Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đề xuất cơ sở y tế được dùng tài sản công thế chấp vay vốn
Thứ ba: 09:54 ngày 25/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cần quy định về hình thức, phương thức triển khai xã hội hóa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế nhưng không trái với tinh thần của pháp luật về đầu tư công, về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh Như Ý

Cân nhắc bỏ hình thức thuê dịch vụ nhà thuốc

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến xã hội hoá, thu hút nguồn lực đầu tư cho y tế, giá khám bệnh, chữa bệnh...

Về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (Điều 103), theo đại biểu Nhị Hà, khái niệm này chưa có trong các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y tế trước đây và cũng là lần đầu tiên được ghi nhận trong dự thảo luật. Vì vậy, bà Hà đề nghị bổ sung định nghĩa về "cấp chuyên môn kỹ thuật" trong điều khoản giải thích từ ngữ.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị cân nhắc, bổ sung nguyên tắc quy hoạch hệ thống y tế theo 3 cấp chuyên môn phù hợp với việc quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo địa bàn, theo vùng miền. Từ đó phân bổ các cơ sở y tế hợp lý để người dân được tiếp cận các dịch vụ từ sớm, từ xa, được chữa bệnh đúng cấp. Cùng với đó, cũng cần tính toán những quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các cấp và hài hòa về nguồn thu giữa các cấp để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống.

Một nội dung khác được nữ đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội viện dẫn, dự thảo luật quy định Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục kỹ thuật y tế tối thiểu với mỗi cấp khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải cung cấp. Tuy nhiên, muốn nâng cao năng lực chuyên môn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để phê duyệt danh mục kỹ thuật tối đa và khuyến khích việc thực hiện danh mục kỹ thuật vượt cấp.

Về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế (Điều 107), theo đại biểu Nhị Hà, với quy định hiện nay, việc thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là quy trình, thủ tục triển khai. Vì vậy, rất cần quy định về hình thức, phương thức triển khai xã hội hóa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế nhưng không trái với tinh thần của pháp luật về đầu tư công, về quản lý, sử dụng tài sản công.

“Tôi nhất trí với việc quy định cụ thể các hình thức thu hút nguồn lực xã hội tại dự thảo luật. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định về hình thức mà không có cơ chế để thực hiện thì xã hội hóa y tế lại trở thành bài toán không có lời giải”, nhấn mạnh điều này, bà Nhị Hà ví dụ, như hình thức vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, trang thiết bị y tế đã được quy định tại khoản 3 Điều 107 của dự thảo, quy định về vay vốn tại các đơn vị y tế đã có từ lâu. Thế nhưng thực tế lại rất khó triển khai, do vướng mắc trong vấn đề tài sản thế chấp, vấn đề lãi suất, vấn đề vốn đối ứng.

“Tôi cho rằng Quốc hội, Chính phủ có thể xem xét quy định cho phép các cơ sở y tế được sử dụng một phần tài sản công để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng, hoặc vay bằng hình thức tín chấp. Tôi kiến nghị bỏ khoản 4 Điều 107, bổ sung nội dung khoản 5, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế, chính sách, thủ tục thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế với từng hình thức cụ thể”, đại biểu Nhị Hà kiến nghị.

Bên cạnh đó, về hình thức xã hội hóa, nữ đại biểu Quốc hội cho rằng, cần sửa đổi điểm e khoản 3 là tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để bao quát hết hoạt động tài trợ, viện trợ. Đồng thời, cân nhắc bỏ hình thức thuê dịch vụ nhà thuốc để tránh xung đột với các quy định pháp luật về dược.

Thống nhất mức giá, tạo sự công bằng

Về vấn đề chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giá khám bệnh, chữa bệnh (Điều 108), theo đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, đây là nội dung có rất nhiều thay đổi qua các bản dự thảo và cũng là nội dung thu hút sự chờ đợi, quan tâm của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

“Đối với dự thảo lần này, nội dung quy định theo hướng bám sát các nguyên tắc quy định pháp luật chung về giá, không có những quy định mang tính riêng cho lĩnh vực y tế, chưa thể hiện vai trò quản lý nhà nước về giá khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế. Cá nhân tôi cho rằng, những quy định chung của Luật Giá không thể đáp ứng được những tính chất đặc thù của giá khám bệnh, chữa bệnh”, bà Nhị Hà nêu.

Từ phân tích trên, đại biểu kiến nghị sửa đổi khoản 3, Điều 108 theo hướng: Giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước do Bộ Y tế ban hành áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo phương thức đối tác công – tư, do Thủ trưởng đơn vị quyết định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Như vậy, giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế nhà nước sẽ được áp dụng thống nhất, tạo sự công bằng giữa các đơn vị, giữa các đối tượng có cùng thẻ bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi triển khai thực hiện, đồng thời tiết kiệm được chi phí, thời gian và nhân lực khi xây dựng giá khám bệnh, chữa bệnh của đơn vị…”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu.

“Với những phân tích như trên, cần cân nhắc xem xét dự thảo luật theo quy trình 3 kỳ họp để cơ quan soạn thảo có thêm thời gian hoàn thiện, đảm bảo chất lượng, tính ổn định, dài hạn và tính khả thi của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp giữa năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, như vậy vẫn đảm bảo tiến độ ban hành luật”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà.

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục