Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cả nước ghi nhận số ca nhiễm nhiễm virus EV71 gây bệnh tây chân miệng ở trẻ nhỏ, tăng từ 5,9% ở khoảng giữa tháng 4/2023 lên 19,2% vào khoảng cuối tháng 5/2023. Đáng lo ngại là sự xuất hiện của virus Enterovirus 71 (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Trẻ có thể tái mắc tay chân miệng nhiều lần
Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra được kháng thể với một loại virus nhất định. Vì vậy trẻ vẫn có thể mắc tay chân miệng trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus.
Theo Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2023 đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính với virus EV71.
Đáng chú ý, vào khoảng giữa tháng 6/2023, tại TP.HCM ghi nhận 423 ca bệnh, tăng 142,4% so với trung bình 4 tuần trước (175 ca); hầu hết các quận, huyện đều đã ghi nhận ca bệnh. Đặc biệt, tại các cơ sở y tế đã phát hiện các ca nhiễm virus EV71 và đều có kiểu gen B5 khi tiến hành giải trình tự gen. Với số ca bệnh nặng kèm sự xuất hiện của virus EV71, tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại TP.HCM được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cũng ghi nhận tới 20% - 30% trường hợp mắc bệnh tay chân miệng do nhiễm chủng virus EV71; nhiều trường hợp biến chứng viêm não, thần kinh. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám; gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị.
Trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trong đó, có trường hợp hợp trẻ 12 tháng tuổi (Vĩnh Phúc) và 26 tháng tuổi (Bắc Giang) đã có biến chứng viêm não.
Mẹ cháu bé 26 tháng tuổi (Bắc Giang) cho biết, bé từng mắc tay chân miệng và điều trị khỏi tại nhà hồi đầu năm. Do vậy lần này, chị và gia đình không nghĩ là bé lại biến chứng nặng như vậy.
“Rất may cháu được điều trị kịp thời, nên hiện tại đã tỉnh táo và ổn định trở lại”, mẹ cháu bé nói.
Theo các bác sĩ, biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là về thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Năm nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não.
TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, có một số trẻ khi mắc tay chân miệng chỉ có một số biểu hiện như loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý sẽ rất khó phát hiện. Đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
Do vậy, khi trẻ mắc tay chân miệng có những dấu hiệu trở nặng, cha mẹ cần đưa ngay con tới cơ sở y tế để kịp thời điều trị, tránh biến chứng nặng. Cụ thể, trẻ mắc tay chân miệng có các dấu trở nặng khi có các biểu hiện như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ…; trẻ giật mình nhiều (từ 2 lần trở lên trong 30 phút); trẻ vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; trẻ thở nhanh, thở bất thường như: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè...; trẻ bị run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng…
“Vì vậy, khi phát hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến điều trị kịp thời, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm. Đồng thời, phụ huynh phải được hướng dẫn đầy đủ cách chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng; các cách phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời”, TS.BS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo.
Dấu hiệu và biện pháp phòng bệnh
Dịch tay chân miệng do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác gây ra, trong đó hay gặp là virus EV71 và Coxsackie A16. EV71 chính là tác nhân gây dịch tay chân miệng lớn vào các năm 2011, 2018.
Các triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng:
- Trẻ sốt, kém ăn, khó chịu, đau họng.
- Từ 1 đến 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét, chủ yếu trên lưỡi, lợi và trong má.
- Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1 - 2 ngày với tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thưởng tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, cũng có thể xuất hiện ở mông hoặc ở cơ quan sinh dục.
- Trẻ cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc chỉ có thể bị phát ban hoặc loét miệng.
Bệnh nhi biến chứng nặng do tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM
Để phòng bệnh tay chân miệng, người dân cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; với người lớn, cần rửa tay sạch sẽ trước khi bế ẵm trẻ, trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ.
Người dân thực hiện ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Người lớn không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn tay, vật dụng ăn uống và đồ chơi khi chưa được khử trùng. Đồng thời, trong gia đình thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà, tay vịn cầu thang… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng để tránh lây nhiễm.
Tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, số ca mắc tay chân miệng đang tăng lên rõ rệt. Theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2023, đã ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2022 tuy số ca mắc giảm 28%, nhưng tăng 2 ca tử vong. Hiện các tỉnh miền Nam có số ca mắc cao nhất với (6.204, trong đó có 2 ca tử vong); tiếp theo là miền Bắc với 2.007 ca, miền Trung 316 ca, Tây Nguyên 130 ca , trong đó có 1 ca tử vong.
Trước sự xuất hiện của virus EV71 khiến dịch bệnh lây lan nhanh và gây ra tình trạng nặng ở trẻ em, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc, bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng.
Đồng thời, giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc… để tiếp nhận các ca bệnh nặng.
Nguồn VOV.VN