Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP HCM - Trung Lương dài 2,7 km, tổng đầu tư hơn 1.550 tỷ đồng, được đề xuất chấm dứt hợp đồng BOT sau 5 năm đình trệ.
Nội dung được Sở Giao thông Vận tải nêu trong báo cáo vừa gửi UBND TP HCM về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm, trong đó đề cập hướng giải quyết với hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tại tuyến đường nối nói trên.
Trụ cầu kết nối nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 nằm chơ vơ sau khi đơn vị thi công rút đi. Ảnh: Hữu Công.
Dự án đường nối này được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2010, kinh phí gần 2.400 tỷ đồng. Nhưng do thiếu vốn, tháng 4/2015, UBND TP HCM đề xuất Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư. Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (Công ty Yên Khánh, đơn vị thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương) năm 2016 được TP HCM chọn làm đối tác, vốn đầu tư dự án giảm còn 1.550 tỷ đồng. TP HCM lo phần giải phóng mặt bằng, ước tính 560 tỷ đồng.
Công trình gồm hai đường song hành, mỗi đường một làn xe hỗn hợp và một làn ôtô, xây nút giao hai đầu tuyến. Dự án sau khi hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả đại lộ Võ Văn Kiệt, kỳ vọng giảm ùn tắc trên tuyến quốc lộ 1 - hoàn chỉnh mạng lưới giao thông phía tây nam thành phố, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thỏa thuận, nhà đầu tư tự thu xếp vốn, trong đó vốn chủ sở hữu (vốn góp) gần 15%, vốn vay từ ngân hàng 85%. Khi làm xong công trình, Công ty Yên Khánh được đặt một trạm để thu phí hoàn vốn trong 17 năm 8 tháng. Dự án khi đó tính hoàn thành cuối năm 2017 nhưng mới đạt khoảng 12% khối lượng thì ngưng thi công do đối tác của TP HCM không đủ năng lực.
Công ty Yên Khánh do Đinh Ngọc Hệ - Út "Trọc" (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) thành lập, đưa cháu gái là Vũ Thị Hoan (36 tuổi) làm tổng giám đốc. Ông Hệ đang chịu án chung thân trong vụ án đấu thầu, thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương và một vụ án trước đó. Cùng 2 vụ án tương tự, bà Hoan bị tuyên phạt 14 năm tù. Cơ quan điều tra xác định công ty này không có vốn, lập ra chỉ để ký hợp đồng liên doanh phục vụ mục đích cá nhân, kiếm lời.
Theo Sở Giao thông Vận tải, việc giải quyết hợp đồng BOT tại dự án đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP HCM - Trung Lương liên quan tài chính, đầu tư, tư pháp... UBND TP HCM cần lấy ý kiến chuyên ngành từng lĩnh vực, đánh giá chặt chẽ, toàn diện trong giải quyết. Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất thủ tục tiếp nhận dự án, chấm dứt hợp đồng BOT; xử lý vi phạm nhà đầu tư...
Nguồn VNE