Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đó là chủ đề tiết mục dự thi của Thư viện tỉnh Tây Ninh tại Liên hoan cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hoá đọc và giới thiệu sách, chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024).
Một Tây Ninh trung dũng kiên cường được tái hiện tại Điện Biên.
Sân chơi của những người làm công tác thư viện
Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc năm 2024 có sự tham gia của 42 đoàn với gần 1.200 cán bộ thư viện- đại diện cho hơn 10.000 người làm công tác thư viện của 63 tỉnh, thành, thư viện lực lượng vũ trang, thư viện đại học trong cả nước.
Lễ khai mạc Liên hoan diễn ra vào lúc 19 giờ 30 ngày 23.4, tại Trung tâm Hội nghị Văn hoá tỉnh Điện Biên. Lễ bế mạc, tổng kết và trao giải thưởng Liên hoan sẽ diễn ra vào lúc 16 giờ, ngày 26.4.
Anh Nguyễn Thanh Tú- đơn vị Thư viện tỉnh Tây Ninh cho biết, đây là lần thứ hai anh tham gia liên hoan tại tỉnh Điện Biên. Tham gia tuyên truyền phát triển văn hoá đọc và giới thiệu sách, anh có cơ hội học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ từ các bạn đồng nghiệp trên cả nước. Đặc biệt, liên hoan là dịp tăng cường, đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, mang lại hiệu quả và sức lan toả mạnh mẽ, góp phần khuyến khích việc đọc sách và thúc đẩy phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng.
Các đơn vị tham gia Liên hoan còn giới thiệu, phổ biến những tài liệu, sách báo về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Những cuốn sách được các đoàn thư viện đem đến giới thiệu tại Liên hoan là nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, cung cấp cho người xem thông tin toàn diện về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những nhân vật tham gia chiến dịch; lịch sử vẻ vang qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam; những hồi ức của các cựu chiến binh năm xưa và về một Điện Biên đổi mới ngày hôm nay.
Người dân địa phương và học sinh, sinh viên trên địa bàn Thành phố có thể đến tham dự miễn phí trong suốt thời gian diễn ra Liên hoan. Ngoài ra, Ban Tổ chức Liên hoan sẽ phát lại chương trình của toàn bộ 42 đoàn thư viện trên kênh YouTube Sách và Trí tuệ Việt để người dân truy cập, xem lại và lựa chọn chương trình được yêu thích nhất. Trên cơ sở số phiếu đề cử trên kênh, Ban tổ chức sẽ trao giải thưởng cho chương trình được khán giả bình chọn nhiều nhất.
Tiết mục giới thiệu sách của Thư viện tỉnh Tây Ninh.
Thiên sử vàng Điện Biên Phủ
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, thành viên Hội đồng Thẩm định nghệ thuật tỉnh Tây Ninh làm đạo diễn cho tiết mục của đội Thư viện tỉnh Tây Ninh. Biên đạo múa Minh Triết là người chuyển thể toàn bộ ý tưởng, nội dung sang hình thức sân khấu hoá.
“Đoàn tham dự liên hoan với tiết mục gồm 4 phần, nhằm thể hiện tình đất - tình người Tây Ninh, một Tây Ninh trung dũng kiên cường cùng những danh lam thắng cảnh tươi đẹp được tái hiện tại Điện Biên”- bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ.
Ở phần giới thiệu sách, đội Tây Ninh chọn giới thiệu cuốn sách “Thiên sử vàng Điện Biên Phủ”, Nhà xuất bản Thông Tấn Xã Việt Nam, ấn hành năm 2018. Tiết mục tái hiện hình ảnh của chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến tranh đã lùi xa gần hai phần ba thế kỷ, nhưng dư âm 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non của quân và dân Việt Nam vẫn lấp lánh sáng ngời, là biểu tượng cho sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; là kết quả của sự nỗ lực, bền bỉ đấu tranh của toàn quân, toàn dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tiết mục còn lồng ghép tình cảm, tấm lòng của người Tây Ninh hướng về Điện Biên, với những hình ảnh tư liệu đặc sắc, nêu bật được giá trị nội dung của tác phẩm. Ở phần cuối tác phẩm, thể hiện tuổi trẻ Tây Ninh hôm nay luôn tự hào, một lòng hướng về Điện Biên.
Tiết mục múa “Sương trời của mẹ” giới thiệu nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.
Sang phần giới thiệu mô hình hay, cách làm hiệu quả, Thư viện tỉnh Tây Ninh giới thiệu chương trình “Kết nối tri thức”. Đây là chương trình phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh thực hiện, hằng tuần, sẽ giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách hay, phát trên kênh FM tần số 103,1Mhz và kênh YouTube của hai đơn vị. Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã giới thiệu được 820 cuốn sách với hàng triệu lượt theo dõi, tương tác của người dân trong và ngoài tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, bài dự thi của đơn vị Thư viện tỉnh Tây Ninh đã thành công ngoài mong đợi, nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Phần thi cuối đã lấy được nhiều nước mắt của khán giả, đó là tiết mục múa “Sương trời của mẹ” do biên đạo múa Minh Triết dàn dựng, giới thiệu đến khán giả nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng- di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Hoàng Yến