Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hai ông Trump, Putin không nói gì vụ Mỹ nã tên lửa Syria, chỉ bàn khả năng hợp tác - một điều theo các chuyên gia sẽ rất khó xảy ra.
Gần một tháng sau khi Mỹ nã 59 quả tên lửa hành trình vào Syria - đồng minh của Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm đầu tiên. Đây cũng là cuộc điện đàm thứ ba giữa hai lãnh đạo Mỹ và Nga kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.
Trước đó, hai ông Trump và Putin đã có hai lần điện đàm được công bố. Lần thứ nhất là ông Putin gọi chúc mừng ông Trump nhậm chức, lần thứ hai là khi ông Trump gọi điện thoại chia buồn vụ đánh bom tàu điện ngày 3-4 ở TP St.Petersburg (Nga) làm 16 người chết.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump vừa có cuộc điện đàm lần thứ ba ngày 2-5. Ảnh: GETTY
Vì đại cuộc, cần hạ nhiệt?
Syria là chủ đề chính trong cuộc điện đàm mà Nhà Trắng mô tả là “một cuộc đối thoại rất thoải mái”, trong khi điện Kremlin mô tả là “cuộc đối thoại thiết thực và xây dựng”. Hai bên không ai đề cập đến chuyện đánh bom hóa học hay vụ nã tên lửa.
Cuộc đối thoại tập trung bàn về khủng hoảng nhân đạo tại Syria, cùng tỏ ý muốn hợp tác vì một lệnh ngừng bắn. Hai nhà lãnh đạo cũng bàn tới cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông cũng như “tình hình nguy hiểm” ở Triều Tiên. Cuộc điện đàm cũng đề cập đến khả năng ông Trump và ông Putin lần đầu “chạm mặt” trực tiếp bên lề hội nghị G20 ở Hamburg (Đức) vào tháng 7 tới.
Cuộc điện đàm diễn ra giữa thời điểm quan hệ hai bên đang ở mức thấp kỷ lục, cả hai nước đều nhận thức nhu cầu cải thiện quan hệ với nhau. Thứ nhất là để giảm nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân. Thứ hai là chống khủng bố toàn cầu đều là mục tiêu hàng đầu của Mỹ và Nga hiện nay. Thứ ba, Mỹ và Nga đều cần sự giúp đỡ của nước còn lại để giải quyết một số điểm nóng toàn cầu mà mình tồn tại lợi ích.
Trước cuộc điện đàm với ông Trump, Tổng thống Putin đã khẳng định rằng nền hòa bình lâu dài ở Syria sẽ không thể đạt được nếu không có sự tham gia của Mỹ. Ông chủ điện Kremlin bày tỏ hy vọng hai bên có thể thống nhất biện pháp chấm dứt xung đột sáu năm ở Syria, theo Reuters.
“Tôi hy vọng chúng tôi sẽ đạt được những giải pháp chung về khu vực rất quan trọng và nhạy cảm của chính trị thế giới. Chắc chắn nếu không có sự tham gia của một nước như Mỹ, các vấn đề này sẽ không thể giải quyết hiệu quả” - ông Putin nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel sau cuộc gặp song phương ngày 2-5 ở TP Sochi (Nga).
Hiểu rõ về quan hệ đồng minh Nga-Syria, Washington cũng hẳn biết rằng sẽ không thể có giải pháp chấm dứt hoàn toàn nội chiến Syria nếu không có sự trợ giúp của Moscow. Ông Trump cũng muốn lôi kéo người đồng cấp tại Kremlin về phía mình trong kế hoạch tập trung sức ép quốc tế với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Không quá kỳ vọng
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoài nghi vào khả năng cải thiện quan hệ Mỹ-Nga sau cuộc điện đàm này. Theo trang tin Slate, động thái này có thể chỉ hạ nhiệt căng thẳng chút ít ở bề mặt chứ không giải quyết tận gốc các bất đồng. Các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ vẫn còn đó. Máy bay ném bom Nga vẫn thường “vờn” sát không phận Mỹ, mới nhất là đợt tiếp cận vùng biển bang Alaska năm ngày trước. Còn với truyền thông Nga, ông Trump vẫn được mô tả như một người bốc đồng và nguy hiểm.
Trong cuộc điện đàm, hai ông Trump và Putin đều nói mong muốn hợp tác. Tuy nhiên, theo The Washington Post, khả năng này rất khó xảy ra. Nhiều nhà phân tích Nga cũng bác bỏ khả năng sẽ có hợp tác thực chất trong vấn đề Syria. Theo ông Dmitry V. Syslov, Phó Giám đốc Trung tâm Châu Âu và Nghiên cứu quốc tế (Nga), “chướng ngại vật” hàng đầu là việc Mỹ nhất quyết đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức, vốn là điều khoản Nga không thể chấp nhận.
Bên cạnh đó, tính cách bốc đồng khi quyết định của ông Trump, mà điển hình là vụ nã tên lửa vào Syria vừa qua, cũng là nguyên nhân khiến Nga thiếu tin tưởng để hợp tác với Mỹ. Nhà nghiên cứu Konstantin Sivkov tại Viện hàn lâm về khoa học hỏa tiễn và pháo binh Nga cho rằng: “Việc ra quyết định một cách thiếu cân nhắc, thiếu mục tiêu và đánh giá hậu quả rõ ràng của ông ấy làm tăng các rủi ro xung đột quân sự”.
Trong khi đó, tờ The New York Times dẫn lời nhà phân tích chính sách chính trị hàng đầu của Nga Vladimir Frolov nhận xét về “nỗi lòng” của dư luận Nga lúc này: “Có hy vọng, thất vọng, cả thận trọng và e sợ. Họ e sợ về cách chính phủ Trump cư xử trên trường quốc tế, về sự khó lường cùng các bước đi đơn phương của Mỹ”.
Tại thủ đô Astana (Kazakhstan) ngày 3-5 diễn ra cuộc đàm phán tìm thỏa thuận ngừng bắn cho Syria. Lần đầu tiên Mỹ gửi đặc phái viên là Quyền Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Cận Đông Stuart Jones đến tham dự. Mỹ trước đây chỉ đưa đại sứ tại Kazakhstan đến dự với tư cách quan sát viên. Đến giờ, Mỹ không giữ vai trò quan trọng nào trong các cuộc đàm phán này. Các cuộc đối thoại ở Astana do Nga giữ vai trò chủ đạo tồn tại song song với vòng hòa đàm tại Geneva (Thụy Sĩ) do Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Nga đang đẩy nhanh kế hoạch thành lập bốn vùng đệm - chủ yếu do binh sĩ các nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát - tại các khu vực giao tranh giữa chính phủ và phe nổi dậy Syria xảy ra thường xuyên bất kể lệnh ngừng bắn để bảo vệ dân thường. ___________________________ Tình anh em giữa ông Trump với ông Putin có vẻ đang quay trở lại. Thay vì gửi đến ông Putin thông điệp cứng rắn vì bảo vệ chính phủ Assad, ông Trump có vẻ đang chọn chiến lược nhượng bộ. Phó Giám đốc truyền thông Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (Mỹ) Adrienne Watson ngày 2-5 phản ứng về cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin. |
Nguồn PLO