Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đề xuất tuyển bổ sung giáo viên cho bậc học mầm non
Thứ tư: 19:01 ngày 30/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 29.5, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục tổ chức sơ kết công tác phổ cập giáo dục năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2018. Một trong những vấn đề đáng chú ý được nêu ra tại hội nghị là các cấp thẩm quyền nghiên cứu cho phép ngành Giáo dục tuyển bổ sung giáo viên mầm non (hợp đồng) để bảo đảm tỷ lệ giáo viên đứng lớp theo quy định.

Học sinh tiểu học một trường vùng sâu huyện Tân Biên trong giờ ra chơi.

Theo báo cáo tại hội nghị, mạng lưới trường lớp các cấp học được phát triển đều khắp đến tận vùng sâu, biên giới, đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 136 trường mầm non (122 trường công lập, 14 trường tư thục), 262 trường tiểu học, 106 trường trung học cơ sở, 32 trường trung học phổ thông (31 trường công lập, 1 trường tư thục), 2 trường trung cấp nghề, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp (2 trường công lập, 1 trường tư thục), 1 trường cao đẳng sư phạm, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 95 trung tâm văn hoá, thể thao - học tập cộng đồng.

Năm 2017, ngành Giáo dục và Ðào tạo chủ động phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch huy động học sinh ra lớp các cấp học, các đối tượng trong độ tuổi phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đến lớp và có biện pháp hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng.

Cụ thể, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đưa nội dung tuyên truyền vận động trẻ đến trường tới tận tổ dân cư tự quản về công tác phổ cập giáo dục- xoá mù chữ, kết hợp cùng địa phương khảo sát điều tra nắm thực trạng giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn được đến lớp; phối hợp với chính quyền địa phương, hỗ trợ về vốn, giới thiệu việc làm, tạo thuận lợi cho gia đình ổn định cuộc sống để đưa con em đến trường.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tuyên truyền, vận động các lực lượng xã hội thiết thực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đưa công tác phổ cập giáo dục vào tiêu chuẩn xét ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hoá.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao tặng học bổng Trần Thị Sanh (với tổng số tiền trên 260 triệu đồng) nhằm hỗ trợ sinh viên, học sinh nghèo, học giỏi trong học tập. Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai kế hoạch phổ cập giáo dục- xoá mù chữ của tỉnh cho tất cả đồn biên phòng trong tỉnh nắm chắc tiến độ phổ cập giáo dục ở các xã biên giới, phối hợp cùng các xã đến tận các gia đình có con em bỏ học vận động ra lớp.

Tỉnh đoàn trao học bổng “Thắp sáng ước mơ” và hàng ngàn suất quà, bộ sách giáo khoa, tập vở cho học sinh, sinh viên. Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức trao học bổng “Thắp sáng tương lai” cho học sinh nghèo vượt khó.

Hội Nông dân tỉnh đã có chương trình giúp đỡ cho hộ nông dân nghèo có thêm điều kiện vươn lên để con em tiếp tục học lên các cấp học. Hội Khuyến học tỉnh và các cấp Hội đã vận động và tổ chức trao học bổng khuyến học, khuyến tài và các khoản hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên...

Kết quả phổ cập giáo dục và xoá mù chữ cho thấy, năm 2017, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, trẻ mẫu giáo học bán trú, 2 buổi/ngày đều tăng. Riêng học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, có 497/1.164 trẻ ra lớp, đạt tỷ lệ 42,7%, trong đó, số trẻ 5 tuổi ra lớp là 376/378 trẻ, tỷ lệ 99,5%.

Toàn tỉnh có 65 trẻ khuyết tật, trong đó có 17 trẻ có khả năng học hoà nhập. Trẻ khuyết tật ra lớp được chăm sóc, lập đầy đủ hồ sơ giáo dục cá nhân và được theo dõi, thực hiện đánh giá sự phát triển phù hợp với sự tiến bộ của trẻ. Các chính sách dành cho trẻ khuyết tật được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng theo quy định của Bộ GD-ÐT.

Tính đến tháng 12.2017, 9/9 huyện, thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Sở GD-ÐT đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ GD-ÐT công nhận tỉnh Tây Ninh đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2017. Cơ sở vật chất dành cho bậc học mầm non cũng được quan tâm đầu tư. Số phòng học dành cho học sinh 5 tuổi là 560 phòng, trong đó có 483 phòng kiên cố, 100% phòng học dành cho trẻ 5 tuổi có đủ đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định.

Ðối với giáo dục phổ thông, 95/95 phường, xã, thị trấn đã được công nhận và đang duy trì chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, 100% học sinh trong độ tuổi (6 tuổi) được huy động vào lớp 1. Cấp học này hiện có 261 trường tiểu học, trong đó có 90 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ở cấp trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99%.

Ðối với cấp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh sau khi học xong lớp 9 vào học lớp 10 đạt 96,69%, bao gồm cả hệ giáo dục thường xuyên. Toàn tỉnh có 24/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông.

Về tình hình xoá mù chữ, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người trong độ tuổi 15-35 biết chữ đạt 99,9%; từ 36 tuổi đến 60 tuổi biết chữ đạt 98,3% và trên 60 tuổi biết chữ đạt tỷ lệ 88,8%. Toàn tỉnh có 95/95 xã (phường, thị trấn) đạt chuẩn xoá mù chữ, trong đó có 54 xã đạt mức độ 2.

Ngoài những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục của tỉnh còn chỉ ra những hạn chế, khó khăn, trong đó đáng chú ý là tình hình thiếu giáo viên ở bậc học mầm non vẫn chưa được khắc phục.

Vì thiếu giáo viên theo quy định nên phải dồn lớp, sĩ số trên lớp quá đông dẫn đến khó bảo đảm chất lượng và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ trẻ học đúng độ tuổi và hiệu quả đào tạo ở một số địa phương chưa cao, chưa tạo được sự ổn định về duy trì kết quả đạt chuẩn cho những năm về sau.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở các đơn vị còn thấp, một số nơi chưa tổ chức học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh. Tình hình phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề chưa đạt chỉ tiêu.

Cơ sở vật chất trường học mặc dù có sự đầu tư trong thời gian qua nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu về tổ chức học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh; nhiều trường còn thiếu các phòng chức năng nên chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu giảng dạy và học tập.

Nguyên nhân được chỉ ra: bậc học giáo dục mầm non không đủ biên chế giáo viên để bố trí theo quy định. Ðối với giáo dục phổ thông, đa số các bậc phụ huynh chỉ thích con em mình tiếp tục học lên THPT để vào đại học, cao đẳng.

Công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS chưa được quan tâm đúng mức.  Nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy được bổ sung hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục của các cấp học trong giai đoạn hiện nay.

Các phương tiện cần thiết cho việc đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu, mặc dù tỉnh đã cố gắng trang bị trong những năm gần đây. Còn nhiều trường thiếu diện tích theo quy định, thiếu sân chơi, bãi tập.

Ðể đáp ứng nhu cầu bố trí giáo viên mầm non hiện nay của địa phương, Sở GD-ÐT kiến nghị UBND tỉnh tăng biên chế giáo viên mầm non để ngành Giáo dục được hợp đồng giáo viên mầm non theo quy định tại Khoản 1, Ðiều 7 của Nghị định số 06/2018/NÐ-CP ngày 5.1.2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.

Ban Chỉ đạo kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan, UBND huyện, thành phố cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học ở các cấp, nhất là đầu tư xây dựng các trường mầm non để tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động trẻ mầm non ra lớp; chỉ đạo UBND các cấp và các ngành liên quan quy hoạch dành quỹ đất hoặc mở rộng diện tích đất để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục