Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đề xuất tuyển dụng giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm: Đã quá muộn
Thứ ba: 22:39 ngày 01/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua trao đổi, nhiều ý kiến của cán bộ quản lý ngành Giáo dục Tây Ninh đều cho rằng, Bộ đã và đang tìm mọi cách có thể để tuyển dụng giáo viên, tuy nhiên, tính khả thi của đề xuất này không cao.

Giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh trong giờ lên lớp.

Ba ngày trước khi khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tại buổi làm việc với Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng, sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Qua trao đổi, nhiều ý kiến của cán bộ quản lý ngành Giáo dục Tây Ninh đều cho rằng, Bộ đã và đang tìm mọi cách có thể để tuyển dụng giáo viên, tuy nhiên, tính khả thi của đề xuất này không cao.

TUYỂN DỤNG VÀ TỰ ĐÀO TẠO

Tại buổi làm việc với Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn điểm lại một số việc ngành Giáo dục nỗ lực thực hiện trong giai đoạn khó khăn vừa qua như triển khai bình thường, đúng lộ trình chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh không bình thường; đổi mới với mục tiêu lớn nhưng điều kiện thực hiện còn nhiều khó khăn; đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học theo hướng tăng cường công khai, công bằng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới một số việc quan trọng khác ngành Giáo dục cần sự hỗ trợ và đề xuất từ phía Uỷ ban như bảo đảm tỷ lệ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đạt tối thiểu 20%; các địa phương thực hiện tốt phân cấp trách nhiệm, chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện chủ trương mua sách giáo khoa trang bị cho các thư viện trường học, chuẩn bị các bước đầu tiên trong quy trình xây dựng Luật Nhà giáo…

Bộ GD&ĐT đề nghị cần ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định.

Trong năm học này, biên chế cho ngành Giáo dục đã được bổ sung thêm. Thực tế, địa phương dù có chỉ tiêu cũng khó tìm nguồn tuyển, do trước đây, nhiều giáo viên tốt nghiệp cao đẳng trong khi quy định nâng chuẩn hiện nay đòi hỏi tốt nghiệp đại học. Bộ GD&ĐT đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đề xuất tuyển dụng giáo viên để bảo đảm tỷ lệ giáo viên theo quy định. Hơn một năm trước, Bộ này có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành xem xét tuyển đặc cách vào biên chế những giáo viên hợp đồng. Đây là những trường hợp đạt chuẩn văn bằng đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2005 nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Vấn đề đặt ra, tại sao chỉ cho phép tuyển dụng đặc cách những giáo viên hợp đồng theo chuẩn văn bằng của Luật Giáo dục năm 2005, còn những sinh viên mới ra trường, chưa đáp ứng được văn bằng theo Luật Giáo dục năm 2019 lại không được tuyển, trong khi giáo viên đang thiếu? Sau khi đề xuất nêu trên không mấy thành công, hiện nay, Bộ GD&ĐT đề xuất tuyển dụng toàn bộ những người đã tốt nghiệp cao đẳng, không phân biệt họ tốt nghiệp vào thời điểm nào.

Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Hiền hướng dẫn học sinh xếp hàng vào sân trường.

“HỌ KHÔNG TRỞ VỀ”

Bình luận về đề xuất mới nhất của Bộ GD&ĐT, một lãnh đạo phòng GD&ĐT đánh giá, tính khả thi của đề xuất này không cao. Cụ thể, sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực (ngày 1.7.2020), trước thực trạng thiếu giáo viên, nhiều địa phương trong tỉnh Tây Ninh đề xuất tiếp tục cho phép tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp sư phạm nhưng chưa đạt chuẩn văn bằng theo quy định mới. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ngành Nội vụ không chấp thuận. Xét theo luật, việc Sở Nội vụ không chấp nhận tuyển dụng sinh viên sư phạm chưa đạt chuẩn văn bằng là đúng với quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Điều 72 của luật này quy định trình độ chuẩn (văn bằng) được đào tạo của nhà giáo như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”.

Điều 72 cũng quy định: “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này”. Như vậy, theo quy định của luật mới, giáo viên mầm non tối thiểu phải có bằng cao đẳng, giáo viên phổ thông phải có bằng đại học. Ngành Nội vụ, tại thời điểm đó, có muốn tuyển dụng cũng không được vì không thể làm trái luật.

“Những sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp từ mấy năm trước nhưng không được tuyển dụng, nay họ đã tìm công việc khác hoặc vào dạy cho trường ngoài công lập. Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực cũng đã hơn ba năm. Tôi cho rằng, thời gian đó đủ để họ tìm việc làm khác, làm ở địa phương khác hoặc dạy trong trường ngoài công lập. Không ai trở về để đăng ký tuyển dụng nữa. Chính tôi đã liên hệ với một số sinh viên (ngày đó) chưa được tuyển dụng nhưng họ trả lời em không về nữa đâu thầy ơi   - vị cán bộ nói tiếp.

“Chúng ta đổi mới giáo dục, chuẩn hoá văn bằng theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục nhưng lại không tính đến lộ trình phù hợp. Trong một thời gian ngắn, yêu cầu tất cả giáo viên phổ thông phải có bằng đại học, giáo viên mầm non có bằng cao đẳng, lấy đâu ra”- người này nêu ý kiến.

Trong khi đó, bằng thái độ lạc quan hơn, một cán bộ khác đang công tác trong ngành Giáo dục Tây Ninh nhìn nhận, đề xuất của Bộ GD&ĐT là hợp lý, vì hiện nay thiếu rất nhiều giáo viên. “Tôi chỉ nói riêng về cấp trung học phổ thông, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có một số môn học mới, ví dụ Âm nhạc, Mỹ thuật chưa triển khai được vì không có người dạy.

Chủ trương đưa giáo viên hai môn học trên lên dạy THPT chưa thực hiện được, vì còn nhiều bất cập, giáo viên cấp THPT đã có bằng đại học. Còn nếu tính đến sinh viên tốt nghiệp đại học Âm nhạc và Mỹ thuật, không lấy đâu ra số nhân lực này. “Nếu tốt nghiệp đại học những ngành học nêu trên, sinh viên có nhiều cơ hội tìm việc làm khác, hấp dẫn hơn, thu nhập cao hơn đi dạy”- người này nói.

Tuy vậy, vị cán bộ nhận định, không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, thậm chí đại học trước đây không được tuyển dụng đều không trở về. Có những trường hợp chỉ đang làm tạm công việc nào đó, nếu được tuyển dụng, có thể một số sinh viên sẽ trở về đăng ký tuyển dụng, vì được làm việc ngay trên quê hương mình, gần nhà, gần gia đình. Vị cán bộ này nhìn nhận, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai đồng loạt, không thực hiện thí điểm như những lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa trước đây. Chính vì thế, khi triển khai đại trà trong thực tế, nhiều bất cập nảy sinh.

Đề xuất tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp cao đẳng để dạy tiểu học, trung học cơ sở của Bộ GD&ĐT, xét trên tổng thể của cả nước, là một kiến nghị mới. Nhưng đối với riêng Tây Ninh, hơn hai năm trước, thậm chí từ nhiều năm trước khi Chương trình giáo dục 2018 được triển khai, nhiều cán bộ quản lý trong ngành Giáo dục tỉnh nhà đã có kiến nghị cho phép tuyển dụng, song không được chấp thuận.

Câu chuyện thừa, thiếu hoặc vừa thừa vừa thiếu giáo viên không phải vấn đề mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Giáo dục là ngành có tính chuyên môn cao, có đặc trưng riêng của khoa học sư phạm, do vậy, hầu như chỉ người đang làm việc trong ngành mới thấu hiểu tình hình.

Một ví dụ, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV (đang diễn ra), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam một lần nữa đề cập đến số lượng học sinh trong một lớp quá đông làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, “chúng ta phấn đấu để một lớp học không quá 35 học sinh nhưng chưa thực hiện được”.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh