Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đề xuất công khai vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông
Thứ tư: 19:30 ngày 30/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, Việt Nam cần "công khai thật chi tiết" các vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông và đưa ra toà án quốc tế.

Đăng đàn trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội chiều 30/10, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, Việt Nam cần "công khai thật chi tiết" các vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông để dư luận tiến bộ Việt Nam, trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc biết.

"Các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên quyết, kiên trì xử lý hành vi xâm phạm chủ quyền bằng biện pháp hoà bình không làm giảm đi lòng tham của họ", ông Hiếu nói và cho rằng, Việt Nam cần có thêm biện pháp mới theo nguyên tắc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định là "không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ".

Đại biểu Hiếu nói, nhiều cử tri đã đề nghị đưa vi phạm của Trung Quốc ra toà án quốc tế, không chỉ kiện nước này vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông (xâm phạm bãi Tư Chính), mà phải kiện toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, xây công trình phi pháp, quân sự hoá ở Biển Đông suốt thời gian vừa qua. 

"Chúng ta có chính nghĩa, dư luận quốc tế và ngay cả người dân Trung Quốc sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc", ông Hiếu nói.

Tranh luận với ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám cho rằng Việt Nam đã "thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường có hiệu quả", ông Nguyễn Lân Hiếu nêu thực trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các thành phố lớn thời gian qua đã "báo động đỏ". 

Theo ông, khí thải không phải chỉ từ phương tiện giao thông mà còn nguyên nhân khác, vì vậy, rất cần sự can thiệp chính sách, sự phối hợp của nhiều ban ngành, địa phương. "Khắc phục vấn đề này không thể là cải tạo môi trường đơn lẻ, hay che giấu kết quả quan trắc, xử phạt vi phạm mà cần sự vào cuộc thực sự của cơ quan chức năng", đại biểu nói và cho hay, dù Việt Nam có quỹ bảo vệ môi trường nhưng ông chưa rõ về hoạt động của quỹ này.

Ngoài ra, ông cho rằng hình ảnh người Hà Nội phải xếp hàng đi lấy và mua nước sạch đã lộ ra "sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, còn những khe hở để những kẻ không có lương tâm, luồn lách thu lợi trên sức khoẻ người dân".

Vì vậy, ông đề nghị cơ quan chức năng rà soát văn bản pháp luật đã ký với các công ty cấp nước đã cổ phần hoá để "đảm bảo nguồn nước trên phạm vi cả nước".

Ông cũng nêu thực trạng các dự án "xẻ núi, phá rừng" đang diễn ra, song một bộ phận những người có trách nhiệm thì cho rằng "môi trường là cái gì đó rất chung chung, không chết ngay đâu mà sợ".

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý thì nhận xét, qua một số sự cố xảy ra, đơn cử nguồn nước sông Đà bị đổ dầu thải cho thấy "phản ứng của chính quyền rất chậm".

"Chính quyền đô thị lúng túng, chưa thực thi tốt trách nhiệm với dân. Nên giảm bớt họp hành, hội thảo mít tinh để nâng cao năng lực của chính quyền địa phương", bà Thuý nói và đề nghị xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan để "làm thay đổi tình trạng đáng buồn này".

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nêu vấn đề, hiện nay 70% trái cây Việt Nam nhập về trùng với các mặt hàng nông nghiệp sản xuất trong nước sản xuất.

"Chính phủ cần sớm có giải pháp hiệu quả cho tình trạng trên, đồng thời có quy hoạch định hướng dựa trên dự báo thị trường để tránh trường hợp người dân đổ xô trồng thanh long, dưa hấu... rồi lại phải giải cứu", bà Tuyết nói. 

Theo bà, lĩnh vực nông nghiệp hiện chuyển dịch cơ cấu chưa rõ nét, chậm so với xu thế chung thế giới là phát triển theo chuỗi giá trị, cơ giới hoá; nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu thu hẹp dần, trong đó có gạo. Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu cao, nhất là trái cây, rau quả, trong khi đó phần lớn hàng xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. 

"Đã đến lúc tư duy an ninh lương thực cần thay đổi, làm theo tư duy kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng", bà Tuyết đề xuất.

Về điều chỉnh lương cơ sở năm 2020 (lên 1,7 triệu đồng, tăng 7,33%), ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho rằng nhiều năm qua Nhà nước đã tăng lương cho người có công, lực lượng vũ trang..., và nay cần điều chỉnh lương cho người nghỉ hưu. "Đề nghị tới đây, trong chính sách tăng lương chung 7,33%, riêng với người nghỉ hưu trước 1993 được từ 10-12%", ông nói.  

Quốc hội dành hai ngày làm việc (30 và 31/10) để thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách năm 2019; kế hoạch năm 2020. Trong ngày làm việc đầu tiên đã có 49 đại biểu đăng đàn, 3 người tham gia tranh luận, hai Bộ trưởng giải trình là bộ trưởng Giao thông Vận tải và Tư pháp.

66 đại biểu đã đăng ký nêu ý kiến vào ngày mai 31/10. Quốc hội cũng sẽ mời bốn thành viên Chính phủ giải trình là các bộ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch, Khoa học Công nghệ, Tài chính và Kế hoạch Đầu tư.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục