Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới
Thứ hai: 15:57 ngày 01/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cử tri nhiều địa phương, bộ ngành đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) xe cơ giới, nhất là xe máy nhưng Bộ Tài chính kiên quyết giữ. Trong khi đó, loại hình bảo hiểm này bất cập như: tỷ lệ bồi thường nhỏ giọt, mức chi bồi thường thấp, khoản chi quỹ bảo hiểm xe cơ giới chưa hợp lý.

Doanh thu lớn, chi bồi thường nhỏ giọt

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, bảo hiểm TNDS bắt buộc với xe cơ giới mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, loại hình bảo hiểm này có tỷ lệ bồi thường thấp nhất trong các loại bảo hiểm do thủ tục bồi thường phức tạp. Anh Trịnh Quỳnh (Hà Nội) cho biết, năm 2023, trong lúc đi làm, anh va chạm với một cụ ông đi sang đường. Khi tai nạn xảy ra, anh gọi điện cho tổng đài công ty bảo hiểm, nhân viên dặn giữ nguyên hiện trường, chờ nhân viên tới xác nhận.

“Sau khi xảy ra tai nạn, nhân viên sau cả tiếng đồng hồ mới tới hiện trường trong khi đường đông, tôi phải dẹp xe của mình và người va chạm, đưa người bị nạn vào cấp cứu. Thủ tục bảo hiểm rất nhiều giấy tờ xác minh nên tôi tự bỏ tiền túi đền bù tiền thuốc thang cho nạn nhân, thay vì chờ bảo hiểm”, anh Quỳnh chia sẻ.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe cơ giới năm 2021 gần 3.950 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2022 ở mức 3.221 tỷ đồng và năm 2023 ở mức 4.342 tỷ đồng.

Dù doanh thu không ngừng tăng qua các năm, nhưng tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới rất thấp. Tỷ lệ bồi thường năm 2022 chỉ đạt 17,4%, tương đương 562 tỷ đồng. Tỷ lệ bồi thường năm 2023 ở mức 21,8%, tương ứng 948 tỷ đồng.

Cùng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới nhưng tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm bắt buộc TNDS chỉ bằng 1/3 bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện. Năm 2022, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện ở mức 56,7% và tăng lên mức 62,4% vào năm 2023.

Bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới, nhất là xe máy tiềm ẩn nhiều bất cập (Ảnh minh họa)

Năm 2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội một số địa phương (Bến Tre, Long An, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương) kiến nghị Bộ Tài chính xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy do chưa đảm bảo quyền lợi của người dân. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quy định theo hướng không bắt buộc mua bảo hiểm hoặc quy định thủ tục chi trả bảo hiểm đơn giản nhất để người dân được thuận lợi hơn trong việc hưởng bảo hiểm này.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng phản ánh, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới hiện thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác. Về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí. VCCI đề nghị Bộ Tài chính thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.Việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Tài chính cho biết, số vụ tai nạn giao thông do mô tô 2 bánh, xe gắn máy, xe máy chiếm tỉ trọng khoảng 70% trong tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Hậu quả tai nạn giao thông đã gây thiệt hại với nạn nhân, chủ xe, gây ảnh hưởng chung đến toàn xã hội.

Bộ Tài chính cho biết, đã đơn giản thủ tục bồi thường đối với xe máy tại Nghị định số 67/2023/NĐ-CP, cụ thể cắt giảm thủ tục, quy trình và hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Theo đó, hồ sơ, thủ tục bồi thường đã được cắt giảm 2/5 tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng so với quy định trước đây.

Bất cập chi tiêu quỹ

Một trong những điểm bất cập của bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới nằm ở Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới (Quỹ BHXCG). Quỹ này được trích từ tiền mua bảo hiểm bắt buộc của người dân nhưng việc chi tiêu quỹ tiềm ẩn điểm chưa hợp lý.

Tại Nghị định 67/2023, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe cơ giới sẽ nộp 1% doanh thu phí vào Quỹ BHXCG. Quỹ này thành lập nhằm chi hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra; công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông.

Mức phí nộp bảo hiểm bắt buộc TNDS với xe máy từ 55.000 – 60.000 đồng/xe/năm (tùy theo dung tích xi lanh); ô tô không kinh doanh vận tải từ 437.000 – 1.825.000 đồng/xe/năm (tùy theo số lượng chỗ ngồi); ô tô kinh doanh vận tải từ 756.000 – 4.813.000 đồng/xe/năm (tùy theo số lượng chỗ ngồi).

Theo báo cáo quyết toán Quỹ BHXCG năm 2021, lũy kế đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn của quỹ 449 tỷ đồng. Trong đó, tiền đóng góp từ doanh nghiệp bảo hiểm 385 tỷ đồng, thu từ tiền lãi gửi 63 tỷ đồng, khoản thu khác 120 triệu đồng. Riêng năm 2021, Quỹ BHXCG có tổng nguồn thu 42,7 tỷ đồng (gồm thu từ doanh nghiệp bảo hiểm 32,6 tỷ đồng, lãi tiền gửi 9,99 tỷ đồng).

Trong tổng nguồn thu trên, lũy kế đến cuối năm 2021, Quỹ BHXCG chi 264,8 tỷ đồng. Một trong khoản chi từ Quỹ BHXCG chiếm tỷ trọng khá lớn là chi hỗ trợ khen thưởng cho lực lượng cảnh sát với tổng số tiền lũy kế đến cuối năm 2021 lên tới 44,8 tỷ đồng, riêng năm 2021 chi khoản này đạt 5,5 tỷ đồng.

Các khoản chi khác như: chi đề phòng hạn chế tổn thất 119,4 tỷ đồng; chi tuyên truyền giáo dục 29,3 tỷ đồng. Khoản chi xây dựng cơ sở dữ liệu 43 tỷ đồng. Khoản chi hoạt động hỗ trợ của cơ quan quốc gia Việt Nam thực hiện Chương trình Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới Asean 6,6 tỷ đồng.

Khoản chi thấp nhất của quỹ là chi hỗ trợ nhân đạo với số tiền lũy kế đến cuối năm 2021 chỉ ở mức khiêm tốn 1,33 tỷ đồng, riêng năm 2021, không chi bất cứ đồng nào cho nội dung này. Trong khi đó, đây là một trong những khoản chi góp phần hỗ trợ người tham gia giao thông xe cơ giới không may bị tai nạn.

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục