Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đi chợ mùa dịch
Thứ sáu: 23:36 ngày 10/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đi chợ là công việc thường xuyên của các bà nội trợ. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, thói quen này đang dần thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống- nhất là khi cả xã hội cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện việc cách ly xã hội.

Bảng lưu ý người dân phải đeo khẩu trang khi vào chợ tại chợ phường 3.

Cần thay đổi thói quen nội trợ

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (ngụ ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên) cho biết, trước đây, mỗi ngày chị đều đi chợ mua thực phẩm. Nhưng gần đây, chị chuyển sang chọn thực phẩm “tự cung tự cấp”. Chị cho biết: “Tôi bắt đầu trồng rau, nuôi gà nên nguồn thức ăn cũng không còn hạn chế. Mỗi tuần, tôi đi chợ từ hai đến ba lần tuỳ nhu cầu để mua thực phẩm cần thiết.

Qua một thời gian, tôi vẫn bảo đảm việc ăn uống cho gia đình. Tôi thường kiểm tra xem mình thật sự cần món gì rồi tranh thủ tạt qua chợ để mua trong thời gian nhanh nhất. Hiện tôi không còn tốn nhiều thời gian đi chợ như trước đây nữa, vừa tiết kiệm thời gian lại bảo đảm an toàn”.

 Cũng tiết kiệm được nhiều thời gian, chi tiêu từ những bữa chợ trong thời điểm này, chị Trần Thị Mai (ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương minh Châu) chia sẻ: “Thói quen đi chợ của tôi đã thay đổi nhiều. Tôi mua nhiều thực phẩm về sơ chế sẵn, hạn chế việc phải thường xuyên đi chợ như trước đây. Tôi cũng tiết kiệm nhiều thời gian khi không gặp gỡ bạn bè ngoài chợ hay lân la ở những sạp bán quần áo như trước đây”.

Việc dùng thực phẩm trữ sẵn cũng tiện khi chế biến thức ăn. Chị Mai nói: “Mấy hôm đầu còn thấy chưa quen nhưng dần dần mọi thứ cũng quen, mình lại thấy được nhiều cái tiện lợi hơn so với ngày trước”.

Việc thay đổi này của phụ nữ để cách ly xã thội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là hạn chế đi lại, tập trung đông người. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chợ không được nhộn nhịp như bình thường, nhưng không khí mua bán trên địa bàn tỉnh không quá vắng vẻ, người đến chợ mua thực phẩm vẫn đông.

Ý thức để bảo vệ cộng đồng

Ghi nhận tại chợ thành phố Tây Ninh (người dân quen gọi là chợ Tây Ninh), phường 3, Long Hoa… trong thời điểm này, phần lớn các tiểu thương, người đi chợ đều có ý thức tự bảo vệ mình, dễ thấy nhất là việc đeo khẩu trang phòng, chống dịch bệnh.

Tại thành phố Tây Ninh, mọi người hạn chế ra khỏi nhà, tại những khu vực cung cấp các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, người đến mua sắm vẫn còn khá đông. Để vừa bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân, và ngừa dịch bệnh các khu chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Tây Ninh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Chợ Tây Ninh, một trong những khu chợ lớn nhất thành phố Tây Ninh đã kiểm soát các đường ngang, ngõ tắt trong khu chợ, yêu cầu người dân đeo khẩu trang và xử lý mạnh các trường hợp không tuân thủ quy định. Theo ông Ngô Anh Quyền- Phó Ban Quản lý chợ Tây Ninh, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND Thành phố, BQL chợ đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm phục vụ bán cho người dân.

BQL chợ đã tổ chức các trạm kiểm soát người vào chợ, treo biển yêu cầu người dân đeo khẩu trang. BQL chợ còn chuẩn bị khẩu trang để phát cho người dân, tiểu thương quên mang theo. Nếu tiểu thương tái phạm, BQL chợ sẽ không cho những người này vào khu vực chợ hoặc đình chỉ việc buôn bán.

Bên cạnh đó, BQL chợ yêu cầu các tiểu thương và người dân đi chợ giữ khoảng cách 2m khi trao đổi, mua bán, không tập trung đông người. Người dân nên mua sắm nhanh gọn rồi về không nên ở chợ quá lâu, tránh tiếp xúc để không lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đời sống người dân khó khăn, BQL chợ yêu cầu tiểu thương không được ghim hàng, tích trữ hàng hoá; đồng thời kêu gọi tiểu thương không tăng giá, để bà con an tâm.

Đội trật tự chợ Tây Ninh tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, các biện pháp phòng, chống dịch.

Anh Nguyễn Phương Châu, một tiểu thương bán thuỷ, hải sản tại chợ Tây Ninh cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng hoá không dồi dào như trước. Để phục vụ người dân, anh thực hiện theo BQL chợ giữ nguyên giá bán như trước khi có dịch, có khi còn giảm chút ít cho các bạn hàng lấy hàng hoá có điều kiện buôn bán, vượt qua mùa dịch này.

Là một trong những khu chợ nằm ở vị trí trung tâm thành phố Tây Ninh, chợ phường 3 (hay còn gọi là chợ Đất Thánh) trong thời gian này vẫn có đông người dân đến mua sắm. BQL chợ phường 3 đã có những giải pháp mạnh tránh sự lây lan dịch bệnh.

Anh Nguyễn Hữu Phong- Trưởng BQL chợ phường 3 cho biết, sau hơn một tuần triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ, tiểu thương cũng như người dân đi chợ ý thức việc đeo khẩu trang, tạo khoảng cách 2m khi mua sắm và thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. BQL chợ kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành theo quy định phòng, chống dịch bệnh như cấm người dân vào khu vực hoặc cấm hộ kinh doanh buôn bán nếu không đeo khẩu trang khi bị nhắc nhở nhiều lần.

“Trong thời gian qua, bà con tiểu thương rất đồng tình và hầu hết thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ. Nhờ đó, khu vực chợ phường 3 không những bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân mà còn làm tốt ngăn ngừa dịch bệnh. Đó là một điều đáng vui mừng”- anh Phong phấn khởi chia sẻ.

Bà Trần Thị Ngọc Bích, một người dân đi chợ phường 3 cho biết: “Trước đây khi đến chợ, tôi thường ăn sáng rồi mới mua đồ, mất khá nhiều thời gian. Từ khi có thông tin dịch bệnh, tôi tranh thủ đi chợ sớm khi còn ít người, mua đồ nhanh, về thật nhanh”.

Theo bà Bích, việc đeo khẩu trang được nhiều người thực hiện tốt, tuy nhiên, việc giữ khoảng cách 2m chưa được mọi người quan tâm lắm, đi chợ ai cũng vội vàng, muốn mua nhanh, về sớm nên không chú ý việc giữ khoảng cách, an toàn. Để tránh tiếp xúc nhiều người, chỗ nào đông người, bà sẽ đi chỗ khác.

Không riêng người đi chợ, các tiểu thương cũng có ý thức tự bảo vệ bản thân. Vừa kéo chỉnh lại khẩu trang, bà Nguyễn Thị Liễu, tiểu thương chợ Tây Ninh nói: “Tôi nghe tuyên truyền, mọi người phải giữ khoảng cách 2m để tránh lây nhiễm dịch bệnh. Buôn bán phải tiếp xúc gần với nhiều người tôi sợ, nên phải cẩn thận giữ một khoảng cách với người mua, thường xuyên đeo khẩu trang”.

Tiểu thương chấp hành quy định đeo khẩu trang tại chợ Tây Ninh.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Trong buổi sáng 8.4, khi dạo quanh một số ngôi chợ, chúng tôi thấy vẫn còn có tiểu thương chưa nghiêm túc đeo khẩu trang hay không đeo khẩu trang thường xuyên, đeo chưa đúng cách, thường kéo khẩu trang xuống dưới cằm với lý do đeo khẩu trang ngột ngạt… 

Chị T.T.M, tiểu thương chợ Tây Ninh cho biết: “Tôi đeo khẩu trang đã thành thói quen nhưng buôn bán dưới trời nắng gắt đã mệt, còn phải đeo khẩu trang bịt kín mũi miệng nên thấy khó thở. Vì thế, ngồi hồi lâu tôi tháo khẩu trang ra cho mát, có khách mua hàng thì mình đeo vào”. Chị M nghĩ, khi nào mình tiếp xúc với ai mới sợ, còn ngồi một mình không đeo khẩu trang có thể không sao.

Việc giữ khoảng cách 2m giữa người bán và người mua, người bán và người bán, người mua và người mua hiện vẫn còn khó. Bởi chợ đông người ra vào, không gian mỗi gian hàng lại hẹp, việc trao đổi, lựa chọn hàng rất khó đứng xa.

Quan sát tại một số quầy hàng thực phẩm ở các chợ khu vực thành phố Tây Ninh, chúng tôi thấy người mua người bán sát cạnh nhau, không bảo đảm khoảng cách an toàn. Nhất là tại các hàng thịt, cá, rau, trái cây, các tiểu thương ngồi với khoảng cách khá gần. Thừa nhận vấn đề này, anh Nguyễn Hữu Phong, Trưởng Ban Quản lý chợ phường 3 cho biết: “Bảo đảm khoảng cách 2m là một việc khó thực hiện trong môi trường buôn bán ở chợ như hiện nay.

Trước tình hình này, Ban quản lý chợ chủ yếu nhắc nhở, vận động tiểu thương ít tiếp xúc, trao đổi với nhau, giữ khoảng cách giữa người bán và người mua luôn, đeo khẩu trang để bảo đảm an toàn cho bản thân, mọi người xung quanh”.

Khu vực ăn uống trong các chợ hiện vẫn hoạt động. Trong thời điểm này, có không ít quầy đóng cửa vì ế ẩm, nhiều quầy ăn uống chuyển sang phục vụ khách mang đi. Tại một số quầy bán đồ ăn, có khách ngồi ăn tại chỗ. Do số lượng khách không nhiều, nên chỗ khách ngồi không quá gần, vẫn giữ được khoảng cách. Tuy nhiên, không ít quầy bán đồ ăn có nhiều người, do nhiều khách chờ đợi mua đồ ăn mang đi cùng lúc. Và việc giữ khoảng cách lúc này không mấy ai nhớ đến.

Cũng theo chia sẻ từ đại diện Ban Quản lý chợ phường 3, đối với loại hình kinh doanh này, BQL vận động tiểu thương chuyển sang bán đồ ăn mang về. Ban Quản lý cũng đã làm việc với các hộ kinh doanh thức ăn tại chỗ nếu để xảy ra sai phạm, để khách hàng tập trung nhiều, ăn ngồi gần với nhau là dứt khoát phải tạm ngưng buôn bán.

Hoạt động của các chợ bảo đảm nhu cầu cung cấp thực phẩm cho người dân. Do đó, bên cạnh nỗ lực tuyên truyền, quản lý của ngành chức năng, tất cả người dân khi buôn bán, hay đến các chợ phải tự giác nâng cao ý thức phòng, chống bệnh cho bản thân, cho cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Vi Xuân - Thế Anh - Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục