Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi mạnh mẽ
Thứ sáu: 00:24 ngày 08/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, là nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hoá, nghệ thuật… tạo điều kiện phục hồi nhanh ngay trong quý I và cả năm 2022.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngày 6.4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị báo cáo viên Trung ương. Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự hội nghị có Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Xuân Hương cùng báo cáo viên các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện. Tổng cộng trong cả nước có hơn 50 ngàn đại biểu tham dự hội nghị.

KINH TẾ PHỤC HỒI

Hội nghị nghe ông Trần Quốc Phương- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2022; dự báo tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Trong 3 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp như cuộc chiến giữa Nga - Ukraine; giá dầu, lạm phát tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; một số nền kinh tế lớn bắt đầu triển khai thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018… đã tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta.

Trong nước, các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm tinh thần chủ đề điều hành năm 2022 “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, triển khai tích cực, linh hoạt, quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá…

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, là nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hoá, nghệ thuật… tạo điều kiện phục hồi nhanh ngay trong quý I và cả năm 2022.

Ba tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá. GDP ước tăng 5,03% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,66%, năm 2021 tăng 4,72%), đáng chú ý khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021. Qua đó, tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển KT-XH, kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong quý II và cả năm 2022.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Chính phủ thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát lạm phát, kịp thời ban hành chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế GTGT, góp phần giảm bớt áp lực tăng giá xăng dầu, thực phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng cho doanh nghiệp, người dân. Nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước được bảo đảm trong điều kiện nguồn cung và giá xăng dầu thế giới nhiều biến động; ổn định thị trường điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định, đến ngày 30.3, tín dụng tăng 5,47% so với cuối năm 2021 và tăng 16,93% so với cùng kỳ. Lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời triển khai các giải pháp ổn định thị trường, tâm lý nhà đầu tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Các bộ, cơ quan, địa phương đã đẩy nhanh phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao. Đến ngày 30.3, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 đạt 90% số vốn kế hoạch được giao; trong đó, tổng số vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương đã phân bổ chi tiết đạt 97,8%.

Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong tháng, tăng 45,5% so với tháng trước, quý I tăng 12,9% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 50,5% so với tháng trước, quý I tăng 22% so với cùng kỳ, gấp 2,2 lần tốc độ tăng của khu vực FDI (10%). Nền kinh tế xuất siêu 1,39 tỷ USD trong tháng 3, quý I xuất siêu 809 triệu USD.

Vốn đầu tư toàn xã hội quý I theo giá hiện hành tăng 8,9% so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ. FDI thực hiện tăng 7,8% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh, triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của nước ta.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh mở rộng. Sản xuất nông nghiệp ổn định, làm tốt công tác gieo trồng vụ Đông Xuân và thu hoạch lúa mùa, phòng, chống rét đậm, rét hại, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường du lịch quốc tế mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3, nhiều đường bay quốc tế được nối lại, cùng với việc miễn thị thực nhập cảnh, đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại nhiều địa phương, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 3 tăng 2,2 lần so với cùng kỳ, quý I tăng 89,1% so với cùng kỳ. Nhiều địa phương có lượng khách quốc tế tăng mạnh như Lào Cai, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà…

Ngoài nội dung chính nêu trên, hội nghị nghe bà Nguyễn Thị Minh Hương- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam báo cáo kết quả Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Bà Nguyễn Thị Doan- nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam báo cáo kết quả chủ yếu trong công tác khuyến học thời gian qua và vấn đề đặt ra đối với hoạt động của Hội Khuyến học các cấp trong thời gian tới.

Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng- Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo dự thảo “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở” và “Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ”.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trình bày sự cần thiết của việc ban hành hai dự luật nêu trên. Theo đó, việc ban hành “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở” là cần thiết để thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, đúng Hiến pháp năm 2013.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng lần lượt liệt kê 7 cơ sở pháp lý và chính trị để xây dựng, trình Quốc hội xem xét dự án luật này. Sau khi gửi dự thảo luật, Bộ Công an nhận được nhiều ý kiến đóng góp, từ đó chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ và Quốc hội. Đây là kiện toàn những lực lượng sẵn có, đang có chứ không phải xây dựng lực lượng mới, do đó không làm tăng biên chế, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH CCGrass Việt Nam. Ảnh: Đại Dương

“BÌNH THƯỜNG HOÁ” COVID- 19

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền chương trình phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ (ban hành kèm theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17.3.2022).

Tăng cường, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về các hướng dẫn điều trị người bị nhiễm Covid-19 và các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm tính khoa học, chính xác, đồng thời dễ hiểu, dễ nhớ. Khi thông tin, chú ý nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng: các bộ, ngành, địa phương phải luôn bám sát tình hình để chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch bảo đảm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ, từng bước “bình thường hoá” với dịch bệnh Covid-19.

Cần tuyên truyền đậm nét các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng như giỗ tổ Hùng Vương nhằm giáo dục các thế hệ người Việt Nam, thế hệ trẻ hướng về cội nguồn của dân tộc, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân có công lao to lớn trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thông tin, tuyên truyền về ngày 30.4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cần nêu rõ giá trị và ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tuyên truyền tôn vinh, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh tính mạng, cống hiến sức lực, trí tuệ và của cải, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự quan tâm giúp đỡ của doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các cấp, các ngành đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với nước.

Tăng cường đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và công lao, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, hoà bình thống nhất đất nước.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục