Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dịch bệnh sốt xuất huyết, viêm não tăng đột biến
Thứ sáu: 07:45 ngày 30/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
TP.HCM đã có 3 người chết do sốt xuất huyết (SXH). Các tỉnh miền Tây, Hà Nội và các địa phương khác số ca SXH tăng. Ngoài ra, bệnh viêm não cũng đang gia tăng nhiều nơi…

Thống kê của Bộ Y tế cho hay dịch SXH đến sớm hơn thường kỳ ở rất nhiều địa phương.

TP.HCM 3 người chết do SXH

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng kế hoạch tài chính Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nguyên nhân là do mùa mưa bất thường hơn mọi năm, đến sớm và có những cơn mưa lớn. Số ca mắc bệnh tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, số ca mắc bệnh SXH liên tục tăng trong khoảng 3 tuần nay. Hiện số ca mắc bệnh trong TP đã lên đến 339 ca. Riêng tuần qua, TP.HCM có thêm một người mắc bệnh SXH tử vong, nâng số người chết do SXH thành ba người.

Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, vì SXH đang vào mùa nên Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã lập một đội cơ động gồm có bác sĩ, điều dưỡng trực 24/24 giờ để tiếp nhận bệnh nhi kịp thời. Đồng thời, đội cơ động này cũng nhằm hỗ trợ các bệnh viện bạn khi cần thiết.

Ngoài ra, bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ phương tiện máy móc, thuốc, dịch truyền, máu... để kịp thời điều trị cho bệnh nhi.

Miền Tây lưu ý dịch SXH, viêm não

Tại khu vực miền Tây Nam Bộ, dịch SXH và viêm não sắp đi vào cao điểm. Đã có hàng ngàn ca mắc SXH, nhiều ca viêm não nhập viện.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, đã có một lượng bệnh nhi rất lớn đến từ các tỉnh trong khu vực. Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 1.000 ca SXH nhập viện, hơn 2.000 ca liên quan đến SXH đến khám bệnh ngoại trú. Nơi này cũng tiếp nhận khoảng 40 ca bệnh viêm não.

Bác sĩ chuyên khoa II Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, khuyến cáo: các gia đình có trẻ sốt cao, uống hạ sốt vẫn sốt lại đến ngày thứ hai thì cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện chuyên khoa.

Khoa hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện những ngày qua tiếp nhận nhiều trường hợp viêm não (Nhật Bản B) và màng não (não mô cầu), bệnh SXH... nhập viện trong tình trạng nặng.

Lý do người nhà thấy trẻ sốt, đau đầu, buồn nôn... nghĩ là bị cảm sốt thông thường nên chỉ mua thuốc uống, không đưa đến bệnh viện. Có trường hợp nhập viện đã trong tình trạng lơ mơ do viêm não, hay sốc SXH độ IV rất nặng.

Các bác sĩ cho biết để phòng bệnh viêm não nói chung và SXH, quan trọng nhất là phòng muỗi đốt (viêm não Nhật Bản B và SXH đều lây qua đường muỗi đốt). Cần tiêm ngừa đầy đủ mũi văcxin phòng viêm não.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) - cảnh báo: Hiện nay, ở khu vực miền Tây Nam Bộ, bệnh viêm não và SXH đã xuất hiện quanh năm, ngay cả mùa nắng cũng có bệnh SXH. Đặc biệt SXH xảy ra ở người lớn ngày càng nhiều, do đó không được chủ quan.

Một đặc thù ở miền Tây là bà con thường tích trữ nước mưa để sử dụng. Do đó, muỗi truyền bệnh có môi trường phát triển. Đặc biệt ở các huyện giáp biển, cần lưu ý diệt lăng quăng trong các hồ, kiệu chứa nước mưa.

Hàng trăm trẻ viêm não ở phía Bắc

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi T.Ư - Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư đã điều trị 176 trẻ mắc viêm não, trong đó có 24 bé mắc viêm não Nhật Bản, riêng tháng 6 có 21 bé nhập viện.

Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho hay tỉ lệ tiêm chủng văcxin ngừa viêm não Nhật Bản ở các tỉnh có bệnh nhi mắc bệnh không thấp, tuy nhiên các cháu mắc bệnh chủ yếu là trẻ trên 5 tuổi, ngoài đối tượng của tiêm chủng mở rộng.

Bà Hồng khuyến cáo các gia đình cho trẻ đi tiêm văcxin ngừa viêm não Nhật Bản đúng lịch, trẻ trên 5 tuổi không trong diện được tiêm văcxin miễn phí nên gia đình có thể cho trẻ tiêm chủng dịch vụ mũi văcxin nhắc lại để phòng bệnh.

Theo Bệnh viện Nhi T.Ư, viêm não Nhật Bản là bệnh có tỉ lệ tử vong, để lại di chứng nặng như liệt, rối loạn về vận động, ngôn ngữ, trí tuệ...

Riêng dịch SXH cũng tăng mạnh ở Hà Nội. Tính đến giữa tháng 6, một số khu vực trọng điểm như quận Đống Đa đã có gần 500 người mắc bệnh, với 88 ổ dịch - tăng gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ riêng quận Hoàng Mai có trên 340 người bệnh, 83 ổ dịch, 28 ổ đang hoạt động, số mắc tăng gấp gần 7 lần so với cùng kỳ. Các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm có số mắc tăng 5,5 lần so với cùng kỳ...

Chú ý các triệu chứng

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, về triệu chứng, cả hai bệnh SXH và viêm não đều có triệu chứng sốt cao và có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn.

Riêng SXH có triệu chứng kèm theo là đau nhức khá rõ, đau cơ, đau hốc mắt và biếng ăn. Bên cạnh đó là triệu chứng biếng ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng. Rõ hơn nữa là chảy máu răng và xuất huyết dưới da.

Nhưng lưu ý SXH không phải trường hợp nào cũng chảy máu răng, máu cam, xuất huyết dưới da. Không nên trông chờ các triệu chứng này để khẳng định bệnh SXH, khi thấy sốt cao ngày thứ 2 - 3 thì nên đi khám sớm.

Về viêm não Nhật Bản: ngoài sốt cao thì ảnh hưởng đến thần kinh khiến người bệnh lừ đừ, nhức đầu, nôn ói, co giật. Các triệu chứng này sẽ xảy ra trong 3 ngày đầu.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh