Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hằng năm, cứ đến ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch, người dân xã Phước Lưu (Trảng Bàng) và các vùng lân cận tập trung về đình Phước Lưu dự lễ Kỳ yên.
Ðược biết, đình thờ thần Cao Hữu Bằng (Cao Hữu Dụ), nhưng Ban quản lý đình không còn lưu giữ được tiểu sử của vị thần đình này. Theo đề nghị của Ban quản lý đình, Phòng Văn hoá và Thông tin (VH-TT) huyện Trảng Bàng đã liên hệ với nhà nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa Nguyễn Ðắc Xuân giúp đỡ.
Chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng, Phòng VH-TT Trảng Bàng và Ban quản lý đình Phước Lưu đã nhận được tập tư liệu quý do ông Nguyễn Ðắc Xuân hiến tặng, gửi qua đường bưu điện.
Theo Ban quản lý đình Phước Lưu, làng Phước Lưu (nay là xã Phước Lưu) do ông Cao Hữu Bằng (Cao Hữu Dụ) thành lập vào năm 1845. Ðể ghi nhớ công đức người lập làng, vào năm 1870, người dân ở đây chung tay góp sức xây dựng ngôi đình.
Lúc mới xây dựng, ngôi đình toạ lạc tại khu vực Bàu Ông (thuộc ấp Phước Tân). Thấy địa thế ở khu vực này không phù hợp, dân làng thống nhất và kiến nghị chính quyền di dời đình đến khu vực Bàu Tháp, cách địa điểm cũ khoảng 1km (cũng thuộc ấp Phước Tân).
Sau đó, dân làng lại di dời đình ra bìa khu dân cư, nơi tiếp giáp với cánh đồng ruộng (cũng thuộc địa bàn ấp Phước Tân) cho đến ngày nay. Trong chiến tranh, ngôi đình bị bom đạn làm hư hại một phần.
Sau ngày miền Nam giải phóng, người dân xã Phước Lưu chung tay góp sức sửa chữa, trùng tu lại ngôi đình. Hiện, đình toạ lạc trên khuôn viên rộng 40 cao đất (4.000m2), quay cửa ra cánh đồng ruộng rộng lớn.
Ðình có 3 gian, gồm chánh điện, võ ca và nhà hậu. Hai gian chánh điện và võ ca được lợp ngói, còn gian nhà hậu được lợp tôn. Trong gian chánh điện, ngoài nơi tôn nghiêm thờ thần, ở hai bên có các bàn thờ tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền, tiên sư và bàn thờ các vị tiền bối có công lập đình...
Ở đình còn có bàn thờ và bản danh sách liệt sĩ của xã. Sân đình khá rộng, ở hai bên có xây hai cái miếu là miếu Cô và miếu Cậu, ở giữa hai miếu là bàn thờ Ông Hổ và Thần Nông...
Ông Nguyễn Văn Rất- Trưởng phòng VH-TT Trảng Bàng cho biết, qua kiến nghị của Ban quản lý đình Phước Lưu, cuối tháng 5.2018, lãnh đạo Phòng VH-TT có công văn gửi đến nhà nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa Nguyễn Ðắc Xuân, nhờ ông giúp đỡ cho dân làng Phước Lưu biết và hiểu rõ hơn về di tích đình làng của mình.
Chỉ chưa đầy một tháng sau, Phòng VH-TT đã nhận được tập tư liệu quý về tiểu sử của vị thần đình Phước Lưu cả bằng chữ Hán và bản dịch chữ quốc ngữ do ông Nguyễn Ðắc Xuân sao chép từ bản gốc của triều Nguyễn.
Theo bản dịch nguyên bản Liệt truyện và bản tóm lược của ông Nguyễn Ðắc Xuân gửi cho đình Phước Lưu, ông Cao Hữu Bằng (1799-1859), nguyên tên Dực, người làng Thế Chí, huyện Quảng Ðiền (nay là huyện Phong Ðiền), tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông vốn thông minh nhanh nhẹn, thi đỗ cử nhân khoa Ất Dậu, năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837), khi được thăng hàm Thị lang bộ Binh sung Hiệp tán ở Trấn Tây.
Lúc này ông sớ điều trần các việc: “1. Xin trích lính thú đến Hải Tây để khai khẩn ruộng đất mầu mở; 2. Chiêu mộ dân phiêu tán sáu tỉnh thành làng ấp; 3. Cho quan địa phương thành trấn chọn đặt người đầu mục phụ trách việc binh dân”.
Các việc này đều được vua Minh Mạng phê chuẩn. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), giặc cướp nổi lên khắp xứ, binh lính lại bỏ trốn, ông bị giáng chức làm Viên ngoại bộ Binh, vẫn sung Hiệp tán. Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), quân triều đình phải rút bỏ Trấn Tây, ông được chuyển làm quyền Bố chánh An Giang.
Sau đó, ông được phục hàm Viên ngoại lang, rồi đổi về Gia Ðịnh (1843). Vào năm 1844, ông được thăng làm Tuyên phủ sứ Tây Ninh. Ông luôn theo chủ trương mộ dân lập ấp, cấp cho họ trâu cày, nông cụ để khai hoang ổn định đời sống.
Năm Tự Ðức thứ 2 (1849), ông được triệu về kinh sung làm Nội tán trong lễ tấn phong và làm việc ở bộ Hình, một thời gian sau, ông lại được đổi vào làm Tuần phủ Hà Tiên. Ông hết lòng tìm và tiến cử người tài ra giúp nước; giải quyết những mắc mớ ngoại giao với Cao Miên, nên nhiều lần ông được vua ban thưởng.
Năm Tự Ðức thứ 5 (tháng 9.1852) vua gọi về kinh chầu hầu, rồi thăng làm Tổng đốc An Hà (1853). Lúc ấy, ông Nguyễn Tri Phương làm Kinh lược sứ Nam Kỳ, khảo sát quan chức và xếp ông Cao Hữu Bằng vào loại “được dân tin phục, đứng đầu hàng đại viên ở địa phương 6 tỉnh”. Tháng 7 năm Tự Ðức thứ 12 (1859), ông lâm bệnh và qua đời. Ông là vị quan thanh liêm, biết lo cho quốc kế dân sinh.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Dựng, Trưởng Ban quản lý đình Phước Lưu có đơn đề nghị ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di tích đình Phước Lưu để xem xét xếp hạng.
T.L