Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đi về phía biển
Chủ nhật: 15:21 ngày 05/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Suốt từ đêm qua, ảnh hưởng bão, mưa to gió giật không ngừng nghỉ. Biển động, từng con sóng to chồm cả lên bãi cát, ngoạm từng đụn cát, kéo ra khơi. Bờ biển sạt lở, tạo những hàm ếch trông ghê sợ.

Bãi dương liễu cũng oằn rạp trước gió. Thuyền bè tránh bão nằm im trong vịnh, được neo chắn kỹ càng. Dân làng chài co ro trong những mái nhà thấp tè, nét mặt ai nấy đều lộ vẻ lo lắng, bất an. Sau khi đóng cửa sổ, khoá cửa chính của căn phòng nội trú, cô Quyên mang áo mưa, lội bộ ra đường. Cô giáo đi đến mấy nhà em học sinh trong làng chài. Bao giờ cũng thế, mỗi buổi chiều rảnh rỗi cô hay đến thăm nhà học sinh.

Vào những ngày mưa bão, sự thăm hỏi của cô không thiếu. Cô là người mà dân làng ai cũng quý mến. Cô yêu thương học sinh như con, sẵn sàng giúp đỡ và sẻ chia từng niềm vui nỗi buồn với chúng. Từng lớp học sinh ra trường, lên cấp ba, vào đại học, hễ có dịp về quê là thế nào cũng ghé thăm cô Quyên.

Căn phòng nội trú chật chội, cũ kỹ lại vang lên tiếng nói cười, rộn rã. Cô giáo Quyên về công tác tại xã vùng biển này đến nay hơn mười năm. Khoảng thời gian ấy cũng đủ để làm thay đổi cuộc đời của một con người. Nhưng với cô Quyên thì vẫn vậy.

Lên lớp, soạn bài, họp hành, đi thăm học sinh như một vòng quay đã định sẵn. Người ta thắc mắc về chuyện chồng con, cô chỉ cười và tếu táo chỉ bọn học sinh đang đùa giỡn trước sân. Con của cô cả đấy. Từ đứa trẻ mồ côi cha vì trận bão năm kia cuốn phăng tàu đánh cá, cha biệt tích không về, đến cô bé nước da trắng hồng theo mẹ từ Đà Lạt về sống với bà ngoại, khi ba mẹ ly hôn.

Cả cậu bé không biết cha mình là ai, sống với mẹ buôn bán từng mẹt cá dưới bến mỗi buổi chiều. Riết rồi cũng thành quen, người ta không còn thắc mắc nữa, cả những anh trai làng, sau đợt đi biển dài ngày cũng dần không lai vãng trước phòng cô Quyên nữa. Cô Quyên không bận tâm lắm, vẫn hằng ngày lên lớp.

Một hôm, gần hết tiết dạy, thầy hiệu trưởng nhắn cô Quyên phải xuống văn phòng ngay, có việc gấp. Chuyện gì vậy trời? Cô băn khoăn, xếp giáo án, nhanh chân rời lớp. Thì ra một người quen, từ thành phố xuống báo tin cha cô bệnh nặng, cấp cứu tại bệnh viện. Cô vội vàng theo người quen về thành phố ngay trưa hôm ấy.  

2. Đã một tuần trôi qua, cô Quyên vẫn chưa trở lại trường. Lớp cô chủ nhiệm được thầy giáo khác phụ trách. Tụi nhỏ ngơ ngác, thắc mắc nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu, buồn rầu.

Dĩ nhiên, mấy thầy, cô giáo biết chuyện cha cô Quyên mất nhưng lại giấu bọn trẻ. Mỗi chiều ngang qua phòng cô Quyên, cửa im ỉm khoá, tụi nhỏ buồn thiu, thở dài. Người lớn trong làng bắt đầu nóng ruột, hỏi nhau trước sự vắng mặt quá lâu của cô Quyên.

Có người bảo biết đâu nhân chuyện này, cô sẽ bỏ tụi nhỏ làng chài mà về thành phố dạy. Nhưng có người hiểu chuyện, rằng, cô Quyên sẽ không chuyển trường, mà sẽ gắn bó với ngôi trường nghèo này cho đến khi về hưu. Cứ thế, người ta nghĩ ra nhiều lý do trong lúc chờ đợi cô Quyên trở lại lớp.

3. Trường tiểu học của xã miền biển nằm khiêm tốn trong khu dân cư. Ngôi trường chỉ có hai dãy phòng. Dãy sáu phòng học đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa. Dãy văn phòng gồm bốn phòng cấp bốn cũng đã cũ kỹ, vôi vữa đã bong tróc, nham nhở.

Khu nội trú của giáo viên khiêm tốn nằm ở rìa khuôn viên trường, hướng ra trục đường lớn, đối diện với khu dân cư. Người dân ở đây hầu hết làm nghề đánh bắt cá. Đàn ông đi biển, đàn bà ở nhà nội trợ hoặc xuống bến mua từng mẹt cá lên chợ bán. Mùa biển động thì đan lưới hay vào sâu trong làng làm thuê làm mướn.

Trẻ con đứa nào đứa nấy đều đen nhẻm, gầy gò. Có đứa mới vào lớp một đã tay nách tay dắt mấy đứa em. Cuộc sống không mấy dư dả. Rảo quanh làng, qua mấy ngõ ngách mới thấy vài ngôi nhà hai tầng sơn quét đàng hoàng như trên phố.

Chợ họp ở bìa làng, nối với một con đường lát đá lởm chởm, hai bên vệ đường rác thải vứt đầy, xe gom rác chưa kịp dọn bốc mùi, khó chịu. Ngày mới về đây nhận công tác, cô Quyên không sao ngủ được. Ban đêm, tiếng sóng biển ầm ào dội vào ghềnh đá nghe rất rõ. Tiếng bầy chim ăn đêm từng chặp kêu thương trên ngọn bạch đàn sau nhà. Cả tiếng xe máy gầm rú của bọn con trai choai choai đi chơi trên phố về ngang ngõ. Và nhớ nhà…

Dù cách nhau chỉ non ba chục cây số, nhưng khoảng cách giữa nơi cô Quyên sinh ra và lớn lên với làng biển này một trời một vực. Không hiểu sao, cô từ bỏ ngôi trường nổi tiếng, cách nhà chỉ ba con phố mà lặn lội về đây suốt ngày làm bạn với lũ học trò nhếch nhác, thiếu thốn đủ thứ, lại thêm cha mẹ chúng ít chú trọng việc học hành của con cái.

Mọi người thắc mắc, cô Quyên chỉ cười hiền, tìm cách lãng tránh bằng cách tiện tay cầm xấp bài kiểm tra chấm điểm. Cô ấy thất tình mới về đây như là một cách tìm quên! Cô Quyên nghe được khi đi ngang quán cà phê cóc. Trong quán lúc này có mấy gã trai đang ngồi ngả ngớn hút thuốc và chọc ghẹo nhau.

Cô Quyên nhận ra người vừa nói câu đó là anh Huân. Cô không lạ gì với anh chàng hay say xỉn ghé phòng cô ngồi lì, lâu lâu hỏi mấy câu lãng nhách. Cô trân trọng tình cảm của anh dành cho cô, đón tiếp anh lịch sự nhưng không thể chấp nhận dễ dàng tình cảm của anh được…

Trong muôn ngàn lý do biện hộ cho việc này, vì tình chỉ là một lý do rất nhỏ. Cô Quyên cười giải thích với đám thanh niên khi họ đến chúc mừng cô nhân ngày 20.11. Cô về dạy ở vùng biển này không phải trốn chạy cũng không phải để lãng quên mà chỉ là không muốn gặp mối tình đầu hằng ngày đến trường. Thêm nữa, là tiếng gọi thân thương của vùng quê nghèo, ánh mắt khát chữ của học trò nơi đây mà khi còn là sinh viên cô có đợt tình nguyện…

Cô Quyên yêu vùng biển này, cô muốn góp phần nhỏ của đời mình vào cuộc sống nơi đây. Thế nên, dù nhiều lần có quyết định chuyển về thành phố, dưới sự tác động của ông bố quyền lực của mối tình đầu, dù đồng nghiệp cũng nhiều người tìm kiếm cơ hội chuyển về nơi thuận lợi nhưng cô Quyên vẫn kiên định. Một bóng đi về trên con đường đầy cát quen thuộc.

4.-Cô giáo đã về! Tiếng chào của bà Năm đi chợ sớm khiến cô Quyên đang lia từng nhát chổi trước sân, ngẩng lên: -Con chào bà Năm, hôm nay cá về nhiều không ạ! - Cũng bộn bộn cô giáo à! À, chuyện ma chay cho ông cụ xong cả rồi phải không cô giáo? Bà có lời chia buồn nhé! -Con cảm ơn bà! Mọi việc đã ổn, chỉ tiếc là ba con đi nhanh quá…

Con lại không được ở cạnh ba nhiều… Cô Quyên rơm rớm nước mắt khi nhắc đến ba. Bà Năm đặt quang gánh xuống đất, lật đật bước vào, cầm tay cô Quyên an ủi, động viên. Vừa lúc ấy, mấy em học trò đi học sớm, trông thấy cô giáo thì mừng rỡ, đồng thanh: - Chúng em chào cô ạ! - Cô chào các em! Cô Quyên nhoẻn miệng cười và vụng về lau dòng nước mắt chực rơi xuống.

Mấy em học trò vui vẻ, vội vã đi báo tin cho các bạn biết rằng cô giáo Quyên không bỏ đi mà đã trở về trường. Một buổi sáng ở làng chài ven biển đầy nắng chợt xôn xao!

T.Đ.S

Tin cùng chuyên mục