Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đền thờ Đức thánh Trần
Thứ tư: 13:13 ngày 18/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh hiện có ít nhất 3 ngôi đền thờ Đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo), không phải là: “Ngôi đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo duy nhất ở Tây Ninh” như trong sách Di tích Lịch sử văn hoá danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh (Sở VHTT&DL tỉnh Tây Ninh xuất bản năm 2014, trang 49) đã viết về ngôi đền thờ Đức thánh Trần tại khu phố 3, phường 3, TP. Tây Ninh.

Đền ở ấp 3, Bến Củi

Về nguồn gốc của ngôi đền, sách này cũng viết không đúng. Bài viết có đoạn: “Nguồn gốc ngôi đền xuất phát từ bộ phận người Việt sinh sống ở huyện Mi Mốt, Kompongchàm, Campuchia… Đầu những năm 20 thế kỷ XX, cộng đồng người Việt ở đây lập nên ngôi đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo…”.

Sau đó, sách diễn giải rằng: Năm 1970, sau cuộc đảo chính của Lon Non- Xi rich Ma tắc tại Campuchia mà: “Cuộc chiến tranh Đông Dương, bùng nổ, một bộ phận lớn cộng đồng người Việt ở Campuchia bị trục xuất về nước… có bộ phận người Việt ở Mi Mốt chuyển về Tây Ninh sinh sống…”. Thế rồi: “Số người này đã cùng nhân dân vùng thị xã Tây Ninh xây dựng nên ngôi đền Đức thánh Trần…”. Vậy thì ngôi đền này cũng chỉ mới có rất gần đây, từ sau năm 1970 mà thôi!

Theo ông Nguyễn Văn Nhã - Trưởng Ban Quản trị di tích đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo là: “Đền thờ này chẳng có liên quan gì tới Mi Mốt Campuchia”. Trước hết, phải nói rõ về nguồn gốc thật sự của ngôi đền thờ Đức thánh Trần tại khu phố 3, phường 3, TP. Tây Ninh. Ngôi đền này đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, ngày 27.12.2001.

Ngay từ trước năm 1945, có nhiều người miền Bắc vào đất Nam kỳ làm ăn sinh sống. Một bộ phận trong đó là các phu cao su ở các đồn điền (như Bến Củi, Hiệp Thạnh, Cầu Khởi ở Tây Ninh). Do sống rải rác ở nhiều địa phương, chung với người dân bản địa, nên họ đã không: “gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân” (thơ Nguyễn Khoa Điềm).

Tuy vậy những phong tục tập quán và tín ngưỡng ở các miền quê ngoài Bắc vẫn được giữ gìn và truyền lại cho con cháu. Một tín ngưỡng phổ biến nhất ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ là thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo. Tên ngài là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Tý (1228) và từ trần ngày 20.8 âm lịch năm Canh Tý (1300), quê ở làng Tức Mạc, xã Bảo Lộc, phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định).

Đức thánh là một vị tướng quân “văn võ song toàn”, từng giữ chức Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn quân trong hai cuộc kháng chiến đại thắng chống Nguyên Mông lần 2 (1285) và lần thứ 3 (1288). Ngài cũng là tác giả nổi tiếng, với thiên hùng văn Hịch Tướng sĩ và các sách: Binh thư yếu lược và Vạn kiếp tông bí truyền thư, còn được lưu lại tới ngày nay. Sau khi mất, ngài được vua nhà Trần phong là: “Thái sư Thượng phụ Quốc công, Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương, Bình Bắc đại nguyên soái.

Ngài đã hiển thánh trong lòng nhân dân, được tôn thờ là Đức thánh Trần Hưng Đạo. Đền thờ ngài có ở nhiều địa phương miền Bắc như Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình…nhưng nổi tiếng nhất là đền Bảo Lộc tại quê hương Nam Định. Cũng do vậy mà người dân các vùng này, dù lưu lạc đến sinh sống trên các vùng đất xa xôi khác đều mang theo tâm nguyện thờ phụng Đức thánh Trần”.

Theo tinh thần ấy, các ngôi thờ Đức thánh Trần cũng tuần tự mọc lên trên đất Tây Ninh. Ngôi đầu tiên là vào năm 1927 của các dân phu cao su đồn điền Bến Củi, nay ở ấp 2. Ngôi thứ hai cũng ở Bến Củi nhưng trên đất làng 3, nay là ấp 3. Ngôi lập sau này, ở TP. Tây Ninh là của một nhóm dân cư gốc Bắc, đã di cư vào Nam từ thập niên 40 thế kỷ trước. Nhưng phải đến năm 1957, họ mới tạm đủ điều kiện vật chất để xây nên một đền thờ ở khu phố 3, phường 3, TP. Tây Ninh.

Thật kỳ lạ, vùng đất chiến tranh ác liệt Chà Là vẫn tồn tại những ngôi thờ Đức thánh Trần, dù đã có lần phải di dời, như đền ấp 2 từng ở ấp 1, sau phải dời vào năm 1954. Và đền ở ấp 3 cũng đã một lần chuyển chỗ. Đền ấp 2 nay thuộc về trung tâm xã, trên một khuôn viên rộng dài rợp bóng cây trong đó nổi bật dáng hình khúc khuỷu, già nua của những cây hoa đại (sứ) đã thành cổ thụ.

Sách Di tích Lịch sử văn hoá danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh mô tả về đền ở phường 3, di tích lịch sử cấp tỉnh, rằng: “Toàn bộ kiến trúc… còn đơn sơ về điêu khắc, chạm trổ hoành phi… nhưng vẫn mang rõ nét đặc trưng phong cách đình làng Nam bộ…”. Tuy vậy, câu trích trên nếu áp dụng cho ngôi đền ấp 2 Bến Củi sẽ hợp lý hơn. Bởi chính ở nơi đây, ta sẽ thấy ngôi vỏ ca ở trước ngôi miếu chính. Vỏ ca này chỉ khác ở các đình miếu Nam bộ là có vách tường cửa bao kín. Kiến trúc có 3 gian, mái lợp ngói ta hình bánh ít. Phía trước là cổng “tam quan” và bức tường bình phong làm nơi thờ đức Thần Nông (như ở các đình làng Nam bộ). Trừ mái ngói nâu, tất cả các chi tiết kiến trúc còn lại đều được tô hai sắc đỏ, vàng rực rỡ.

Người phu cao su Bến Củi năm xưa còn mang theo một tín ngưỡng thờ phụng nữa, được phối thờ trong ngôi đền Đức thánh Trần. Đó là thờ Mẫu của tín ngưỡng dân gian người Việt. Mẫu ở đây là Thánh Mẫu, chính là Bà Chúa Liễu- một nữ thần được thờ tại nhiều đền, phủ trên đất Bắc. Cả hai ngôi đều có ban thờ, trên ban là tượng Bà với áo mão nghiêm trang rực rỡ những kim tuyến, ngọc ngà. 

Điều đặc biệt nữa, là dù có kiến trúc cầu kỳ như đền ấp 2 hoặc giản dị hơn ở ngôi đền ấp 3 nhưng nội thất cả hai ngôi đều được trang trí cầu kỳ, trang trọng. Với những dàn lỗ bộ, ngai thờ, liễn đối, hoành phi đẹp và nổi bật. Ngôi ở làng 3, cùng với tượng đức Thánh còn rất nhiều pho tượng khác. Trên có vua và dưới có quần thần, quan võ quan văn…

Dù là đền ở đâu, thì ngày 20.8 lễ giỗ Đức Thánh vẫn là ngày lễ quan trọng nhất trong năm với người dân tín ngưỡng. Ở Bến Củi, dân các ấp, con cháu hoặc người đi làm ăn xa cũng trở về. Tại thành phố, ngoài những con cháu những người có công lập đền năm xưa; còn có đông đảo nhân dân gốc Bắc. Đặc biệt có Hội đồng hương Nam Định năm nào cũng lấy đó làm ngày họp hội, rồi cùng nhau tới đền làm lễ dâng hương cùng quả phẩm. Thật là thành kính, trang nghiêm.

Trở lại với nguồn gốc ngôi đền Trần tại phường 3, nhiều người đã biết rõ. Rằng đền thành lập năm 1957, và không liên quan gì đến ngôi đền ở Mi Mốt như sách (đã dẫn) viết. Tại sao lại có sự “gán ghép” Mi Mốt vào đây? Đấy là do hiện ngôi đền có lưu giữ một bản sắc phong của vua Bảo Đại cho ngôi đền Mi Mốt. Có thể do những Việt kiều bị chế độ Lon Non xua đuổi từ năm 1970 đã đem về và gửi lại đây chăng? Khi nào có đủ tư liệu nghiên cứu về bản sắc phong và con đường đi của nó, chúng tôi sẽ xin được tiếp tục trình bày.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục