua nhờ có hệ thống năng lượng mặt trời, nguồn điện dư thừa nhưng giá điện không giảm. Ông Xuân đề nghị ngành Điện giảm giá để kích cầu sản xuất, tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm ra sản phẩm có giá thành thấp hơn, tiết kiệm được nhiên liệu thay vì cắt bỏ số điện dư gây lãng phí. 

Bên cạnh đó, cần đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống dịch để có những hướng xử lý tốt hơn trong tình hình phải sống chung với dịch, không gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại nghiêm trọng, ông Xuân đề nghị Quốc hội có ý kiến với Nhà nước, Ngân hàng tiến hành giãn nợ, khoanh nợ, đồng thời giảm lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân duy trì sản xuất.

Với vai trò là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng, hiện nay chính sách ưu đãi trong ngành Nông nghiệp chưa thật sự nhất quán. Ví dụ, có quy định ưu đãi cơ sở đất đai cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nhưng không thể giao đất vì có những quy định pháp luật khác có thể dẫn tới quy trách nhiệm người giao đất.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cần sửa đổi Luật, Nghị định hoặc có cơ chế tốt hơn khi phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng. “Hiện nay, khi phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp, địa phương chỉ xử lý được đối với đại lý bán hàng mà không thể đề nghị xử phạt đối với doanh nghiệp sản xuất ra hàng giả, hàng kém chất lượng. Như vậy không xử lý được tận gốc, không đủ tính răn đe đối với doanh nghiệp đó", ông Nguyễn Đình Xuân nêu ý kiến. 

Về việc quản lý hồ Dầu Tiếng, người đứng đầu ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị Trung ương xem xét quy định quản lý thống nhất đối với các tỉnh có liên quan. Cụ thể, hiện nay, Tây Ninh không cho nuôi cá lồng bè trên hồ, trong khi tỉnh Bình Dương, Bình Phước cho phép nuôi. Do đó, cần có sự nhất quán, nếu được phép nuôi, phải quy định cụ thể quy mô nuôi như thế nào.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những ý kiến của các sở, ngành.

Nhiều ý kiến liên quan đến kinh tế

Ông Trương Trúc Phương – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng đề nghị xem xét khó khăn, vướng mắc của địa phương đối với cơ chế trích 70% nguồn thu từ kết dư ngân sách địa phương năm trước để dành nguồn cải cách tiền lương. Theo ông Phương, khi thực hiện cơ chế này, địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là cấp ngân sách huyện, xã.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong điều hành, quản lý và sử dụng ngân sách, lãnh đạo Sở Tài chính kiến nghị Quốc hội xem xét không xác định nguồn thu từ kết dư ngân sách địa phương năm trước vào tổng nguồn thu cân đối ngân sách địa phương để xác định số tăng thu thực hiện so dự toán trích 70% dành nguồn cải cách tiền lương. 

Phó Giám đốc Sở Tài chính còn phản ánh đến Quốc hội việc những trụ sở ngành dọc thuộc quyền Trung ương sắp xếp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị đã được cấp đất xây mới trụ sở, nhưng trụ sở cũ vẫn chưa được bộ, ngành Trung ương phối hợp bàn giao theo yêu cầu của địa phương để có hướng quản lý, sử dụng, gây lãng phí về cơ sở vật chất.

Liên quan đến công tác đầu tư, ông Nguyễn Kiên Cường- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Quốc hội xem xét vướng mắc liên quan đến khó khăn trong việc quản lý doanh nghiệp có thực hiện dự án nói chung, dự án được thực hiện trong khu vực biên giới, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nói riêng; vướng mắc trong việc góp ý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); vướng mắc đối với dự án đầu tư kinh doanh.

Cụ thể, trường hợp dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án trên như thế nào, có thực hiện tương tự như trình tự chấp thuận chủ trương đồng thời công nhận nhà đầu tư thẩm quyền của UBND tỉnh… 

Kết luận hội nghị, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái ghi nhận những ý kiến đóng góp của các sở, ngành. Mong rằng trong thời gian tới, lãnh đạo các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, phát hiện thêm thông tin, vấn đề còn tồn tại để kịp thời kiến nghị, điều chỉnh, bổ sung, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật và việc điều hành của địa phương hiệu lực, hiệu quả hơn.

Ngọc Diêu

Tin liên quan