Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Điểm bán hàng Việt Nam: Ðịa chỉ mua sắm tin cậy của người tiêu dùng
Thứ ba: 22:21 ngày 14/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Điểm bán hàng Việt Nam” là mô hình cung ứng hàng hoá sản xuất trong nước đến tay người tiêu dùng do Bộ Công Thương đề xuất triển khai nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng Điểm bán hàng Việt Nam, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên.

Thời gian qua, Sở Công Thương thường xuyên lựa chọn, xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam tại các huyện phục vụ người tiêu dùng. Mô hình Điểm bán hàng Việt Nam trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy và quen thuộc của nhiều người dân, là một trong những kênh phân phối, đưa hàng hoá Việt bảo đảm chất lượng đến với người tiêu dùng, góp phần phát triển thị trường trong nước với hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững.

Giai đoạn 2018-2020, Sở Công Thương thực hiện xây dựng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam tại 9 cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, với tổng kinh phí hỗ trợ 9 cửa hàng là 498 triệu đồng.

Với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, năm 2022, Sở Công Thương tổ chức thêm 3 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, huyện Châu Thành và huyện Tân Châu, hỗ trợ 181 triệu đồng/3 điểm. Năm 2023, Sở triển khai thực hiện 2 điểm về Điểm bán hàng Việt Nam tại 2 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn huyện Bến Cầu và huyện Tân Biên.

Bà Văn Thị Chí- chủ Điểm bán hàng Việt Nam 7 Vũ, ấp Suối Mây, xã Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) cho biết, cửa hàng được Sở Công Thương hỗ trợ về kệ, giá trưng bày, biển hiệu, tập huấn, tư vấn các khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cách trưng bày hàng hoá tiện ích, phân theo từng loại hàng, nhóm hàng, cửa hàng bài trí ngay ngắn, hàng hoá phong phú, thuận tiện cho người tiêu dùng lựa chọn. Nhờ đó, khách hàng tới tham quan, mua sắm tăng 50% so với trước.

Chủ cửa hàng cam kết bán các sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bà Hồ Thị Yến- chủ Điểm bán hàng Việt Nam tại ấp Long Hoà, xã Long Chữ (huyện Bến Cầu) cho biết, hàng hoá tại cửa hàng bảo đảm chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, hàng hoá được kiểm tra hạn sử dụng thường xuyên, tránh tình trạng hàng hoá hết hạn sử dụng gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

“Để bảo đảm hàng hoá có chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá thành hợp lý, tôi lựa chọn các nhà sản xuất, nhà phân phối lớn có uy tín trên thị trường để hợp đồng cung ứng sản phẩm. Chính vì vậy, điểm bàn hàng Việt Nam này đã thu hút lượng lớn khách hàng đến tham quan và mua sắm, góp phần cho người dân nông thôn ưu tiên dùng hàng Việt Nam”- bà Yến cho biết.

Đến mua hàng Điểm bán hàng Việt Nam 7 Vũ, anh Đặng Thế Vinh, xã Thạnh Bình, (huyện Tân Biên) cho biết: “Tôi thường xuyên mua hàng tại Điểm bán hàng Việt Nam bởi cửa hàng có không gian rộng, số lượng hàng hoá nhiều, chủng loại đa dạng, phân khu cụ thể nên rất dễ lựa chọn. Điểm bán hàng Việt Nam là địa chỉ tin cậy để tôi mua sắm".

Theo Sở Công Thương, Điểm bán hàng Việt Nam được lựa chọn để xây dựng bảo đảm các tiêu chí cơ bản như: hàng hoá được bày bán tại đây phải đạt 100% là hàng hoá sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm… Tại “Điểm bán hàng Việt Nam” do Sở Công Thương tổ chức bảo đảm các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Qua nhiều năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng trong tỉnh nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hàng hoá mang thương hiệu Việt, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp sản xuất trong nước nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, nâng cao sức cạnh tranh. Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, hình thành các kênh phân phối hàng Việt đến tay người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ thống phân phối hàng Việt chưa được quan tâm đúng mức và thiếu tính bền vững, người tiêu dùng khó phân biệt giữa hàng Việt chất lượng với các hàng hoá trôi nổi trên thị trường. Do đó, Sở Công Thương tiếp tục xây dựng dự án mô hình về Điểm bán hàng Việt Nam tại các cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh năm 2024, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tổ chức kênh phân phối hàng hoá từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng trong tỉnh, nhất là các vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất trong nước giới thiệu sản phẩm tiếp cận với thị trường và cung cấp những mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng. Thông qua các Điểm bán hàng Việt Nam, các doanh nghiệp cũng như thương nhân phân phối hàng Việt sẽ góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sở Công Thương cho biết, xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam tại các cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh năm 2024 tại 2 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn huyện Gò Dầu và thành phố Tây Ninh, thuộc nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững.

Từ đó giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam; định hướng, xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam. Đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối tạo điều kiện đưa các hàng hoá thiết yếu là hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân.

Điểm bán hàng Việt Nam cố định góp phần mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận được nhiều mặt hàng Việt phong phú với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. Góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc lựa chọn hàng Việt Nam...

Từ đó, hình thành thói quen mua sắm, sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cơ hội kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

Đồng thời, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh để tránh xảy ra tình trạng đưa những mặt hàng kém chất lượng vào bán trà trộn với hàng chính hãng để trục lợi, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục