Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chính sách lương hưu vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm công bằng cho những người tham gia BHXH
Theo BHXH Việt Nam, hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Từ ngày 1-7 vừa qua lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh tăng theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP, ngày 29-6-2023 của Chính phủ. Theo đó, tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng; tăng thêm 20,8% với người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng chưa được tăng lương từ ngày 1-1-2022.
Bảo đảm không quá chênh lệch
Ngoài ra, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1-1-1995 có mức hưởng thấp hơn 3 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng trở xuống và tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng đến dưới 3 triệu đồng/tháng.
BHXH Việt Nam cho biết tính đến tháng 4-2023, cả nước có 471 trường hợp nhận lương hưu hưởng từ 20 triệu đồng/tháng trở lên. Trong đó, có 382 trường hợp lương hưu từ 20-30 triệu đồng/tháng, có 80 trường hợp nhận lương hưu từ 30-50 triệu đồng/tháng, 9 trường hợp có lương hưu từ 50 triệu đồng/tháng trở lên. Hiện nay người hưởng lương hưu cao nhất cả nước là ông P.P.N.T ở TP HCM với hơn 124 triệu đồng/tháng.
"Để nhận được mức lương hưu như hiện tại, ông T. đã có trên 23 năm đóng BHXH, trong đó, giai đoạn trước năm 2007 khi quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo mức lương thực tế (số tiền đóng BHXH không bị giới hạn mức trần), mức đóng BHXH của ông T. rất cao. Có những thời điểm, mức tiền lương đóng BHXH bình quân của ông T. là hơn 200 triệu đồng/tháng" - BHXH Việt Nam giải thích.
Nhân viên bưu điện chi trả lương hưu tại nhà cho người cao tuổi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo BHXH Việt Nam, từ năm 2007, tiền lương tính đóng BHXH chỉ được tính tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở, khoảng 36 triệu đồng/tháng (lương cơ sở hiện là 1,8 triệu đồng) thì mức hưởng lương hưu tối đa sẽ không còn người hưởng hàng trăm triệu mỗi tháng. Như vậy, mức hưởng lương cao nhất chỉ dao động hơn 20 triệu đồng/tháng. Việc quy định mức trần đóng BHXH trên nhằm bảo đảm mức lương hưu không quá chênh lệch giữa những người hưởng, giữa nhóm làm việc trong hoặc ngoài khu vực nhà nước, các lần tăng lương hưu cũng công bằng hơn.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết quy định về mức trần lương tính đóng BHXH cơ bản sẽ tạo ra mặt bằng chung với khoảng cách không quá lớn giữa những người nhận lương hưu và khi tham gia mức tối đa trong thời gian dài vẫn bảo đảm có lương hưu cao. Trường hợp nếu người lao động (NLĐ) muốn lương hưu cao hơn có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện đã được áp dụng song hành với quy định về trần lương tính đóng BHXH cơ bản.
Sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH
Theo quy định hiện nay, nếu NLĐ tham gia BHXH đủ 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ, khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng 75% lương mỗi tháng. Tỉ lệ hưởng này khá cao, song vẫn có nhiều trường hợp NLĐ sẽ có mức hưởng lương thấp khi về hưu.
Hiện mức lương hưu thấp nhất tập trung vào nhóm những người nông dân ở Nghệ An tham gia chương trình thí điểm đóng BHXH cho nông dân. Khi nghỉ hưu, do có thời gian đóng ngắn, mức đóng BHXH hằng tháng thấp (có thời điểm chỉ là 10.000 đồng/tháng) nên các trường hợp này có mức hưởng lương hưu thấp.
Ngoài ra, cán bộ xã không chuyên trách cũng thuộc nhóm đối tượng có lương hưu thấp. Nhóm này có mức đóng BHXH chỉ bằng mức lương cơ sở, thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu ngắn (từ đủ 15 năm đến 20 năm). Trong khi đó, đối với người tham gia BHXH bắt buộc, nhiều doanh nghiệp "lách luật" và đóng BHXH cho NLĐ không đúng với mức tiền lương, thu nhập thực tế của NLĐ.
Tại một số đơn vị, thu nhập để làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ luôn ở mức thấp nhất, dẫn đến mức hưởng bình quân của NLĐ sẽ thấp khi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, nhiều NLĐ đóng BHXH bắt buộc do còn thiếu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu đã lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng hoặc một lần cho thời gian còn thiếu ở mức thấp, nên mức hưởng lương hưu của họ cũng sẽ thấp theo.
Một chuyên gia an sinh xã hội cho rằng với mức lương hưu thấp cũng đồng nghĩa đời sống của nhiều NLĐ rất khó khăn, thậm chí rất chật vật với đồng lương khi về hưu. "Rõ ràng chính sách BHXH về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với NLĐ nghỉ hưởng chế độ hưu trí như hiện nay vẫn chưa tiệm cận, chưa sát với thực tế của cuộc sống. Thực tế nhiều người đóng BHXH 30 năm, lương hưu chỉ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống" - chuyên gia này nói.
Để bảo đảm đời sống của nhiều NLĐ sau khi về hưu, hằng năm Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh, tăng trợ cấp BHXH hằng tháng để NLĐ nghỉ hưởng chế độ hưu trí bớt khó khăn, bớt chật vật hơn trong cuộc sống. Vừa qua, BHXH Việt Nam cũng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án khi sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm: mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Truy lĩnh phần chênh lệch trong tháng 9
BHXH Việt Nam cho biết trong thời gian chờ Nghị định số 42 có hiệu lực và có hướng dẫn thực hiện, kỳ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 7 và tháng 8-2023, cơ quan BHXH thực hiện chi trả theo mức hưởng tháng 6-2023. Tại kỳ chi trả của tháng 9-2023, người hưởng sẽ được chi trả mức hưởng mới và truy lĩnh phần chênh lệch tăng thêm của tháng 7 và tháng 8-2023.
Nguồn NLDO