Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh
Chủ nhật: 21:00 ngày 28/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chỉ trong vòng 20 ngày, dịch tả heo châu Phi đã lây lan ra 6/9 huyện, thành phố trong tỉnh. Dịch lan rất nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thêm Bến Cầu “dính” dịch tả heo Châu Phi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, vào ngày 27.7 sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi đối với mẫu bệnh phẩm của hộ chăn nuôi Nguyễn Thị Kim Liên (ngụ khu phố 2, thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu), Chi cục chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bến Cầu phối hợp với chính quyền địa phương tiêu huỷ đàn heo gồm 7 con heo thịt, tổng trọng lượng 84 kg.

Đây là ổ dịch đầu tiên của huyện Bến Cầu được phát hiện.

Tiêu huỷ heo nhiễm dịch tả heo châu Phi.

Cũng trong ngày 27.7, ngành Thú y các huyện Châu Thành và Tân Châu tiêu huỷ 51 con heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi. Nâng tổng số heo bị tiêu huỷ đến thời điểm hiện tại lên 1.068 con.

Trước đó, ngày 25.7, tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, ngành chức năng địa phương cũng đã tiêu huỷ 63 con heo nhiễm dịch tả heo châu Phi của hai hộ chăn nuôi Võ Thị Thi (ngụ ấp Lộc Phước), có tổng đàn 45 con heo thịt và hộ bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ ấp Lộc Tân) có 16 con heo thịt và 2 con heo nái.

Sau hơn 20 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên tại ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành, đến nay dịch bệnh đang bùng phát và lây lan nhanh, toàn tỉnh đã xuất hiện 65 ổ dịch tại 15 xã và 1 thị trấn của 6 huyện.

Thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi

Trước tình hình lây lan nhanh của dịch tả heo châu Phi, Sở NN&PTNT vừa ban hành văn bản về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. 

Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; coi nhiệm vụ phòng chống, khống chế bệnh dịch tả heo Châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp tổ chức thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các biện pháp do Chính phủ, các bộ, ngành và Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn về phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại phát sinh ổ dịch.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. 

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức giám sát dịch bệnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.

Trường hợp có ổ dịch phát sinh thì kịp thời tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc.

Tổ chức kiểm tra, giám sát buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp làm lây lan dịch bệnh.

Giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển heo vào trong tỉnh. Tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu heo, sản phẩm heo qua biên giới, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy heo, sản phẩm heo nhập lậu.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương, nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng ổ dịch, xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. 

Bên cạnh đó, duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tạm thời và các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm heo xuất, nhập tỉnh. Kiểm tra hồ sơ và lấy mẫu xét nghiệm các lô heo từ các vùng dịch vận chuyển vào huyện, tỉnh, khi có kết quả âm tính mới cho phép đưa vào cơ sở giết mổ.

Tăng cưởng trao đổi thông tin giữa các trạm chăn nuôi và thú y, các chốt kiểm dịch động vật; kể cả lãnh đạo UBND các huyện, thành phố phụ trách về công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên hệ thống Zalo.

Tăng cường công tác quản lý kiểm soát giết mổ và quy trình kiểm soát giết mổ, kiểm tra dấu kiểm soát giết mổ; kiên quyết xử lý cán bộ thú y giao dấu kiểm soát giết mổ cho chủ cơ sở giết mổ. Tổ chức kiểm tra về nguồn gốc và tình trạng sức khỏe của heo vào cơ sở giết mổ; phải nắm chắc và có biện pháp xác minh nguồn gốc của từng lô heo, nhất là với đàn heo nhập tỉnh để giết mổ.

Mặt khác, huy động các nguồn lực, đặc biệt của hệ thống y tế trong công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng. Tiếp tục triển khai tuyên truyền chăn nuôi an toàn sinh học đến từng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; trọng tâm là thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng, khuyến cáo không sử dụng thức ăn thừa, không để nước rửa thịt heo nhiễm vào khu vực chăn nuôi, không để mầm bệnh xâm nhập vào hộ chăn nuôi, nhất là mua thịt heo không rõ nguồn gốc tại các quầy thịt.

Minh Dương – Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục