Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Không phải chuyện bỏ hay giữ
Thứ ba: 23:50 ngày 08/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau thời gian dài học trực tuyến, từ ngày 7.2, Tây Ninh và nhiều tỉnh, thành phố khác đã cho học sinh cấp THCS, THPT đi học trở lại. Ngay lúc này, một thông tin quan trọng, liên quan kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được nêu lên: xem xét bỏ kỳ thi này, thay vào đó bằng hình thức xét tuyển.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Câu chuyện được khởi động bằng văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hải Phòng. Theo đó, cử tri TP. Hải Phòng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, nghiên cứu phương án không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, thay vào đó, thực hiện xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh bằng cách căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện ở trường phổ thông.

Cử tri cho rằng, bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp định hướng phân luồng học sinh ngay từ đầu cấp học. Những học sinh có khả năng, học lực khá, giỏi có nhu cầu và nguyện vọng thì tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, đối với những em không có nhu cầu sẽ đi học nghề phù hợp.

Trước ý kiến nêu trên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT trả lời, vấn đề không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được đặt ra nhiều lần từ nhiều năm trước, ngay cả khi xây dựng Luật Giáo dục năm 2019. Nhìn lại quá trình giáo dục ở bậc phổ thông nước ta hiện nay, chúng ta không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và THCS, chỉ khi hết lớp 12 mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Kết quả của kỳ thi này rất quan trọng, được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau: đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT; chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với mục đích đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ này có thể cao tuỳ theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các trường học, địa phương, tương ứng với điều kiện kinh tế - xã hội và giáo dục của từng vùng miền. Việc phân hoá này có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định, không ngừng nâng cao.

Nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông không học với suy nghĩ không thi, không học. Do đó, việc học sinh phải tham gia kỳ thi cuối cùng khi kết thúc 12 năm học tập ở bậc phổ thông lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả vào nhiều mục tiêu khác nhau là cần thiết. Cùng với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác phân luồng học sinh cấp THPT cũng được Bộ GD&ĐT chú trọng.

Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch và triển khai công tác hướng nghiệp ngay từ đầu cấp học để những học sinh có khả năng, học lực khá, giỏi có nhu cầu và nguyện vọng thì tham dự xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; đối với những học sinh không có nhu cầu thi sẽ lựa chọn học nghề phù hợp.

Phải bảo đảm công bằng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Như có lần đề cập, sự quan tâm lớn nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là tính công bằng, khách quan của kỳ thi này. Một trong những nguyên nhân, yếu tố chính của sự băn khoăn nêu trên, là do ảnh hưởng nghiêm trọng chưa từng thấy bởi đại dịch Covid- 19.

Toàn bộ hoạt động của xã hội gần như bị đảo lộn, trong đó, giáo dục là ngành chịu tổn thương cực lớn. Năm học 2021-2022, hình thức học của học sinh ở nhiều địa phương trong cả nước không giống nhau, có nơi trực tuyến, nơi trực tiếp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, đặc biệt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Nếu như tất cả học sinh đều học một hình thức như nhau, việc ra đề thi chung không có gì phải bàn, như Bộ đã và đang làm từ năm 2015 đến nay.

Tuy nhiên, do dịch bệnh, hàng trăm ngàn học sinh cuối cấp THPT suốt thời gian dài, từ tháng 9.2021 đến nay, mới được đến trường, có nhiều địa phương, học sinh lớp 12 vẫn đang học trực tuyến. Thậm chí, những địa phương mới cho học sinh đi học trực tiếp trở lại cũng chưa có gì bảo đảm học sinh có được “yên ổn” để học đến cuối năm học hay không.

Việc ra đề thi chung, không phân biệt học sinh học trực tuyến hay trực tiếp khiến những học sinh học trực tuyến gặp khó khăn khi làm bài thi và thiệt thòi so với bạn bè được học trực tiếp. Đây là vấn đề được nêu lên nhiều nhất trong thời gian qua.

Theo nguyên tắc, việc Bộ GD&ĐT ra đề thi chung trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là không sai. Thực tế cho thấy, dịch bệnh Covid- 19 khiến hàng trăm ngàn học sinh chưa thể tới trường. Theo lẽ thường, số học sinh này không thể nào đủ kiến thức, học lực để làm bài như những học sinh được học trực tiếp.

Cũng có ý kiến trong giới chuyên môn đặt ngược vấn đề: do dịch bệnh, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, học sinh lớp 12 không thể thi cùng một đợt. Vậy, những học sinh đang học trực tuyến có được ưu ái bằng cách Bộ sẽ cho số này làm đề thi dễ hơn hay không? Nếu được làm đề thi dễ hơn, điều này khó bảo đảm công bằng với những học sinh đang học trực tiếp, trong khi nếu mức độ đề thi khó ngang nhau, phần thiệt thòi lại thuộc về những học sinh đang phải học trực tuyến.

Khi tuyển sinh đại học, cao đẳng, thí sinh nào điểm cao hơn sẽ trúng tuyển, nhà trường không phân biệt thí sinh đó có ở trong vùng dịch bệnh, phải học trực tuyến hay không. Đây rõ ràng là một bài toán khó cho Bộ GD&ĐT và cả trường đại học, cao đẳng.

Một thông tin đáng chú ý khác được lãnh đạo Bộ GD&ĐT công bố trước báo giới: những trường đại học, ngành học có tính cạnh tranh cao có thể chỉ xem kết quả điểm bài thi tốt nghiệp của thí sinh như một tham số để tham khảo. Có nghĩa, ngoài điểm bài làm, nhà trường có thể tổ chức sát hạch, sơ tuyển bằng hình thức khác để tuyển sinh.

Khẳng định kết quả điểm thi THPT quốc gia và thi tốt nghiệp THPT những năm qua là “tin cậy”, tại sao Bộ lại khuyến cáo những trường đại học có tính cạnh tranh cao chỉ xem đó như một kênh tham khảo? Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng đã được ban hành, trong đó có việc đa dạng hoá hình thức tuyển sinh, điều này đáng hoan nghênh.

Nhưng, làm gì, làm như thế nào để bảo đảm kỳ thi công bằng, khách quan còn đáng quan tâm hơn. Không chỉ thuần tuý chuyên môn đề thi khó hay dễ, học trực tuyến làm đề chung hay riêng, bảo đảm một kỳ thi công bằng cho tất cả thí sinh là điều xã hội có quyền đòi hỏi ở các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Thêm một lần, câu chuyện bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT lại được “xới lên” và Bộ GD&ĐT, cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về giáo dục đã khẳng định, không thể, hay ít nhất là chưa thể bỏ kỳ thi này. Một trong những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức kỳ thi này chính là việc kỳ thi đã được quy định trong Luật Giáo dục năm 2019.

Muốn bỏ kỳ thi, phải sửa luật hoặc trong trường hợp cần thiết do xuất hiện tình huống khẩn cấp, Chính phủ hoặc Quốc hội mới đủ thẩm quyền quyết định có tạm thời dừng kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không.

Việt Đông

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh