Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tôi tán thành phương án 2 là bổ sung 1 ngày người lao động được nghỉ việc hưởng nguyên lương và chọn Ngày Gia đình Việt Nam là 28 tháng 6 dương lịch. Đại biểu Đào Tú Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) nêu ý kiến, khi tiến hành thảo luận về ngày nghỉ lễ, Tết quy định tại Điều 112 dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo đại biểu Đào Tú Hoa: Việc tăng thêm ngày nghỉ lễ giúp cho người lao động vừa được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và đóng góp, kích thích các ngành dịch vụ phát triển.
Đại biểu Đào Tú Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận.
Thứ hai, số ngày nghỉ ở Việt Nam so với thế giới ở mức khá thấp. Campuchia là 28 ngày, Trung Quốc là 21 ngày và Philippin 19 ngày.
Thứ ba, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, địa hình đất nước ta lại trải dài theo hình chữ S.
Thứ tư, khoảng thời gian nghỉ lễ từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5, đến dịp nghỉ lễ Quốc khánh ngày 2 tháng 9 chưa có ngày nghỉ lễ được hưởng nguyên lương.
Thứ năm, Ngày Gia đình Việt Nam là ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau hơn, hiểu giá trị mái ấm, vượt qua khó khăn để có gia đình hạnh phúc, cũng là ngày tôn vinh những giá trị gia đình, giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa của cha ông ta.
Với những lý do trên, đại biểu Đào Tú Hoa đề xuất bổ sung 1 ngày người lao động được nghỉ việc hưởng nguyên lương và chọn Ngày Gia đình Việt Nam là 28 tháng 6 dương lịch.
Bày tỏ quan điểm về tăng khung thoả thuận làm thêm giờ quy định tại Điều 107 dự thảo Bộ luật Lao động, đại biểu Đào Tú Hoa tán thành với phương án 2 - nâng khung thỏa thuận làm thêm giờ theo đề xuất của Chính phủ.
Lý giải về điều này, đại biểu Đào Tú Hoa cho rằng, việc mở rộng khung làm thêm giờ trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, khi nền kinh tế Việt Nam mới chỉ là nền kinh tế đang phát triển, năng suất, chất lượng nguồn lao động chưa cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Việc mở rộng khung làm thêm giờ không chỉ xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế mà còn là nhu cầu của người lao động để tăng thu nhập.
Với phương án này có thể thấy rõ tác động về sức khoẻ, tinh thần của người lao động, nhưng Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động và việc tăng giờ làm thêm chỉ được áp dụng đối với một số ngành nghề và trong trường hợp đặc biệt, không phải tăng ở tất cả các ngành nghề.
Ví dụ, như sản xuất gia công xuất khẩu là hàng dệt may, da giày, linh kiện điện tử, điện, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, các trường hợp cấp bách hoặc do yếu tố khách quan, nhất là nguyên tắc mở rộng khung thoả thuận làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động. Tiền lương làm thêm giờ phải được tính luỹ tiến.
“Theo báo cáo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế thì 99% hợp đồng được ký để làm thêm giờ có sự thoả thuận thống nhất của người lao động. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị Chính phủ có quy định đảm bảo thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng giờ làm thêm.
Chính phủ cũng cần tiếp tục nghiên cứu để hướng tới xu hướng tiến bộ tăng lương, giảm giờ làm, khi kinh tế Việt Nam phát triển hơn, năng suất lao động cao thì có phương án giảm giờ làm phù hợp”, đại biểu Đào Tú Hoa kiến nghị.
Nguồn laodongthudo