Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đi tìm suối Ông Tuấn
Thứ bảy: 20:55 ngày 07/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðã từng biết đến am Ông Tuấn; lại đọc được câu ca dao ấy trong hồi ký Huỳnh Văn Một, nên tôi cứ muốn đi tìm thêm những dấu tích về ông.

Ði tìm suối Ông Tuấn

“Chó săn hỉnh mũi tìm mồi

Vợ chồng ông Tuấn nổi trôi phương nào”

Ông Một từng làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến (UB HCKC) tỉnh Gia Ðịnh Ninh thời kháng chiến chống Pháp, được phân công về làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBHCKC huyện Dương Minh Châu khi mới lập huyện tháng 5.1951.

Ðấy là câu ca dao ông nhớ được từ thời thơ ấu ở quê hương Long An. Câu ca ấy nói về đoạn ông Tuấn- một đốc soái của nghĩa quân Cần Vương thời cuối thế kỷ XIX, buộc phải rời bỏ nơi sinh sống tại làng Thạnh Lợi, quận Thủ Thừa, lên vùng núi Tây Ninh tránh sự truy lùng của giặc Pháp.

Suối luồn dưới kênh Tây.

Hồi ký có đoạn: “Ai ngờ vợ chồng ông Tuấn ngược dòng Vàm Cỏ Ðông dắt nhau lên ở Suối Vàng, dưới chân núi Tây Ninh làm ăn nghi trang như một gia đình đồng bào người dân tộc ở hẻo lánh một mình, nơi đất đai rất nhiều màu mỡ, chưa có người đặt chân đến đó. Ông Tuấn ở đây khai hoang phá rừng, vỡ đất trồng khoai, tỉa đậu gây dựng sự nghiệp nhỏ, gia đình có nhiều của cải thừa, ngoài vườn cây trái sung túc, xum xuê xoài, mít trên bờ đất đỏ Suối Vàng…”.

Một ngôi miếu thờ Quan lớn Trà Vong gần suối.

Sau khi bà Tuấn bị giặc cướp giết hại thì ông Tuấn: “Bỏ nốt sự nghiệp tại đây lên núi cất chùa nghi trang tu niệm. Ông tạo rất nhiều đường đi lại bí mật, trong hố, trong hang, nhiều chỗ ở của ông từ chân lên chót núi không ai biết được… có người ca tụng ông nói rằng: ai đến đây mà gặp được ông Tuấn là người có nhiều ân đức mới được thần tiên chỉ dẫn…”.

Vậy là núi đã có thêm một huyền thoại nữa về ông Tuấn, huyền thoại này bắt nguồn từ hiện thực một thời chưa xa, khi những lưu dân đến khai mở làm ăn trên phía Tây núi Bà, đoạn có suối Vàng và thung lũng Ma Thiên Lãnh vào khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Từ vài năm trước, tôi đã có lần quanh qua hồ Ðá để lên những động núi phía trên. Lần theo những con đường mòn có vẽ những mũi tên sơn xanh trên mặt đá, xuyên qua những vườn rừng trồng chuối và xoài để gặp vô số những động núi và bàn thiên đá.

Có nơi còn gặp cả cây tung, loại cây thường có rễ lớn như con trăn khổng lồ lổm ngổm bò trên những đền đài đổ nát ở quần thể Angkor. Hình khe, thế đá cheo leo hiểm trở khiến không ít người sửng sốt trước thiên nhiên kỳ vĩ. Từ đó mà họ đặt bày ban thờ cúng ở khắp nơi, trên gộp đá, giữa lòng hang, thậm chí cả dưới gốc cây to. Liệu có phải đây cũng là những hầm hang, lối mòn mà ông Tuấn đã từng khai mở từ trên trăm năm trước?

Sung trên suối Ông Tuấn.

Cho đến một bữa kia, gặp hoà thượng Thích Niệm Thới, một vị tu hành có thâm niên ở núi. Hỏi chuyện về ông Tuấn, hoà thượng bảo vẫn còn một con suối mang tên ông Tuấn ở mạn phía trên cầu Trà Phí. Vậy thì đi!

Ngày chủ nhật 17.9 lên đường. Vừa may đến lối rẽ vào khu du lịch Long Ðiền Sơn, hỏi thăm hai người uống cà phê có dáng vẻ nông dân, được ngay câu trả lời sốt sắng. Có rồi! Chỉ dẫn: “Cứ theo đường 785, qua kênh Tây, men bờ kênh rẽ phải độ hơn cây số thì gặp.

Hỏi suối Ông Tuấn ai cũng biết”. Lên rồi mới biết, khu vực này thuộc khu phố Ninh Bình, phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh. Ai cũng biết nhưng có ai đâu mà hỏi. Quán buôn bán dọc đường đa số của người dân mới tới. Ðê kênh Tây vắng tanh, hiếm thấy bóng cửa nhà. C

hỉ thỉnh thoảng một chiếc xe máy vù vù phóng qua. May mà cả hơn cây số phố bờ kênh ấy cũng có một ngôi nhà nép dưới bờ kênh. Chủ nhà xăng xái chỉ, đi thêm đoạn nữa thấy cánh đồng xanh có rặng cây cao là tới.

Suối Ông Tuấn kia rồi. Dưới chân đê như một chiếc khuyên vàng lóng lánh ánh mặt trời buổi sớm. Tại nơi bờ kênh có kè đá ấy, suối khoanh một vòng cung ôm lấy đám khoai nước xanh um trước khi trườn vào lòng cống ngầm xuyên dưới dòng kênh. Sang bên kia kênh Tây, suối đã mang tên Trà Phí, rồi dào dạt chảy qua đường 785, đổ vào rạch Tây Ninh chảy ngang trung tâm Thành phố.

Còn ở bên bờ Bắc kênh Tây, suối Ông Tuấn vẫn chỉ là một dòng nước nhỏ rộng vài ba mét, trong veo và hân hoan chảy dưới nắng trời. Chỉ ở một đoạn ngắn này thôi, vì suối đã lại âm thầm luồn vào giữa dằng dịt duối, tre, tràm vàng và cây dại hướng về chân núi Bà Ðen còn đang lơ mơ ngủ dưới chăn mây.

Thật khó để men theo dòng suối. Bên hữu là ruộng, rẫy, bên tả là một nhà dân cổng đóng then cài chắn lối. May mà còn bờ ruộng lội đi. Ôi chà suối! Nơi suối thanh thản nhất là dọc một vườn cam xen lẫn với dừa. Phần còn lại, suối cứ ngoắt qua ngoéo lại dưới bóng sung già hay những đoạn bờ dằng dịt rặng duối già nua lụm khụm.

Có chỗ lại là dây leo chằng chịt, hoặc thong thả buông từng chùm rễ xuống nước. Ai mà ngờ được, ở giữa khu phố Ninh Bình này lại có những tuyệt cảnh kỳ quan của suối giữa rừng. Có những cây sung thân lớn cỡ hai vòng ôm, bò ngang ra mặt nước, để rồi năm, sáu thân cành lớn lại nhoai lên, treo chi chít chùm trái xanh. Nơi những dây leo thả vòi hút nước thì từng chùm rễ nhỏ lượn lờ như những chiếc đuôi cá vàng quẫy lượn.

Dọc suối đâu đâu cũng có cây khoai nước đứng chen chân. Có phải chính những sung và khoai này đã che chở và còn cung cấp lương thực, rau xanh cho bộ đội, du kích Tây Ninh đánh giặc- những người giữ núi Bà Ðen suốt hai cuộc kháng chiến? Xa hơn nữa là giúp gia đình ông Tuấn và các nghĩa sĩ Cần Vương thời kỳ đầu dân Nam bộ và Tây Ninh chống Pháp. Và rất xa, từ khoảng 250 năm trước còn là các nghĩa binh của Quan Lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản.

Ở đầu đường rẽ vào Ma Thiên Lãnh kia còn một ngôi đền thờ quanh năm hương khói phụng thờ ông. Lịch sử Tây Ninh cũng thêm nhiều trang ghi chép chiến công của những người giữa núi. Như Liên đội 7, hay Tiểu đoàn Trinh sát 47 anh hùng- hai trong các đơn vị làm nên chiến công giải phóng núi Bà ngày 7.1.1975, mở đầu cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Trở lại với suối Ông Tuấn thôi! Ngày sau tôi tiếp tục thăm hỏi, tìm ra suối Ông Tuấn ở đoạn chảy qua dưới mặt đường tỉnh lộ 784. Cột cây số gần đấy ghi là cây số 7. Nó ở khoảng giữa đoạn đường nối đường Bời Lời lên núi với đường 785 đi huyện Tân Châu.

Phía thượng nguồn, suối vẫn long lanh lộ thiên dưới nắng, giữa những vườn, nương, ruộng rẫy. Xa xa phía ấy là núi Heo, còn gọi là núi Ðất xanh ngời, vun đầy tròn như một mâm xôi. Nhưng cũng chỉ độ hơn trăm mét thôi, suối lại ẩn mình dưới những vườn cao su giăng thành trước mắt. Nổi bật vài mái ngói đỏ tươi.

Tìm đến thì nơi ấy là hai ngôi miếu thờ Quan Lớn Trà Vong. Ngôi nào cũng đã xây sửa khang trang gạch men, mái đúc, sư tử đứng canh, rồng chầu trên mái, với đồ thờ chu tất. Một trong 2 ngôi đắp vữa xi măng năm xây là 1987. Về tới đây, Quan Lớn còn được dân phong thêm một chức Phó Lãnh binh.

Qua đường 784 cũng băng cống ngầm, suối sang phía hạ lưu dựng cả một bờ tre giăng thành kín mít. Ðây đó vươn lên vô số các vòi măng cao lểnh nghểnh. Băng qua một rẫy mì, luồn dưới tre lại gặp dòng nước lững lờ trong vắt. Dòng suối tới đây chỉ còn rộng chừng hơn 2 mét, có chỗ lòng suối toàn đá ong cau có màu gỉ sắt.

Ðấy cũng là nơi thấy rõ nhất dòng nước chảy lung linh, nghe rõ tiếng róc rách tuôn trào. Dòng nước ngăn ngắt xanh bởi nắng lọt qua toàn tre với trúc. Có cả khoai nước và rất nhiều cây lá lốt. Trong lúc hỏi thăm đường tới đây, tôi ghé một quán cà phê ven đường 784, cách suối chỉ vài chục mét.

Người địa phương ngồi đây ai cũng biết và gọi tên là suối Ông Tuấn. Ở đầu này, hay đầu kia xuyên dưới kênh Tây vẫn thuộc về khu phố Ninh Bình, phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh. Suối vẫn tuôn chảy róc rách tự ngàn xưa và mới mang tên Ông Tuấn chỉ khoảng trăm năm trở lại.

 Vậy mà khi hỏi thêm: có biết vì sao mang tên ấy thì không ai biết. Thế mới phải đi tìm và khơi lại những huyền thoại về ông Tuấn, một “Ðốc soái nghĩa quân Cần Vương”.

Làm gì còn một dấu tích vật chất nào nữa, sau mấy chục năm bom pháo giặc dìm núi Bà Ðen trong khói lửa? Nhưng vẫn còn đây một dòng suối mát lành mang tên Ông Tuấn. Mát là bởi nước vừa từ trong lòng núi đá đi ra. Lành là bởi cây cối, rẫy nương hai bên suối vẫn xanh ngời, tốt ngợp. Ðẹp như một sợi dây chuyền vàng trên ngực núi; suối Ông Tuấn còn là một món của để dành cho thành phố trẻ Tây Ninh.

Nguyễn Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục