Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
66 năm đã trôi qua, cuộc sống đã thay đổi, đồng đội không còn nhiều, nhưng ký ức đầy gian lao của một thời thì còn mãi mãi trong trái tim của dân công hoả tuyến Trịnh Xuân Tế.
Vợ chồng cụ Tế.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của bao thế hệ hôm nay. 66 năm đã trôi qua, cuộc sống đã thay đổi, đồng đội không còn nhiều, nhưng ký ức đầy gian lao của một thời thì còn mãi mãi trong trái tim của dân công hoả tuyến Trịnh Xuân Tế, sinh năm 1923, hiện ngụ tổ 6, ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành.
Cụ Tế kể, thời bấy giờ, trước khi chuẩn bị cho chiến dịch, cả nước dồn lương thực, sức người cho Điện Biên. Thanh niên trong làng Đồng Xuân, xã Tiên Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam quê hương cụ, ai cũng xung phong tham gia chiến dịch. Nhưng không phải ai cũng được đi mà chỉ chọn những người có sức khoẻ và có tinh thần cách mạng.
Lúc đó, với tư cách là Trung đội trưởng dân quân, cụ là một trong 10 người được chọn (trong đó có một nữ) vinh dự được tham gia chiến dịch với nhiệm vụ “dân công hoả tuyến”. Hành trình đầu tiên là từ trung tâm huyện gánh 25kg gạo đựng trong 2 bao may bằng vải cùng với quần áo, xoong nồi bát đĩa để vừa đi vừa tự nấu ăn trên đường. Càng đi, con đường càng khó khăn hiểm trở.
Không chỉ có núi cao, vực thẳm, suối sâu mà còn muỗi, vắt, côn trùng. Có những đoạn dốc cao mà khi đoàn gánh gạo đi xuống dốc phải đặt đít xuống đất rồi đưa vai bên này xuống. Và cứ như vậy để đưa gánh gạo xuống dốc kẻo gạo rớt xuống vực. Sau này, đoàn dân công đặt tên là “dốc lê trôn”.
Để tránh máy bay địch, đoàn dân công đi vào ban đêm, bắt đầu từ 5 giờ chiều đến khoảng 12 giờ khuya hoặc 1 giờ sáng thì tới nơi bàn giao lương thực. Nghỉ ngơi trong rừng chỉ có các lán bằng cây rừng nhưng không có mái che, lúc đó phải lấy chăn, hoặc áo mưa đắp lên người để ngủ.
“Chúng tôi ngủ trong rừng. Nam nữ đều ngủ chung trong một chiếc lán, có khi trời lạnh phải đắp cùng một tấm chăn, nhưng (ông cười) không có chuyện gì xảy ra cả. Lúc đó tinh thần cách mạng cao lắm, chẳng ai nghĩ gì ngoài nhiệm vụ”. Hơn nữa, lúc đó kỷ luật chiến dịch nghiêm lắm, ai cũng tự giác chấp hành.
Mỗi người gánh vài chục ký gạo trên vai nhưng tuyệt đối không ai đụng vào một hạt gạo của bộ đội. Mỗi người được cấp 5kg gạo bỏ trong túi ruột tượng mang theo, nếu ăn hết phải xin đồng bào dọc đường. Quần áo tư trang nếu có bị ướt cũng không sao, nhưng gạo của bộ đội thì nhất quyết không được để ướt.
Để gánh được nhiều gạo cho bộ đội ăn no đánh giặc, đơn vị của cụ lúc đó cử một số người biết đan lát vào rừng chặt nứa về đan thành những chiếc bồ đựng được 25 đến 30kg gạo. Nhiều người lúc rảnh còn đan cả thúng, mủng, giần, sàng để bên các cánh rừng để khi nào chiến thắng thì đem về quê mà dùng.
Khi đơn vị của cụ gần tới Điện Biên khoảng 4 cây số thì nghe tin chiến thắng, mọi người ai cũng vui mừng hò hát, kể chuyện suốt đêm, thậm chí có người còn cho hết quần áo, gạo ăn cho đồng bào để về quê cho nhẹ. Năm nay, cụ Tế đã gần 100 tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn.
Điều mà cụ sung sướng và tự hào nhất là các con đã noi gương truyền thống gia đình cách mạng. Người nào cũng thành đạt. Cụ Tế có 6 người con: một nguyên Bí thư Chi bộ ấp, hai người con trai mang cấp hàm đại tá Công an nhân dân và một người con gái mang hàm thượng tá An ninh nhân dân. Các con cụ cũng đã nghỉ hưu. Các cháu nội, ngoại của cụ đều đã và đang học đại học, có đứa đã là thạc sĩ, tiến sĩ khoa học.
Vừa rót nước mời khách, cụ Tế chia sẻ, những người cùng thế hệ tham gia dân công hoả tuyến với tôi, bây giờ hầu như đã khuất bóng. Có nhiều người trước khi chết không một lời đòi hỏi chế độ. Thế hệ của chúng tôi, ai cũng xem đó là niềm tự hào của một thời son trẻ được góp chút sức lực nhỏ bé của mình vào chiến thắng lẫy lừng của dân tộc.
Cuộc chiến tranh kết thúc đã hơn 60 năm, những vết tích của bom đạn đã nhường lại cho màu xanh của cây trái và đồng lúa chín vàng trĩu hạt. Khí tiết, cốt cách Điện Biên năm xưa vẫn không bao giờ phai và tiếp tục được phát huy để đến bây giờ thắp sáng lên ngọn lửa truyền thống cho thế hệ trẻ giữ gìn, phát huy truyền thống.
Hà Quang