Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức, ban soạn thảo đang xin ý kiến bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ của Bộ Nội vụ diễn ra chiều 9/5 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: Minh Châu)
Theo ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, trong quá trình soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức, Bộ Nội vụ đã tổng hợp đầy đủ các nội dung còn ý kiến khác nhau, báo cáo Chính phủ và tham mưu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về cơ bản, các nội dung báo cáo đều nhận được sự đồng thuận cao của các cơ quan, cụ thể là các nội dung về đối tượng là công chức, ký hợp đồng xác định thời hạn với viên chức được tuyển dụng mới, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu và bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.
Lý giải về việc đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, ông Nguyễn Tư Long phân tích giáng chức chỉ áp dụng với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngoài giáng chức còn có hình thức kỷ luật cách chức. Với 5 hình thức kỷ luật hiện nay gồm: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc, việc quyết định giáng chức hay cách chức cán bộ có những lúc duy tình. Đáng lẽ phải xử lý mạnh bằng cách chức nhưng vì có hình thức giáng chức nên có hiện tượng giảm nhẹ hình thức kỷ luật.
Bên cạnh đó, việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức như trong dự thảo sẽ tương đương với 4 hình thức kỷ luật của Đảng tạo sự liên thông trong công tác cán bộ. Quan điểm của Bộ Nội vụ và Chính phủ cũng thống nhất là bỏ hình thức kỷ luật giáng chức. Nếu không phải khiển trách, cảnh cáo thì sẽ là hình thức kỷ luật nghiêm khắc cách chức.
Liên quan đến vấn đề công khai các cán bộ có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT 2018, quan điểm của Bộ là nếu cán bộ vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nên không nhất thiết phải công bố. Trường hợp nào công bố phải cân nhắc dựa trên hành vi vi phạm tránh ảnh hưởng quyền nhân thân.
Cho ý kiến về hơn 2.700 cán bộ giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội đứng trước nguy cơ mất việc, Bộ Nội vụ khẳng định việc phân cấp tuyển dụng viên chức là do địa phương toàn quyền quyết định, lựa chọn một trong hai hình thức xét và thi tuyển trên cơ sở bảo đảm mặt bằng chung./.
Nguồn CPV