Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dịch bạch hầu lan rộng: Chuyên gia chỉ rõ dấu hiệu và cách phòng bệnh
Thứ hai: 22:10 ngày 06/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Người bị bệnh bạch hầu nhẹ sẽ sốt, ho, đau họng, có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, nặng có thể tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim và thiệt mạng.

ThS.BSCKII Trần Duy Hưng - Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Bệnh có thể xảy ra quanh năm và chủ yếu xuất hiện ở trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm phòng. Tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh dễ thành dịch.

ThS. BSCKII Trần Duy Hưng - Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp hoặc qua các giọt bắn của người bệnh khi tiếp xúc gần qua hắt hơi, ho.... Hiếm gặp hơn, bệnh có thể lây trực tiếp qua tiếp xúc da. Bạch hầu lây nhiều nhất trong hai tuần đầu mắc bệnh.

Người bị bệnh bạch hầu nhẹ có thể sốt nhưng không cao, ho, đau họng, ớn lạnh, xuất hiện giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản mũi, trên da hoặc ở các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Trường hợp mắc bạch hầu nặng có thể gây biến chứng tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh rồi thiệt mạng do đột trụy tim mạch. Thậm chí, một số bệnh nhân có thể bị thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận. Trẻ bị bạch hầu sẽ ho nhiều, bỏ ăn, khàn tiếng kèm viêm thanh quản…

“Bệnh bạch hầu có biến chứng nguy hiểm nhất là gây viêm cơ tim do độc tố làm bệnh nhân thiệt mạng rất nhanh chóng. Bệnh cũng làm tổn thương, viêm dây thần kinh…”, BS Hưng nói.

Phòng bệnh bạch hầu thế nào?

Theo BS Trần Duy Hưng, bệnh bạch hầu diễn biến nhanh, phức tạp, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể thiệt mạng. Đặc biệt là những người không tiêm chủng đầy đủ. Do vậy, làm sao để phòng ngừa được bệnh là việc rất quan trọng.

BS Hưng cho rằng, hiện bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng việc tiêm vaccine đầy đủ. Trẻ em có thể tiêm các mũi “5 hay 6 trong 1” lúc 2, 3, 4 tháng tuổi, còn liều thứ 4 (nhắc lại) là lúc từ 12-24 tháng tuổi.

Đối với trẻ lớn hay người lớn chưa tiêm ngừa bạch hầu hay đã tiêm trên 10 năm thì phải tiêm mũi nhắc lại.

“Trẻ không được tiêm vaccine phòng bệnh sẽ rất nguy hiểm. Bởi bệnh có thể bùng thành dịch bất cứ lúc nào chỉ vì tâm lý chủ quan. Chính vì vậy, công tác tiêm chủng là việc rất quan trọng trong phòng, ngừa bệnh bạch hầu”, BS Hưng nói.

Ngành Y tế tổ chức khám y tế, sàng lọc tại huyện Hải Yang, Đắk Đoa, Gia Lai. (Ảnh: HIỀN MAI)

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta. Do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục khuyến cáo người dân cần chú ý đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Kon Tum ghi nhận 23 trường hợp mắc bệnh bạch hầu rải rác tại huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy. Tính riêng từ ngày 27/6 đến ngày 2/7 đã có 14 trường hợp tại xã Diên Bình (Đắk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy) dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu.

Ngày 5/7, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cũng ghi nhận có 10 trường hợp bị bạch hầu. 10 ca dương tính với bệnh bạch hầu tập trung tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa.

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, cả nước ghi nhận 36 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó, 3 ca qua đời.

Các trường hợp mắc bệnh bạch hầu hiện nay đều là người đồng bào dân tộc  ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp (48-52%). 

Nguồn vtc

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục