Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thay đổi cách đánh giá học sinh phổ thông:
Để tương thích với chương trình mới
Thứ sáu: 14:16 ngày 27/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau thời gian ban hành dự thảo để lấy ý kiến cơ sở, Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Thông tư 22 năm 2021 quy định đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Quy định mới có gì đáng chú ý và vì sao phải thay đổi, điều chỉnh?

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

ÁP DỤNG THEO LỘ TRÌNH

Thông tư 22 quy định về đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh THCS và học sinh THPT bao gồm: đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh, sử dụng kết quả đánh giá, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thông tư 22 áp dụng đối với trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.

Điều 5 của Thông tư 22 quy định hai hình thức đánh giá học sinh, gồm nhận xét và cho điểm. Cụ thể, đánh giá bằng nhận xét là cách thức giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh. Giáo viên nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế của học sinh trong quá trình rèn luyện, học tập. Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân. Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh. Đánh giá bằng nhận xét kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ phù hợp với đặc thù của môn học.

Đánh giá bằng điểm số là cách thức giáo viên dùng điểm số để đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh. Đánh giá bằng điểm số được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.

Theo quy định, các môn học giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được đánh giá bằng nhận xét theo một trong hai mức là đạt, chưa đạt. Các môn học còn lại áp dụng hình thức đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số.

Kết quả học tập trong từng học kỳ, cả năm học theo quy định trong Thông tư 22 thì, đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, điểm trung bình môn học kỳ được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ. Điểm trung bình môn cả năm được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học sinh trong cả năm học. Kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo một trong bốn mức là tốt, khá, đạt, chưa đạt.

Trong đó, để được đánh giá ở mức tốt, học sinh phải hội đủ điều kiện: tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức đạt; tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình học kỳ, trung bình môn cả năm học từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, trung bình môn cả năm học đạt từ 8,0 điểm trở lên. Ba mức độ còn lại gồm khá, đạt, chưa đạt giảm dần theo từng tiêu chí, điều kiện.

Thông tư 22 quy định đánh giá học sinh được miễn học phần thực hành môn giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh đối với học sinh thể lực yếu, khuyết tật, bệnh mãn tính.

Điều 15 của Thông tư 22 quy định về khen thưởng. Theo đó, khen thưởng danh hiệu "Học sinh xuất sắc" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt và có ít nhất sáu môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên. Khen thưởng danh hiệu "Học sinh giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt. Khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Thông tư 22 có hiệu lực thi hành từ ngày 5.9.2021 và thực hiện theo lộ trình sau: Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6, năm học 2022-2023 đối với lớp 7, lớp 10, năm học 2023-2024 đối với lớp 8, lớp 11, năm học 2024-2025 đối với lớp 9, lớp 12.

 

CÓ GÌ KHÁC?

Sau khi Thông tư 22 được công bố rộng rãi, nhiều ý kiến trong ngành giáo dục chỉ ra một số thay đổi của thông tư này so với Thông tư 58. Cụ thể, Thông tư 22 quy định cho phép cha mẹ học sinh có quyền tham gia đánh giá kết quả học tập của con em mình đối với những môn học đánh giá bằng hình thức nhận xét. Học sinh được kiểm tra đánh giá nhiều lần sau đó được lựa chọn để lấy điểm cho phù hợp. Điều 6 của Thông tư quy định: “Đối với một môn học, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học theo kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, ghi kết quả đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định”. Điều này có thể hiểu, học sinh có cơ hội được lựa chọn kết quả học tập của mình để thay thế cho những lần làm bài kém.

Làm bài kiểm tra trên máy tính cũng là một điểm mới, điều này nhằm thích ứng với điều kiện học trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh. Thông tư 22 cũng thay đổi khái niệm, tên gọi, định danh về xếp loại học sinh. Theo quy định trong Thông tư 58 năm 2011, học lực của học sinh được xếp thành 5 loại, gồm giỏi, khá, trung bình, yếu và kém, Nay, Thông tư 22 quy định xếp loại học sinh chỉ còn bốn mức, đồng thời thay đổi tên gọi, cụ thể gồm tốt, khá, đạt và chưa đạt. Thông tư 22 bãi bỏ điều kiện muốn được công nhận học sinh giỏi của năm học thì ba môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh phải đạt điểm trung bình cả năm từ 6.5 điểm trở lên.

Thông tư 22 bỏ điểm trung bình các môn học, thay vào đó là căn cứ vào 6 môn tính điểm (đánh giá bằng điểm số) để làm căn cứ xếp loại học sinh. Như vậy, cách tính tổng điểm trung bình các môn học, cộng lại chia ra thành kết quả cả năm học, duy trì hàng chục năm, nay chính thức được thay thế. Đây là một trong những thay đổi lớn, đáng chú ý nhất trong khâu xếp loại, đánh giá học lực của học sinh.

Một điểm mới đáng ghi nhận, Thông tư 22 quy định, khi xếp loại học sinh ở mức đạt thì có nhiều nhất một môn nhận xét chưa đạt, tức là học sinh dù có một môn chưa đạt vẫn lên lớp, trước đây môn nào cũng phải đạt. Thông tư 22 cho phép học sinh được nghỉ tối đa 45 buổi trong một năm học, nếu nghỉ quá số buổi này, không được lên lớp. Trong khi đó, Thông tư 58 cho phép học sinh được nghỉ tối đa không quá 45 ngày. “Thông tư 22 không dùng khái niệm học lực, hạnh kiểm nữa, thay vào đó là kết quả học tập và rèn luyện. Việc rèn luyện, có một điểm mới, đó là khi đánh giá học sinh, giáo viên căn cứ vào mục tiêu của giáo dục, trong đó có giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc đánh giá đối với những môn nhận xét (không chấm điểm) có sự tham gia của giáo viên bộ môn, tổ chức đoàn thanh niên, đội thiếu niên, phản hồi của cha mẹ học sinh” - một giáo viên cấp THCS nhận xét những điểm mới của Thông tư 22. “Tôi nhận thấy, Thông tư 22 có điểm tiến bộ, nhân văn hơn, đó là, khuyến khích giáo viên ghi nhận sự cố gắng của học sinh theo thời gian một cách linh hoạt hơn, không cứng nhắc, đóng khung thời gian cố định như trong Thông tư 58. Tuy nhiên, đối với những môn học đánh giá bằng điểm số thì không nên yêu cầu ghi nhận xét, vì điểm số đã nói lên tất cả, do vậy, yêu cầu ghi nhận xét trở nên thừa thãi, không cần thiết, lại còn mất thời gian. Mỗi lớp học 40 - 45 em, nếu dạy 5 lớp, ghi nhận xét...liệt tay. Tôi cũng cho rằng cách thức, hình thức xếp loại, đánh giá theo quy định mới có phần nới lỏng, dễ hơn Thông tư 58. Lý do, Thông tư 58 căn cứ điểm số để đánh giá học lực của học sinh, tức định lượng được, còn quy định mới có phầm “mềm” hơn nhưng định tính cao hơn” - một giáo viên dạy cấp THPT bình luận về những thay đổi trong Thông tư 22.

Tới đây, khi năm học 2021 - 2022 bắt đầu, việc áp dụng sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí bất cập nảy sinh từ Thông tư 22. Nhưng ở thời điểm hiện tại, có thể thấy, việc thay đổi Thông tư 58 bằng Thông tư 22 cũng có phần hợp lý, vì Thông tư 58 ban hành từ năm 2011, có những nội dung không còn phù hợp. Có điều kiện theo dõi thời sự giáo dục hoặc am tường lĩnh vực này sẽ nhận thấy một điều quan trong: việc thay đổi là để tương thích với chương trình giáo dục phổ thông mới, cụ thể hơn, năm học này sẽ áp dụng đối với lớp 6. Sau lớp 6, những quy định mới lần lượt áp dụng cho đến lớp 12. Như vậy, Thông tư 22 không áp dụng đối với học sinh theo học chương trình cũ, tức chương trình năm 2000. Một điểm nữa, việc điều chỉnh, thay đổi còn được tính đến tình huống dịch bệnh, thiên tai kéo dài, hoạt động giáo dục bị gián đoạn. Điều này giải thích vì sao cho phép học sinh làm bài kiểm tra trên máy tính. Về lâu dài, việc làm bài kiểm tra trên máy tính còn được mở rộng hơn, tiến đến tổ chức làm bài các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học qua hệ thống công nghệ thông tin.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục