Theo dõi Báo Tây Ninh trên
APEC đóng vai trò là nền tảng để Việt Nam có thể tiếp tục khẳng định mình là một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất trong khu vực.
TS.Santiago Velasquez, Phó Chủ nhiệm chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam. (Nguồn: TGCC)
Song song với việc hướng tới Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco (Mỹ), các nền kinh tế Đông Nam Á đang phải đối phó với áp lực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn và gia tăng căng thẳng gần đây ở Trung Đông, sau khi chiến sự nổ ra giữa Israel và Hamas. Những căng thẳng này làm phức tạp thêm sứ mệnh thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư và biến đổi khí hậu của APEC.
Tuy nhiên, có một số chủ đề vẫn được các nền kinh tế Đông Nam Á đề cao và họ kỳ vọng APEC đóng vai trò là một diễn đàn hữu ích.
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC là một diễn đàn quan trọng đối với Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và những thay đổi kinh tế toàn cầu. Tầm quan trọng càng được nâng cao trong bối cảnh cân nhắc các hoạt động chiến lược nhằm theo đuổi sự ổn định, tăng trưởng và thương mại bền vững, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc hiện tại và các liên minh mới tiềm năng ngoài khuôn khổ APEC hiện nay.
Tổ chức điều phối hợp tác xuyên biên giới
Các Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vẫn đóng vai trò là nơi các nền kinh tế Đông Nam Á có thể tìm thấy tiếng nói chung, hình thành các liên minh chiến lược, ủng hộ sự bền vững và tăng cường thương mại quốc tế. Với vai trò là tổ chức điều phối hợp tác xuyên biên giới, APEC phục vụ nhiều mục tiêu cho các nền kinh tế như Việt Nam, vốn đã vượt qua sự hỗn loạn của đại dịch Covid-19 toàn cầu một cách khá “lành lặn”.
Đối với Việt Nam, APEC tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, góp phần vào con số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kỷ lục đạt 22,4 tỷ USD vào năm 2022 (theo thống kê của Bộ Tài chính). Điều quan trọng là APEC đóng vai trò là nền tảng để Việt Nam có thể tiếp tục khẳng định mình là một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất trong khu vực cho Chiến lược “Trung Quốc +1”.
Các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam đang chú ý đến các cuộc đàm phán về quy định thương mại và tìm cách tạo ảnh hưởng để môi trường thương mại toàn cầu thúc đẩy các hoạt động thị trường công bằng. APEC mang đến cho họ một diễn đàn để vận động cho các chính sách đem lại sự công nhận và hỗ trợ phù hợp cho các nhu cầu riêng biệt của từng nền kinh tế nhỏ đang phát triển trong khu vực.
Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC khác có thể sử dụng diễn đàn này để giải quyết những khó khăn ngoại giao nảy sinh từ căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, hiện càng gia tăng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và căng thẳng Trung Đông bùng phát mạnh mẽ vào tháng 10 năm nay. Ở khía cạnh này, các nền kinh tế APEC phải đối mặt với sự lựa chọn giữa các kế hoạch lớn khác nhau của Trung Quốc và Mỹ cho tương lai của khu vực.
APEC mang đến cơ hội chiến lược để Mỹ giải quyết những thách thức phức tạp như chuỗi cung ứng mong manh, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng trong khuôn khổ khu vực. Trước những căng thẳng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với Trung Quốc, APEC mang lại một diễn đàn để Mỹ thúc đẩy các chính sách thương mại bền vững nhằm đẩy mạnh quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Tham gia APEC cho phép Mỹ tăng ảnh hưởng để kêu gọi hỗ trợ cho các chính sách kinh tế toàn diện và bền vững, đồng thời có tiềm năng đóng góp cho sự thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, APEC có giá trị đối với Trung Quốc vì nó cung cấp một nền tảng để thể hiện cam kết của nền kinh tế số hai thế giới đối với thương mại mở.
Các Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vẫn đóng vai trò là nơi các nền kinh tế Đông Nam Á có thể tìm thấy tiếng nói chung. (Nguồn: Getty Images)
Cho đến nay, các nền kinh tế tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vẫn đang theo đuổi đường lối trung lập thận trọng. Do đó, APEC nên đóng vai trò là nơi tìm kiếm sự cân bằng về ngoại giao.
Hơn nữa, APEC cũng cần được sử dụng như một cơ chế để xây dựng liên minh chiến lược với các nền kinh tế chưa là thành viên. Có nhiều nền kinh tế đang háo hức chờ đợi để gia nhập APEC (như Bangladesh, Pakistan, Colombia, Panama và Ecuador). Đối với Việt Nam, quan hệ đối tác với các nước Mỹ Latinh hiện tại và trong tương lai không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường kinh tế đó mà còn là cơ hội thúc đẩy đối thoại và hợp tác Nam - Nam.
Trung Quốc đang tích cực xây dựng các mối quan hệ và mời các đối tác Nam Mỹ thúc đẩy thương mại. Cách đây vài tuần, Tổng thống Colombia Gustavo Francisco Petro Urrego đã đến thăm Bắc Kinh trong một động thái có thể làm rung chuyển (ở một mức độ nào đó) sự kiểm soát của Mỹ trong khu vực – còn được gọi là Học thuyết Monroe. Việc củng cố các mối quan hệ Nam - Nam này có thể cho phép các nền kinh tế chia sẻ kiến thức trong rất nhiều ngành nghề, từ dệt may, điện tử, đến nông nghiệp và lâm nghiệp. Tất cả các ngành này đều có đóng góp chính vào thu nhập quốc gia của Việt Nam.
Các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế này hy vọng còn được thúc đẩy mạnh hơn bởi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Sự mở rộng của RCEP (thể hiện gần đây thông qua sự gia nhập của Philippines) có thể mang lại sự cộng hưởng với các mục tiêu của APEC.
RCEP, tương tự APEC, hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), thông qua các quy tắc xuất xứ dễ chấp nhận hơn và khả năng tiếp cận thị trường được cải thiện. Hơn nữa, RCEP có thể đóng vai trò là hình mẫu cho chuỗi cung ứng linh hoạt và các hoạt động thương mại hướng tới tương lai, qua đó có khả năng củng cố các nền kinh tế Đông Nam Á trong một khu vực thương mại thống nhất và thuận lợi.
Tóm lại, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2023 là một diễn đàn quan trọng để các nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bày tỏ mối quan ngại của mình và tìm ra lộ trình mới trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc và xung đột toàn cầu. Với tư cách là một nền tảng thống nhất, APEC không chỉ thúc đẩy hội nhập kinh tế và FDI tại Việt Nam mà còn tạo sân chơi để thúc đẩy các hoạt động thương mại công bằng phù hợp với nhu cầu khu vực và toàn cầu.
Tiềm năng mở rộng của APEC, trong đó có quan hệ mới với các nước Mỹ Latinh, mở ra cánh cửa tiếp cận các thị trường đa dạng và hợp tác Nam - Nam hiệu quả, cũng như làm phong phú thêm bức tranh kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, sự liên kết của RCEP với các mục tiêu của APEC có thể góp phần đem lại hiệu quả cao hơn cho các hoạt động kinh doanh và củng cố các chuỗi cung ứng.
Nguồn baoquocte