Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đi tìm nguyên nhân khiến nước hồ Dầu Tiếng bị đục
Chủ nhật: 23:28 ngày 17/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chất lượng nước hồ Dầu Tiếng luôn được chính quyền và người dân quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Ngoài cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp, hồ Dầu Tiếng còn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh.

Hoạt động khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng tại vùng giáp ranh Tây Ninh-Bình Dương.

Hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà có quy mô lớn nhất nước ta hiện nay. Hồ chứa nước Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc phạm vi 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, là công trình quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia.

Được xây dựng từ năm 1981 và đưa vào vận hành khai thác từ năm 1985, hồ Dầu Tiếng được thiết kế để phục vụ quản lý khai thác đa mục tiêu, quy mô công trình hồ chứa cấp đặc biệt, dung tích thiết kế 1,58 tỷ mét khối nước ứng với cao trình mực nước dâng bình thường +24,4m, cao trình mực nước chết +17m, diện tích mặt nước hồ là 270km2.

Do đó, chất lượng nước hồ Dầu Tiếng luôn được chính quyền và người dân quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Ngoài cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp, hồ Dầu Tiếng còn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều nguồn thải đổ vào nước hồ Dầu Tiếng

Những năm gần đây, cứ đến mùa khô, mặt nước hồ Dầu Tiếng lại trở nên đục, đây là một vấn đề được các ngành chức năng quan tâm mổ xẻ, tìm kiếm và xác định nguyên nhân, trong đó, khai thác cát được dư luận nhắc đến nhiều nhất. Nhiều người cho rằng chính hoạt động này làm cho nước mặt hồ Dầu Tiếng trở nên đục.

Thế nhưng, sau khi các ngành chức năng, đặc biệt là tỉnh Tây Ninh vào cuộc chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, đến mùa khô năm nay, nước mặt hồ Dầu Tiếng lại bắt đầu có dấu hiệu đục. Vậy có phải khai thác cát chính là nguyên nhân dẫn đến nước mặt hồ Dầu Tiếng bị đục?

Chúng tôi tìm đến bến Cửu Long, ấp Tân Trung, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, một trong những nơi được xem là thượng nguồn của sông Sài Gòn. Người dân cho biết, nguồn nước tại bến Cửu Long ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm qua. Vào những tháng này, nước dưới suối đen kịt và ô nhiễm đến mức đã có gia súc của người dân chết vì uống nước suối này.

Nguồn nước đổ ra bến Cửu Long từ con suối Tà Ly- có nhiều nguồn xả thải của các nhà máy mì, mủ cao su phía trên địa phận xã Suối Ngô. Dù không có chứng cứ khẳng định các nhà máy trên xả thải chưa đạt tiêu chuẩn ra suối, nhưng theo một người dân sống lâu năm tại bến Cửu Long, kể từ khi có các nhà máy mì, mủ cao su, hơn 10 năm qua, nước tại bến Cửu Long trở nên ô nhiễm nghiêm trọng.

Hoạt động nuôi cá bè trên hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Một lãnh đạo UBND xã Tân Thành cho biết, nước bến Cửu Long, thượng nguồn sông Sài Gòn ô nhiễm kéo dài nhiều năm, không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân địa phương, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Sài Gòn đổ về hồ Dầu Tiếng. Người dân và chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần phản ánh với các ngành chức năng. Tuy nhiên đến nay, tình trạng này chưa được cải thiện.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi chứng kiến cơ sở chăn nuôi heo và cơ sở chế biến mủ cao su cặp bờ hồ Dầu Tiếng, thuộc địa phận xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Nguồn nước gần 2 cơ sở này có dấu hiệu xấu hơn so với mặt nước ở những vị trí khác trong hồ.

Cũng tại khu vực xã Minh Hoà, còn có hàng chục bè nuôi cá với quy mô lớn trên mặt hồ. Một nhân viên Công ty khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng cho biết, hoạt động nuôi cá bè đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng. Chất lượng nước tại đây xấu rõ rệt do việc cho cá ăn, sử dụng thuốc trong quá trình nuôi cá. Khảo sát khu vực nuôi cá bè, chúng tôi chứng kiến cá chết trong bè được những người nuôi cá vớt bỏ ra ngoài, nên nguồn nước tại khu vực này bị ô nhiễm.

Theo Công ty TNHH khai thác thuỷ lợi Phước Hoà - Dầu Tiếng (DT-PH), hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi xả nguồn nước thải trực tiếp hoặc gián tiếp vào hồ. Ngoài ra, tình hình xâm canh sản xuất nông nghiệp, chăn thả gia súc trên vùng đất bán ngập, khai thác cát, nuôi cá lồng bè, đánh bắt thuỷ sản trên hồ. Tất cả các hoạt động trên đều có nguy cơ ảnh hưởng môi trường chất lượng nước hồ Dầu Tiếng.

Thời gian qua, Công ty DT-PH đã tăng cường công tác kiểm tra, thống kê danh sách, giám sát, lấy mẫu nước và khoanh vùng ô nhiễm tại các nguồn xả thải vào hồ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương có liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương đã có nhiều văn bản chỉ đạo sát sao việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động khai thác cát, xả thải vào trong hồ Dầu Tiếng; chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương phối hợp chặt chẽ với Công ty DT-PH tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục cấp phép theo đúng quy định nhằm bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước hồ Dầu Tiếng.

Tuy nhiên, tại một số vị trí phía thượng nguồn đổ vào kênh chính Tây nước bị đục, ô nhiễm, có màu xanh, bốc mùi hôi thối, cá chết như: cầu Suối Ngô (2/9 chỉ tiêu), cầu Kà Tum (6/9 chỉ tiêu) và Suối Xa Cách (6/9 chỉ tiêu).

Cầu K5- nơi chuyển nước từ hồ Phước Hoà sang hồ Dầu Tiếng, mặt nước nơi đây đục hơn nhiều so với mặt nước thượng lưu hồ Dầu Tiếng.

Không thể phủ nhận khai thác cát là một trong những nguyên nhân khiến nước hồ bị đục

Theo sự chỉ dẫn của nhân viên Công ty DT-PH, chúng tôi tìm đến vị trí có hai tàu khai thác cát tại địa phận giáp ranh hai tỉnh Bình Dương - Tây Ninh. Khu vực xung quanh hai tàu này, mặt nước hồ đục hơn so với những nơi khác. Hoạt động bơm hút, rửa cát trên tàu trực tiếp, đã góp phần làm mặt nước khu vực này đục hơn.

Đây là điều mà các ngành chức năng cần quan tâm trong việc chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng, không chỉ tỉnh Tây Ninh mà còn tỉnh Bình Dương, Bình Phước để bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng.

Theo Công ty DT-PH, kết quả phân tích mẫu nước ngày 8.4.2020 tại các vị trí khai thác cát gần các cửa lấy nước cho thấy, chỉ tiêu độ đục và TSS cao hơn so với các vị trí khác trong hồ và cao hơn so với tháng trước, tuy nhiên, vẫn đạt quy chuẩn nước mặt cột B1-QCVN 08:2015-MT/BNTMT dùng cho mục đích tưới tiêu, thuỷ lợi.

Bên cạnh đó, cứ vào mùa khô khi mực nước hồ Dầu Tiếng xuống thấp, hồ Dầu Tiếng được tiếp nước từ hồ thuỷ lợi Phước Hoà nằm trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Theo nhân viên quản lý nước Công ty DT-PH, do hồ Phước Hoà là thượng nguồn của sông Bé trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Địa chất tỉnh này là đất bazan nên nước sông Bé lúc nào cũng đục, vì vậy nước đổ từ hồ Phước Hoà sang hồ Dầu Tiếng luôn bị đục.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực cầu K5, huyện Dầu Tiếng, nơi nước từ hồ Phước Hoà đổ sang hồ Dầu Tiếng bị đục ngầu. Mặt nước hồ Dầu Tiếng tại khu vực trên đục cả một diện tích khá lớn và lắng dần cho đến khu vực hạ lưu hồ. Do đó có thể nói rằng, nguồn nước từ hồ thuỷ lợi Phước Hoà chuyển sang hồ Dầu Tiếng cũng có thể là một trong những nguyên nhân làm nước đục tại hồ Dầu Tiếng.

Như đã nói, hồ Dầu Tiếng là một công trình thuỷ lợi quốc gia quan trọng, chất lượng nước hồ cần phải được bảo đảm để góp phần phát triển kinh tế xã hội cho nhiều tỉnh, thành, trong đó có Tây Ninh.

Trước thực trạng trên, các ngành chức năng cần có giải pháp để bảo đảm chất lượng hồ Dầu Tiếng ổn định, lâu dài. Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền tìm hiểu về những giải pháp bảo đảm chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng thông tin đến bạn đọc.

Thế Nhân - Hồng Thắm

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh