Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giới thiệu sách
Để viết phóng sự thành công
Thứ sáu: 14:30 ngày 16/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Ðể viết phóng sự thành công”- quyển sách được viết bởi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (NXB TP.Hồ Chí Minh, 2016), có thể xem là một tài liệu mới mà những người làm báo- nhất là các nhà báo trẻ cần có trong hành trang tác nghiệp của mình.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một nhà báo tên tuổi, đặc biệt là ở thể loại phóng sự. Ông sinh năm 1955 tại Bến Tre, là Phó trưởng Ban Nghiệp vụ, giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam..

Sách dày gần 400 trang chia làm 5 phần, trong đó có 3 phần tác giả đi sâu vào tính chất, vị trí, vai trò của phóng sự, kỹ thuật viết phóng sự, phóng sự điều tra. Ðối với những người viết nghiệp dư, đây quả là thể loại không hề đơn giản- mà nếu muốn thành công nhất định phải cần có sự học hỏi, nghiên cứu sâu.

Còn đối với nhà báo chuyên nghiệp, phóng sự cũng không phải dễ dàng, nói như một nhà báo nước ngoài thì: “Phóng sự là một trong những thể loại báo chí được người đọc yêu thích nhất và cũng là một trong những thể loại khó nhất đối với người viết”.

Tác giả “Ðể viết phóng sự thành công” quan niệm rằng: “Phóng sự là một thể tài báo chí, phản ánh những vấn đề có tính thời sự, có ý nghĩa chính trị, xã hội được bạn đọc quan tâm.

Phóng sự có thể viết bằng các bút pháp mang tính văn học, đôi khi là một câu chuyện đã và đang diễn ra. Trong phóng sự có nhân vật và có cái tôi trần thuật. Phóng sự giúp bạn đọc hiểu sâu hơn, rõ hơn sự việc và chia sẻ với tác giả những thông điệp đặt ra trong tác phẩm”.

Trong nội dung quyển sách có đề cập đến một số vấn đề thú vị và hết sức cần thiết cho các nhà báo như quá trình hình thành phóng sự ở Việt  Nam, cái tôi trong phóng sự… Bên cạnh đó là các tài liệu tham khảo quan trọng và tác phẩm đọc thêm có giá trị của các nhà báo Xuân Ba, Vĩnh Quyền, Bình Nguyên, Nguyễn Quang Vinh...

Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hoá Trung ương có ghi trong lời tựa quyển sách: “Một nhà báo lăn lộn trong cuộc sống, tận tuỵ với nghề, có những thành đạt trong thể loại phóng sự mà nói (hoặc giảng) về phóng sự thì thật đáng quý, là tài liệu tham khảo rất bổ ích đối vối các bạn nhà báo mới vào nghề hoặc đang làm nghề”.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng xác định: “Mỗi bài phóng sự không chỉ chứa đựng thông tin mà còn chứa đựng tri thức và tâm hồn của người cầm bút”. Có lẽ các nhà báo cần quan tâm hơn nữa với thể loại này vì: “Nếu không có phóng sự thì thời nay báo viết khó lòng cạnh tranh với báo nói và báo hình”  (G.G Marquez).

PHAN KỶ SỬU

Tin cùng chuyên mục