Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Để những ngày hè không thành nỗi ám ảnh
Thứ hai: 11:04 ngày 05/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Con chuồn chuồn nước, ôi con chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao. Ôi chú chuồn chuồn nước. Ôi chao mới đẹp làm sao”. Những dòng chữ nguệch ngoạc ấy được tìm thấy từ cuốn vở học trò của một trong bốn cháu nhỏ vừa ra đi vì đuối nước.


Khu vực bến Đồn của dòng sông Kút (thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn), nơi bốn ông cháu chết đuối thương tâm - Ảnh: THÁI THỊNH

Như dự cảm điềm chẳng lành, dòng chữ được viết nắn nót bằng mực bút bi khựng lại: “Ôi chao, chú chuồn chuồn nước. Ôi chao...”.

Chiều tối 2-6, khu xóm nghèo của những người dân trồng cà phê ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai (Gia Lai) bàng hoàng trước hung tin bốn đứa trẻmới học tiểu học, trong lúc cha mẹ vắng nhà đã ra hồ nước tưới cà phê rồi sẩy chân. Bốn mạng người tắt lịm khi còn 
quá nhỏ.

Xã Ia Sao của huyện Ia Grai là vùng trồng cà phê lớn của Gia Lai. Cũng như ở những nơi khác trên Tây Nguyên, để có nước tưới, các hộ gia đình trồng cà phê phải tự đào một hố nước càng rộng, càng sâu càng có nước nhiều.

Chúng được đào giữa vườn, hầu hết chẳng ai rào chắn, người ta cũng chẳng bận tâm đến chuyện rào chắn bởi hồ nước cách xa nhà, ít ai ghé tới, chỉ khi cần tưới cà phê mới có người thăm nom.

Và như thế những hồ nước ấy vô tình trở thành những cái bẫy chết người, im lìm chực chờ những cú sa chân của con trẻ.

Khi bốn đứa trẻ ở thôn Tân Lập chết tức tưởi trong một buổi chiều những ngày đầu của kỳ nghỉ hè, người dân ở thôn mới kéo nhau ra cái hồ mà các hộ dân đã tự đào đắp.

Rồi người ta chua chát khi tự nhẩm tính với nhau rằng chỉ trong vòng mấy năm, đã có ít nhất 8 đứa trẻ chết oan từ cái hồ nước vốn lặng lẽ và ít thấy vẻ gì hiểm nguy này.

Tất cả đều có cùng một kịch bản: các cháu được nghỉ hè rồi ban ngày khi cha mẹ lo đi làm hoặc giữa trưa không có người trông nom, chúng kéo nhau ra hồ bắt chuồn chuồn, có cháu nhảy xuống tắm vì nghĩ hồ nông. Rồi chết. Những cái chết lặng lẽ gây đau đớn khôn nguôi cho người ở lại.

Nhiều nơi ở Tây Nguyên, trẻ con gần như tự lớn lên, tự đi học rồi tự... tồn tại, tự thoát qua mọi hiểm nguy như bản năng sinh tồn mà mỗi đứa trẻ lớn lên trong điều kiện ấy phải có để trưởng thành.

Khi mà cái ăn hằng ngày còn chật vật và nặng gánh các bậc làm cha làm mẹ thì nhiệm vụ coi sóc, chăm nom con cái hầu hết được phó mặc cho thầy cô lúc các cháu đi học ở trường.

Trong khi đó ngoại trừ một số ít trường có điều kiện dạy kỹ năng thoát hiểm cho học sinh, thầy cô giáo ở các trường vùng nông thôn phải mướt mồ hôi đánh vật với kiến thức trên sách vở mà chưa thể có điều kiện, thời gian, phương tiện để dạy kỹ năng bơi lội, sinh tồn cho học sinh.

Và rồi những đứa trẻ ấy ngoài giờ học chữ trên lớp, thời gian từ cánh cổng nhà trường trở về các em phải tự “bơi” đúng nghĩa và việc những đứa trẻ ấy thoát hiểm khi đuối nước chỉ có thể trông chờ vào... may mắn.

Bài tập viết về “chú chuồn chuồn nước” của cậu học trò ở Ia Grai mãi dang dở. Tựa như chú chuồn chuồn nước của cậu học trò chẳng thể cất cánh khỏi mặt hồ, khi đôi cánh yếu ớt đã ướt sũng. Chú chuồn chuồn ấy - cũng giống như cậu bé ở miền quê nghèo - vốn chẳng biết bơi...

Mùa hè luôn là khoảng thời gian đẹp đẽ và nhiều kỷ niệm đối với con trẻ, nhưng những cái chết vì đuối nước dồn dập những ngày hè, được lặp đi lặp lại như một chu kỳ đầy ám ảnh hằng năm liệu đã đủ thức tỉnh mỗi người lớn chúng ta?

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục