Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ Giáo dục đề xuất bổ sung gần 95.000 biên chế giáo viên; Học sinh từ mầm non tới THPT có mức học phí mới; Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sớm tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh... là những thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.
Mức học phí mới nhất với học sinh từ mầm non tới THPT
Chính phủ vừa ban hành Nghị định Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo đó, Nghị định quy định khung học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2021 – 2022 căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể.
Còn khung học phí năm học 2022 – 2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được chia theo vùng.
Cụ thể, vùng thành thị có mức học phí mỗi tháng từ 300 – 540 nghìn đồng/học sinh mầm non và tiểu học; cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có mức học phí từ 300 – 650 nghìn đồng/học sinh.
Bộ Giáo dục đề xuất bổ sung gần 95.000 biên chế giáo viên
Đây là đề xuất trong vòng 5 năm tới. Trong đó, riêng năm 2021, đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế.
Hiện, cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học.
Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2020-2021 đã hướng dẫn các địa phương trong việc rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Căn cứ số thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, riêng năm 2021, đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các địa phương vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sớm tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh
Sáng 28/8, Chủ trì Hội nghị Tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế phối hợp Bộ GD&ĐT tính toán để sớm tiêm vắc xin cho học sinh. (xem chi tiết)
TPHCM đề nghị Bộ GD&ĐT kéo dài thời gian năm học 2021-2022
Sáng 28/8, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT kéo dài khung thời gian kết thúc năm học 2021-2022 vì dịch COVID-19.
Ông Dương Anh Đức cho biết, TPHCM hiện vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Do đó, địa phương sẽ không thể cho học sinh tới trường học trực tiếp, thay vào đó học sinh sẽ học trực tuyến. Cụ thể, học sinh trung học bắt đầu chương trình từ 1/9, học sinh tiểu học từ 8/9. Trong tuần đầu tiên, giáo viên sẽ tập trung hướng dẫn các kỹ năng để học sinh quen dần việc học trực tuyến. (xem chi tiết)
Bộ GD&ĐT chỉ ra nhiều sai phạm tài chính tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Theo Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có nhiều thiếu sót, sai phạm trong việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí cấp bù, miễn giảm học phí sư phạm do Bộ GD&ĐT cấp lên đến hàng tỷ đồng. Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính trong sai phạm này...
Cho thi lại giữa mùa dịch, nhiều giáo viên và học sinh tiếp xúc F0 cùng F1
Theo báo cáo của Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, sau khi rà soát, trong số 9 học sinh tham dự thi lại có 1 học sinh tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19. Người mắc COVID-19 là bà ngoại của học sinh. (xem chi tiết)
Đổi mới thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH từ năm 2022
Kết luận tại Hội nghị Giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định năm 2022 kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH sẽ được đổi mới theo hướng phân cấp mạnh hơn cho các địa phương và thành lập các trung tâm khảo thí độc lập.
Nguồn TPO